Mỹ mời Việt Nam sang họp khởi động đàm phán trong tuần này

Tham tán Thương mại Việt Nam tại Mỹ cho biết, phía Mỹ đã mời đoàn công tác liên ngành của Việt Nam sang họp khởi động đàm phán trong tuần này, ngay trong thời gian nghỉ lễ.

Chiều 28-4, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài. Chủ đề của cuộc giao ban lần này tập trung vào việc các giải pháp chủ động thích ứng với chiến tranh thương mại và chính sách thuế đối ứng của Mỹ.

USTR mời Việt Nam sang họp khởi động đàm phán trong tuần này

Cập nhật tình hình về chính sách thuế đối ứng của Mỹ, ông Đỗ Ngọc Hưng, Tham tán Thương mại tại Mỹ, cho biết căng thẳng thương mại đang gia tăng sau khi Mỹ áp thuế 10% lên hầu hết các quốc gia và đe dọa mức thuế 20% với hàng hóa EU, dù đã tạm hoãn 90 ngày để đàm phán.

Đặc biệt, Mỹ đã áp mức thuế cao lên tới 145% với hàng hóa Trung Quốc, buộc các doanh nghiệp nước này phải tìm cách chuyển luồng xuất khẩu sang các thị trường ngoài Bắc Mỹ để bù đắp phần thị phần bị mất tại thị trường Mỹ.

Cũng theo ông Hưng, các tập đoàn hàng tiêu dùng bán lẻ hàng đầu của Mỹ, trong đó có Walmart, Target đang thu mua nhập khẩu từ Việt Nam chiếm 30%, trong cuộc gặp với Tổng thống Trump, họ đã bày tỏ lo ngại rằng chính sách thuế quan đang tác động tiêu cực đến tâm lý người tiêu dùng và gây áp lực tăng giá.

 Ông Đỗ Ngọc Hưng, Tham tán Thương mại tại Mỹ.

Ông Đỗ Ngọc Hưng, Tham tán Thương mại tại Mỹ.

Tuy nhiên, ông Hưng cũng cho biết, nhiều doanh nghiệp lớn của Mỹ vẫn thể hiện sự ủng hộ và tin tưởng Việt Nam sẽ đạt được thỏa thuận với Mỹ, thông qua gỡ bỏ mức thuế đối ứng. Các doanh nghiệp cũng cân nhắc tham dự sự kiện thu mua quốc tế do Bộ Công Thương tổ chức trong tháng 9-2025 tại Việt Nam.

Theo thông tin từ ông Hưng, Cơ quan Đại diện Thương mại Mỹ (USTR ) đã đăng tải thông cáo báo chí về kết quả cuộc điện đàm giữa Việt Nam và Mỹ chỉ một ngày sau cuộc họp. Đồng thời, phía Mỹ nghiêm túc xem xét đề xuất họp song phương cũng như mời đoàn công tác liên ngành của Việt Nam sang họp khởi động đàm phán trong tuần này.

"Qua trao đổi với một số đơn vị tư vấn về động thái trên của Mỹ, họ cho rằng phía Mỹ đã rất coi trọng Việt Nam, coi Việt Nam là đối tác quan trọng, nghiêm túc, có thiện chí cũng như ghi nhận một cách thực chất những quan ngại của Mỹ” - ông Hưng chia sẻ.

Ấn Độ là quốc gia thứ hai được đưa tin sau sau gần 9 tuần hai nước nhất trí khởi động đàm phán song phương. Việt Nam nằm trong nhóm các nước mà Mỹ ưu tiên đàm phán gồm Ấn Độ, Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam, Indonesia.

Nỗ lực ngoại giao để xử lý vấn đề thuế đối ứng

Theo các báo cáo đánh giá, phân tích, ngành điện tử của Việt Nam, bao gồm các nhà sản xuất lớn như Samsung, Intel và LG, là các tập đoàn xuất khẩu nhiều sang Mỹ, có thể ảnh hưởng đáng kể khi Mỹ áp dụng mức thuế cao. Các doanh nghiệp có thể buộc phải đánh giá lại chiến lược sản xuất toàn cầu của mình, chuyển một phần sản xuất sang các quốc gia không phải chịu mức thuế cao.

Các ngành dệt may, giày dép, mức thuế đối ứng cao có thể dẫn đến giảm đơn hàng từ các thương hiệu và nhà bán lẻ lớn của Hoa Kỳ như Nikes và Adidas. Suy giảm nhu cầu có thể dẫn đến cắt giảm sản xuất đáng kể, ảnh hưởng đến việc làm của người lao động, vốn sử dụng một phần lớn lực lượng lao động Việt Nam.

Các ngành xuất khẩu đáng chú ý khác bao gồm nội thất, thủy sản và sản phẩm nông nghiệp, cũng được dự đoán sẽ bị ảnh hưởng bởi mức thuế đối ứng cao.

Đề xuất một số giải pháp, ông Đỗ Ngọc Hưng, Tham tán Thương mại tại Mỹ kiến nghị cần tăng cường nỗ lực ngoại giao, các cuộc đàm phán để vận động xử lý vấn đề thuế đối ứng. Đồng thời tiếp tục triển khai lộ trình cụ thể để Việt Nam bảo vệ lợi ích thương mại trước các biện pháp thuế quan tiềm tàng từ chính quyền Tổng thống Trump. Tăng cường hợp tác chiến lược với Mỹ nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững trong quan hệ song phương giữa hai nước.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường xuất khẩu thông qua các FTA nhất là các FTA thế hệ mới; kích thích nhu cầu nội địa thông qua các biện pháp thúc đẩy tiêu dùng trong nước để bù đắp cho sự suy giảm tiềm tàng trong giảm xuất khẩu.

Các doanh nghiệp cũng nâng cao khả năng cạnh tranh trong nước; tăng cường khả năng phục hồi và đa dạng hóa chuỗi cung ứng, giảm sự phụ thuộc vào các nguồn nguyên liệu thô, thúc đẩy xuất khẩu với hàm lượng chất xám và giá trị gia tăng trong nước sẽ góp phần nâng cao khả năng phục hồi của nền kinh tế trước các cú sốc bên ngoài.

"Do các quốc gia bị áp thuế có thể tăng cường các biện pháp bảo hộ thương mại, gây áp lực cạnh tranh lớn hơn cho thị trường Việt Nam, việc hợp tác đầy đủ với phía Mỹ trong quá trình cung cấp thông tin cho các vụ kiện thương mại cũng là điều quan trọng để bảo vệ lợi ích doanh nghiệp và tránh các rủi ro pháp lý" - ông Hưng lưu ý.

Theo số liệu thống kê, quý I-2025, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đạt 31,4 tỉ USD, tăng 22% so với cùng kỳ, nhập khẩu đạt 4,1 tỉ USD tăng 21%, điều này thể hiện cơ cấu ngoại thương mang tính bổ trợ giữa hai nước.

An Hiền

Nguồn PLO: https://plo.vn/my-moi-viet-nam-sang-hop-khoi-dong-dam-phan-trong-tuan-nay-post847059.html