Triết lý Nhân quả trong mâm cỗ nhà chùa mùng 1 Tết

Ngày mùng 1 Tết là ngày vía Đức Phật Di Lặc trong đạo Phật. Các chùa thường tổ chức làm cỗ chay cho Phật tử và du khách đến chùa dự lễ và thưởng thức cơm chay đầu năm vào ngày này, cầu chúc cho cả năm đều gặp may mắn. Trong mâm cỗ Tết nhà chùa, ẩn chứa triết lý Nhân quả sâu sắc.

Tết Kỷ Hợi 2019 nói riêng, Tết Nguyên đán cổ truyền nói chung có một ý nghĩa đặc biệt với những con người đất Việt. Đây là khoảng thời gian thiêng liêng, là giây phút ấm áp, hạnh phúc nhất của mỗi năm. Để chuẩn bị cho dịp Tết vẹn tròn an lạc và trang nghiêm, trong phong tục của nhà chùa, mâm cỗ Tết nhà chùa và cơm chay đầu năm mang một ý nghĩa quan trọng.

Về phương diện vật chất, cỗ Tết nhà chùa phong phú, đủ món theo văn hóa vùng miền. Bánh, trái, xôi, chè không thể thiếu; giò chả các loại, cùng canh, kho, xào, gỏi các món, dâng lên cúng Phật, cùng chư Tổ, cũng như các bậc tiền nhân vào dịp đầu năm.

Đặc biệt hơn, các món trong mâm cỗ Tết nhà chùa không dừng lại ở phương diện vật chất, mà các “món ăn” đó là những giáo lý tu học, là các pháp môn viên đốn liễu nghĩa của Phật Đà để lại và từ đó, biểu hiện sâu sắc triết lý Nhân quả vĩ đại. Nhằm nhắc nhở người học Phật, đừng quá đam mê vào sắc vị, mà quên đi những điều mình cần phải làm. Với các “món”:

“Giò Thủ Lăng Nghiêm, Viên Giác bánh

Chè Ba-la-mật, Pháp hoa xôi”.

Món giò Thủ Lăng Nghiêm

Giò thủ Lăng Nghiêm là món chay ẩn chứa triết lý của đạo Phật.

Giò thủ Lăng Nghiêm là món chay ẩn chứa triết lý của đạo Phật.

Trong kỹ thuật làm các món giò, giai đoạn bó (gói) yêu cầu phải khéo léo tỉ mỉ (nếu không dùng khuôn), lỏng hay chặt tay, đều khiến giò sẽ không tròn đều, khi cắt thành miếng có thể mất đi sự hấp dẫn; hoặc có thể giò sẽ hỏng.

Thực hành giáo lý của đức Phật, khi trị tâm, nếu chúng ta căng quá sẽ gây mệt mỏi, thậm chí tinh thần có thể trở nên không bình thường và ngược lại, nếu dụng công không đủ, tránh sao khỏi phiền não khởi lên. Mà kinh Thủ Lăng Nghiêm, với nội dung triển khai sâu giáo lý về bản Tâm và các cảnh giới có thể tu chứng trong Thiền định, cùng với phần tuyên thuyết Đà-la-ni (dhāranị̄ - thần chú). Và, trong kinh cũng nhấn mạnh tầm quan trọng không kém của việc giữ giới. Mà, giới là khuôn thước, là chuẩn mực của người tu; học Phật mà thiếu giới thì chánh định và trí tuệ giải thoát sao thành.

Với triết lý Nhân quả trong món “giò Thủ Lăng Nghiêm”, người học đạo cần giữ giới, hiểu rõ ràng về nghiệp, cũng như cần thông hiểu 50 "tâm giới" mà người tu tập có thể gặp phải trong quá trình hành thiền, để không kẹt, đủ tỉnh giác vượt qua và tiến tu.

Bánh Viên Giác

Bánh chay nhân đậu xanh thể hiện tâm Viên Giác theo đạo Phật.

