Triết lý Jatiya Sangsad

Nhân dân Bangladesh đã tạo nên một lịch sử và nền dân chủ của riêng mình khi giành độc lập vào năm 1971. Quốc hội là nền tảng và cũng là biểu hiện sinh động nhất của dân chủ. Nên ngay sau khi giành được độc lập, Bangladesh đã bắt tay vào hành trình thiết lập nền dân chủ nghị viện với việc thành lập Quốc hội đơn viện có tên là 'Jatiya Sangsad' theo tiếng Bengal. Như thông điệp của Chủ tịch Quốc hội đương nhiệm Shirin Sharmin Chaudhury trên trang web của Quốc hội nước này: 'Một nền dân chủ nghị viện năng động, tích cực là tiền đề để củng cố dân chủ và mở đường cho hòa bình, ổn định và phát triển'.

Nền độc lập gắn với nền dân chủ nghị viện

Quốc hội lập hiến Bangladesh được thành lập vào ngày 10.4.1972, một năm sau tuyên bố độc lập khỏi Pakistan, trở thành Quốc hội đầu tiên của Bangladesh với tư cách là một quốc gia độc lập. Quốc hội đã thông qua Hiến pháp vào ngày 4.11.1972, có hiệu lực vào ngày 16.12 cùng năm. Quốc hội lập hiến sau đó trở thành Quốc hội lâm thời của Bangladesh cho đến khi cuộc tổng tuyển cử đầu tiên theo Hiến pháp mới diễn ra vào năm 1973.

Ánh sáng tự nhiên được sử dụng như một cấu thành của sự khai mở không gian trong tòa nhà

Ánh sáng tự nhiên được sử dụng như một cấu thành của sự khai mở không gian trong tòa nhà

"Jatiya Sangsad" có nghĩa là Quốc hội trong tiếng Bengal, thường được gọi đơn giản là Sangsad hoặc JS, là cơ quan lập pháp tối cao của Bangladesh. Theo quy định, Quốc hội có 350 ghế, trong đó 300 thành viên được bầu trực tiếp từ 300 khu vực bầu cử, 50 ghế dành riêng cho phụ nữ, được chỉ định theo đại diện tỷ lệ của các đảng trong Quốc hội.

Cuộc tổng tuyển cử mới nhất bầu ra Quốc hội Khóa 11 diễn ra ngày 30.12.2018. Các cuộc bầu cử lập pháp được tổ chức 5 năm một lần, trừ khi Quốc hội bị Tổng thống Bangladesh giải tán trước đó, hoặc có thể được kéo dài nhiệm kỳ (không quá 1 năm) trong trường hợp xảy ra chiến tranh.

Sức mạnh của những nữ lãnh đạo

Bangladesh là một trong số ít cơ quan lập pháp có quy định về việc dành một số ghế cố định cho phụ nữ.Quy định về việc dành riêng 50 ghế cho phụ nữ được áp dụng kể từ Quốc hội Khóa 9 (trước đó là 30, 45 ghế) và quy định này sẽ có hiệu lực trong 10 năm. Sau đó, Tu chính án thứ 17 đã sửa đổi cho phép quy định này sẽ kéo trong 25 năm bắt đầu từ Quốc hội Khóa 10.

Một điểm đặc biệt khác cho thấy sức mạnh của phụ nữ trong hệ thống quyền lực của Bangladesh đó là sự hiện diện của hai người phụ nữ ở hai cơ quan quyền lực nhà nước quan trọng nhất: Chủ tịch Quốc hội Shirin Sharmin Chaudhury và Thủ tướng Chính phủ Sheikh Hasina.

Bà Shirin Sharmin Chaudhury trở thành nữ Chủ tịch đầu tiên của Quốc hội từ tháng 4.2013 và đến nay đã nắm giữ vị trí này 10 năm. Khi đó, ở tuổi 46, bà trở thành nữ nghị sĩ trẻ nhất đảm nhận chức vụ này.

Kể từ cuộc tổng tuyển cử tháng 12.2008, Liên đoàn Awami do bà Sheikh Hasina lãnh đạo liên tục chiếm đa số và trở thành đảng cầm quyền. Theo quy định của Hiến pháp, lãnh đạo đảng (hoặc liên minh các đảng) nắm giữ đa số ghế sẽ trở thành Thủ tướng và do đó là người đứng đầu chính phủ. Bà Sheikh Hasina, với tư cách là người đứng đầu Liên đoàn Awami đã trở thành Thủ tướng thứ 10 của Bangladesh từ năm 2009. Trước đó, bà cũng từng giữ chức Thủ tướng giai đoạn 1996 - 2001. Bà là thủ tướng tại vị lâu nhất trong lịch sử Bangladesh.

