Triển vọng từ mô hình trồng dưa lê trong nhà lưới
Trong khi nhiều nông dân phát triển mô hình trồng dưa lưới, anh Bùi Văn Sang (ngụ xã Phước Hưng, huyện An Phú, tỉnh An Giang) lại lựa chọn cây dưa lê Thái Kim để phát triển kinh tế gia đình. Mặc dù đây là loại cây trồng mới tại địa phương, nhưng hiệu quả bước đầu đã được khẳng định.
Mô hình mới
Dẫn chúng tôi thăm vườn dưa lê đang chuẩn bị thu hoạch, anh Sang cho biết, mô hình được triển khai từ năm 2019, trên diện tích 1.000m2, với 3.100 gốc. Dưa lê anh Sang chọn là giống Thái Kim, sinh trưởng khỏe, phát triển nhanh; thân, lá màu xanh đậm, khả năng phân nhánh trung bình, kháng bệnh rất tốt... Để phát triển mô hình, anh Sang xây dựng hệ thống nhà lưới chắc chắn, kinh phí đầu tư trên 360 triệu đồng.
Bên cạnh đó, anh Sang còn sử dụng phương pháp tưới nước nhỏ giọt theo công nghệ Israel. Với sự đầu tư bài bản về nhà màng và lưới chuyên dụng đã tạo môi trường vi khí hậu khép kín cho cây trồng. Thêm vào đó, việc sử dụng công nghệ tưới nước, bón phân tự động còn giúp cây trồng hấp thụ tốt dưỡng chất, tránh những tác động do dư nước, thừa phân...
Do đây là giống dưa mới, nên quy trình canh tác đòi hỏi nhiều kỹ thuật. Anh Sang cho biết, dưa lê sau 7-8 ngày ươm có thể cho vào giá thể để trồng. Giá thể là hỗn hợp 30% trấu, 30% cám dừa (xơ dừa), 30% phân bò được trộn với nấm Tricoderma và vôi, sau đó ủ 1-2 tháng. Trong điều kiện thích hợp, dưa lê trồng sau 20 ngày bắt đầu ra hoa.
Đến giai đoạn này, anh Sang sử dụng phương pháp thụ phấn bằng ong cho vườn dưa lê của gia đình. Cách làm này giúp giảm thời gian, nhân lực, đồng thời đảm bảo tỷ lệ đậu trái cao hơn. Sau khi thụ phấn khoảng 1 tuần thì cho trái, thời điểm này cần tỉa những trái không đạt yêu cầu, để lại 1 trái có hình dạng đẹp nhất để cây tập trung dinh dưỡng nuôi trái.
Theo anh Sang, việc trồng dưa lê trong nhà lưới giúp tránh các loại sâu bệnh gây hại. Tuy nhiên, trên loại cây trồng này vẫn xuất hiện một số loại bệnh, như: Phấn trắng, giả sương mai, chết cây con... Các loại bệnh này xuất hiện do môi trường không được vệ sinh kỹ sau thu hoạch; do người trồng bất cẩn, mang mầm bệnh từ bên ngoài vào...
Để quản lý tốt các loại đối tượng gây hại này, sau khi thu hoạch, anh Sang tiến hành vệ sinh nhà vườn bằng thu gom tiêu hủy các loại rác thải và tàn dư thuốc bảo vệ thực vật; phun hóa chất diệt khuẩn bên trong và xung quanh nhà lưới... vào thời điểm 1 tuần trước khi xuống giống. Bên cạnh đó, trước khi xuống giống còn vệ sinh hệ thống tưới nước bằng cách bơm Chloramin-B...
Hiệu quả kinh tế khá
Nhờ thực hiện đúng quy trình, dưa lê được trồng trong nhà màng nên phát triển tốt, cho năng suất cao. Nhất là hạn chế sự tấn công của sâu bệnh, không phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nên tạo ra sản phẩm an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nông sản sạch của thị trường.
Anh Sang cho biết, hiện đầu ra của dưa lê khá ổn định. Sản phẩm này được người tiêu dùng ưa chuộng, bởi có ruột đặc, thịt quả dày, khô, độ ngọt cao, ăn giòn, thơm... Giá dưa lê được bán lẻ tại địa phương khoảng 35.000 đồng/kg, bán sỉ cho công ty với giá 32.000 - 33.000 đồng/kg. Sau khi trừ các khoản chi phí, gia đình anh Sang thu lợi nhuận từ 50-70 triệu đồng/vụ.
Qua 3 năm canh tác, anh Sang đánh giá: “So với dưa lưới, dưa lê có nhiều ưu điểm hơn. Đầu tiên là giá hạt giống dưa lê thấp hơn dưa lưới. Bên cạnh đó, thời gian canh tác dưa lê ngắn, nên chi phí đầu tư thấp hơn. Cũng nhờ trồng nhanh thu hoạch, nên dưa lê có thể canh tác 4 vụ/năm, hơn 1 vụ so với dưa lưới, nên hiệu quả kinh tế cao hơn...”.
Thành công ban đầu có thể thấy, mô hình trồng dưa lê của anh Bùi Văn Sang mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với nhiều loại cây trồng khác tại địa phương, đồng thời mở ra hướng đi mới cho sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp sạch của huyện An Phú nói chung, xã Phước Hưng nói riêng.
Mặt khác, việc trồng dưa lê trong nhà lưới có nhiều ưu điểm, như: Quản lý cây trồng tốt hơn, giúp che mưa và ngăn côn trùng xâm nhập, nông dân giảm chi phí do không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, bảo đảm sản phẩm sạch và bảo vệ sức khỏe người trồng lẫn người tiêu dùng... Tuy nhiên, mô hình đòi hỏi nhiều kỹ thuật, nên nông dân cần nắm vững kiến thức trước khi thực hiện. Mặt khác, chi phí đầu tư ban đầu khá lớn, nên nhiều nông dân chưa có cơ hội áp dụng đại trà...
Dưa lê Thái Kim có quả hình oval, vỏ trơn, khi chín có màu vàng kim, thịt giòn, ngọt mát. Giống dưa này có thời gian sinh trưởng từ 58-60 ngày (chưa tính thời gian ươm hạt), khả năng sinh trưởng và phát triển tốt, cho năng suất, chất lượng cao. Trọng lượng trái khi thu hoạch đạt từ 1,2kg trở lên.
Mô hình trồng dưa lê mở ra hướng đi mới trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại địa phương