Triển vọng từ việc phát triển cây gai xanh trên địa bàn Cẩm Thủy
Văn hóa và Đời sống - Với mong muốn đa dạng cây trồng, vật nuôi, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, thời gian qua huyện Cẩm Thủy đã tập trung mở rộng diện tích trồng cây gai xanh, coi đây là cây trồng chủ lực giúp đẩy mạnh việc xóa đói, giảm nghèo của địa phương.
Cây gai xanh đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân huyện Cẩm Thủy.
Theo đánh giá của ngành chức năng, cây gai xanh có giá trị kinh tế cao, là nguyên liệu chủ yếu phục vụ cho ngành may mặc.
Cây gai dễ trồng, dễ chăm sóc khả năng chịu hạn tốt, thời gian trồng đến khi thu hoạch ngắn, năng suất năm sau cao hơn năm trước, phù hợp đất phù sa ven sông. Đây là loại cây lưu gốc, thời gian lưu bình quân khoảng 10 năm. Mặc dù đưa vào trồng tại một số địa phương trong huyện chưa lâu nhưng đã mang lại giá trị tích cực, tạo thu nhập cho bà con Nhân dân trong vùng.
Tính đến cuối năm 2020, toàn huyện có 72,1 ha (trong đó lưu gốc 37,1 ha; trồng mới 35 ha) được trồng chủ yếu tại các xã Cẩm Tú, Cẩm Châu, Cẩm Bình… Năng suất bình quân 25 tấn cây tươi/ha, tương đương 750 kg sợi khô cộng với giá thu mua tương đối ổn định ở mức cao từ 35 đến 47 nghìn đồng/kg. Trừ các chi phí, mỗi năm người dân thu về từ 60 - 70 triệu đồng/ha/năm.
Ông Trịnh Quốc Huy ở thôn Bình Hòa 1, xã Cẩm Bình - một trong những người trồng cây gai xanh cho biết, đầu năm 2020 thấy một số cây như ngô, mía giá trị mang lại không cao, gia đình đã thuê đất để trồng gai, đến nay đã có 4 ha. Trừ chi phí, trung bình mỗi năm thu nhập của gia đình ông đạt trên 70 triệu đồng.
Theo ông Huy, từ khi Công ty CP đầu tư phát triển sản xuất và xuất nhập khẩu An Phước (nay là Tập đoàn An Phước) đầu tư xây dựng nhà máy trên địa bàn thôn Thuần Lương, xã Cẩm Tú, đã tạo điều kiện phát triển vùng nguyên liệu gai xanh trên địa bàn huyện, người dân tích cực trồng.
Ông Trịnh Quốc Huy giới thiệu cánh đồng gai của gia đình.
Trên địa bàn Cẩm Thủy đến nay đã có nhiều hộ gia đình mạnh dạn trồng cây gai xanh như hộ ông Lê Huy Liên, Phạm Hồng Thái (xã Cẩm Châu), bà Nguyễn Thị Thanh (xã Cẩm Tú), bà Lê Thị Tài (xã Cẩm Ngọc) với diện tích khá lớn.
Ông Quách Văn Vi (xã Cẩm Tâm) cho biết, gia đình mới trồng 2,3 ha nhưng thấy tương lai của loại cây này, nên hướng sắp tới sẽ mở rộng diện tích.
Lấy cây cây gai xanh làm mục tiêu trọng tâm trong phát triển kinh tế nông nghiệp của huyện, thời gian tới Cẩm Thủy sẽ có các biện pháp khuyến khích mở rộng diện tích cây gai xanh. Hướng dẫn hộ dân tham gia hợp tác xã, doanh nghiệp để sản xuất cây gai.
Đồng thời đề nghị Tập đoàn An Phước khẩn trương hoàn thiện các hạng mục công trình để đưa nhà máy vào hoạt động, thông báo sớm các chính sách hỗ trợ, cơ chế thu mua kịp thời để huyện và xã triển khai cho Nhân dân.
Một tương lai đang mở ra trên vùng đất Cẩm Thủy từ khi cây gai xanh bén rễ nơi này.