Tòa nhà được bao quanh bởi hồ nước, mang triết lý về sự tĩnh tại và văn hóa của một quốc gia ven sông Hằng. Nguồn: Flick

Tòa nhà được bao quanh bởi hồ nước, mang triết lý về sự tĩnh tại và văn hóa của một quốc gia ven sông Hằng. Nguồn: Flick

Cơ quan điều hành

Các cơ quan điều hành của Nghị viện bao gồm Chủ tịch Jatiya Sangsad, Ủy ban Quốc hội và Ban Thư ký Quốc hội. Ủy ban Quốc hội bao gồm Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch và quan chức chịu trách nhiệm về kỷ luật đảng. Ủy ban là trung tâm điều phối, xác định chương trình nghị sự lập pháp hằng ngày. Ban Thư ký Quốc hội, đứng đầu là Thư ký cấp cao của Cơ quan Hành chính Bangladesh, phụ trách tất cả các nhiệm vụ hỗ trợ và tư vấn cho hoạt động của Quốc hội.

50 ủy ban thường trực

Hầu hết công việc lập pháp tại Quốc hội được thực hiện tại các ủy ban thường trực, và các ủy ban này hầu như không thay đổi trong suốt khóa lập. Trong số đó, Ủy ban phụ trách Bộ (CoM) có số lượng xấp xỉ số bộ của Bangladesh và mỗi bộ có một ủy ban tương đương chẳng hạn như quốc phòng, nông nghiệp và lao động... Tính đến Quốc hội thứ 11, có 50 ủy ban thường trực, trong đó có 39 Ủy ban phụ trách Bộ (CoM).

Jatiya Sangsad Bhaban - triết lý tĩnh tại và văn hóa Bengal

Jatiya Sangsad Bhaban là Tòa nhà Quốc hội Bangladesh. Được thiết kế bởi kiến trúc sư Louis Kahn và bắt đầu khởi công vào năm 1964 khi đất nước vẫn còn là một phần của Pakistan, quần thể Quốc hội Bangladesh là một trong những khu phức hợp lập pháp lớn nhất thế giới, với diện tích 810.000m2. Robert McCarter, tác giả cuốn Louis I. Kahn, đã mô tả Quốc hội Bangladesh là “một trong những tòa nhà độc đáo nhất thế kỷ XX”.

Thiết kế của Louis Kahn được dẫn dắt bởi triết lý “tinh thần” và “sự tĩnh tại”. Các bộ phận khác nhau của Tòa nhà Quốc hội được tổ chức xung quanh một trục trung tâm mạnh mẽ, tập trung vào tính đại diện cho văn hóa và di sản Bengal đồng thời tối ưu hóa việc sử dụng không gian. Sự kết hợp độc đáo giữa vật liệu bê tông và đá cẩm thạch làm tăng thêm sự khác biệt của cấu trúc. Kiệt tác kiến trúc hoành tráng này đã phát triển thành biểu tượng của sự tự do và kiên cường.

Khu phức hợp bao gồm một tòa nhà trung tâm nằm trên hồ nước, được bao quanh bởi các thảm cỏ xanh mướt trải dài, và những rặng cây xanh phủ bóng xuống các khu nhà ở cho các nghị sĩ Quốc hội.

Tòa nhà nổi bật bởi sự đơn giản tĩnh tại, với những bức tường cao tạo thành các khối trụ khổng lồ, được tạo điểm nhấn bằng những đường cắt hình học lớn. Tòa nhà chính, nằm ở trung tâm của khu phức hợp, một hồ nước nhân tạo bao quanh ba mặt của tòa nhà chính, kéo dài đến khu phức hợp là nơi ở của các nghị sĩ. Đặt tòa nhà với đường nét kiến trúc đặc biệt trên một hồ nước một cách khéo léo này đã khắc họa vẻ đẹp ven sông của Bengal và làm tăng thêm giá trị thẩm mỹ cho địa điểm, triết lý tĩnh lặng của cả không gian cũng như mang vẻ đẹp hồn cốt của một quốc gia ven sông Hằng.

Quốc Đạt

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/viet-nam-va-the-gioi/triet-ly-jatiya-sangsad-i343645/