Bánh chay nhân đậu xanh thể hiện tâm Viên Giác theo đạo Phật.

Bánh Viên Giác, món “bánh” chỉ thẳng tâm Viên Giác sẵn đủ bình đẳng giữa Phật và chúng sinh. Hay nói cách khác, mỗi người đều có tâm Viên Giác bình đẳng cùng chư Phật không khác. Khác nhau ở chỗ, chúng ta tuy sẵn có, nhưng do chạy theo trần cảnh mà quên tánh giác, nên còn mãi chịu trầm luân trong sinh tử luân hồi.

Dùng “món bánh” Viên Giác, chúng ta thấy, chúng sanh đa bệnh, trình độ sai khác, phước mỏng nghiệp dầy, nên Phật đã từ bi rộng nói nhiều phương tiện tu hành, chỉ bày cặn kẽ những bệnh cần trừ diệt. Nếu chúng ta phát khởi lòng tinh tấn y theo lời Phật dạy, tin sâu triết lý Nhân quả mà hành trì, thì sớm muộn cũng viên thành đạo quả.

Chè Ba-la-mật

Chè Ba-la-mật rực rỡ sắc màu trong cỗ Tết nhà chùa.

Chè Ba-la-mật rực rỡ sắc màu trong cỗ Tết nhà chùa.

Chè là một món ăn thường được dùng làm món tráng miệng trong ẩm thực Việt Nam, cũng như nhiều quốc gia khác. Là một món nước và là món ngọt. Vì thế, nhắc đến chè, chúng ta cảm nhận được sự thanh mát, ngọt ngào.

Đến đây, chúng ta đã thấy sự sâu sắc, công phu dụng tâm của bậc cao tăng khi dùng “chè Ba-la-mật”. Ba-la-mật, tiếng Phạn là Paramita, chữ Hán gọi là “đáo bỉ ngạn”; với nghĩa là vượt sang bờ bên kia của đại dương khổ đau. Tức là, chúng ta dùng các món giò Thủ Lăng Nghiêm, bánh Viên Giác…, y theo các pháp môn được dạy trong đó mà tu trì, sẽ đạt được trí tuệ giải thoát, đạo hạnh hoàn thiện; ấy là “thuyền” để đáo bỉ ngạn. Ba-la-mật cũng dùng để chỉ những phẩm tính của Bồ tát trên đường tu tập, hành đạo – lục độ Ba-la-mật.

Xôi Pháp hoa trong cỗ Tết nhà chùa.

Xôi Pháp hoa trong cỗ Tết nhà chùa.

Xôi” Pháp hoa chan chứa tâm hạnh của chư Phật và chư Đại Bồ-Tát, trải dài những con đường phương tiện giáo hóa thênh thang, ngõ hầu đưa chúng sanh từ phàm đến thánh, từ tam thừa Thanh văn, Duyên giác và Bồ tát đến quả vị nhứt thừa vô thượng Phật quả.

Với món “xôi” Pháp hoa, chúng ta thấy không phương tiện độ sanh nào mà không được chỉ dạy, không cửa pháp môn giải thoát rốt ráo nào mà không rộng mở, không cảnh giới Phật nào mầu nhiệm thiện duyên với chúng sanh cõi ta bà này mà không ảnh hiện, không hạnh nguyện giáo hóa độ sanh nào của Phật và Bồ tát mà không thể đạt Ba-la-mật.

Cỗ Tết nhà chùa quả thật phong phú, “lộc Phật ban cho cũng đủ mùi”. Mâm cơm chay đầu năm đối với người con Phật không chỉ đơn thuần là những món ăn, mà hàm chứa trong đó cả truyền thống văn hóa nông nghiệp lúa nước, một nghệ thuật ẩm thực tinh túy, thậm chí mang ý nghĩa của triết lý Nhân quả của Đạo Phật.

Minh Tuệ / phatgiao.org.vn

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/dan-sinh/triet-ly-nhan-qua-trong-mam-co-nha-chua-mung-1-tet-437818.html