Triển vọng vòng đàm phán thứ 3 giữa Nga và Ukraine
Vòng đàm phán thứ 3 trong năm nay giữa Nga và Ukraine dự kiến sẽ diễn ra trong tuần này tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, hai bên tới nay vẫn chưa thống nhất được thời điểm cụ thể, chương trình nghị sự hay phương thức tiếp cận.
Trong khi Ukraine khẳng định, các cuộc đàm phán sẽ diễn ra trong ngày hôm nay, thì phía Nga vẫn chưa xác nhận thông tin và truyền thông nước này cho biết có thể là vào ngày 24 hoặc 25/7. Ngay từ vấn đề thời gian đã cho thấy sự thiếu đồng thuận, phản ánh một quá trình đối thoại khó khăn.
Hai vòng đàm phán trước đó đều diễn ra không quá hai giờ đồng hồ và chỉ đạt được các thỏa thuận mang tính nhân đạo như trao đổi tù nhân, trao trả thi thể, trong khi những chủ đề cốt lõi như ngừng bắn, quy chế các vùng lãnh thổ sáp nhập hay cấu trúc an ninh vẫn không có tiến triển.
Dù Nga và Ukraine đã trao đổi các bản ghi nhớ liên quan đến việc giải quyết xung đột, nhưng Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov thừa nhận lập trường của hai bên “vẫn khác xa nhau” và Nga không chờ đợi “bất kỳ bước đột phá kỳ diệu nào”: "Vấn đề dàn xếp với Ukraine phức tạp đến mức ngay cả việc đạt được thỏa thuận về trao đổi tù nhân hay trao trả thi thể cũng đã là một thành công. Nhưng chúng tôi không có lý do gì để kỳ vọng bất kỳ đột phá kỳ diệu nào- những kết quả như vậy khó có thể xảy ra trong tình hình hiện tại".

Ông Zelensky (trái) và ông Putin (phải). Ảnh: Reuters
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy hôm qua cũng có phát biểu nhấn mạnh những ưu tiên của nước này trong vòng đàm phán sắp tới với Nga, khẳng định việc đảm bảo lệnh ngừng bắn và thả tù nhân vẫn là ưu tiên hàng đầu: “Chúng tôi đã thống nhất chương trình nghị sự tập trung vào việc tiếp tục trao trả các tù nhân. Ukraine đang nỗ lực hết sức, đặc biệt với sự hỗ trợ từ các đối tác và các nhà trung gian quốc tế nhằm đảm bảo việc trao đổi các tù nhân dân sự. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm hiện nay là đạt được một lệnh ngừng bắn và thúc đẩy một cuộc gặp giữa hai nguyên thủ- điều có thể giúp rút ngắn khoảng cách tới hòa bình".
Ngay trước thời điểm đàm phán được công bố, Ukraine hồi đầu tuần này bất ngờ nhận được những cam kết vũ khí và tài chính đáng kể từ các đối tác phương Tây từ tài trợ để mua thiết bị bay không người lái (UAV) và các vũ khí phòng không tới việc Pháp công bố xây dựng một nhà máy sản xuất thiết bị bay không người lái tại Ukraine. Động thái có thể giúp Ukraine cải thiện vị thế trong đàm phán, nhưng khó có thể thay đổi lập trường chiến lược của Moscow về các yêu cầu then chốt như yêu cầu Ukraine công nhận vùng lãnh thổ sáp nhập, từ bỏ kế hoạch gia nhập NATO và giới hạn tiềm lực quân sự. Nga hôm qua cũng bác bỏ khả năng một cuộc gặp giữa hai nguyên thủ vào thời điểm hiện nay, cho rằng vẫn còn nhiều việc phải làm.
Còn tại châu Âu, trong khi một số nước như Đức và Hà Lan đã hành động nhanh chóng nhằm hỗ trợ chuyển giao vũ khí Mỹ cho Ukraine, thì những quốc gia khác như Pháp vẫn tỏ ra thận trọng, phản ánh sự chia rẽ nội khối. Trong bối cảnh đó, việc Ukraine vừa thông qua một đạo luật gây tranh cãi liên quan đến quyền lực của các cơ quan chống tham nhũng đã làm dấy lên lo ngại từ phía Ủy ban châu Âu về cam kết cải cách của chính quyền Tổng thống Zelenskyy. Diễn biến này càng làm tăng rủi ro Ukraine có thể đánh mất niềm tin từ các đối tác châu Âu vào thời điểm nhạy cảm.
Mặc dù triển vọng đạt được một thỏa thuận toàn diện trong vòng đàm phán sắp tới là khá thấp, song các chuyên gia nhận định bất kỳ kết quả nào có tính nhân đạo như hồi hương trẻ em hay trao trả tù nhân đều mang giá trị thực tế, góp phần tạo dựng lòng tin tối thiểu và giữ cho cánh cửa đối thoại tiếp tục mở.