Triết lý từ búp bê Barbie
Trên khắp năm châu, có biết bao nhiêu bé gái từng lớn lên cùng với búp bê Barbie. Không phải là sản phẩm truyền thống như búp bê Matryoshka của Nga, búp bê Kokeshi của Nhật Bản hay búp bê Hopi Kachina của Ấn Độ…, Barbie là sản phẩm của một công ty sản xuất đồ chơi do bà Ruth Handler cùng chồng thành lập vào năm 1945.
Trên khắp năm châu, có biết bao nhiêu bé gái từng lớn lên cùng với búp bê Barbie. Không phải là sản phẩm truyền thống như búp bê Matryoshka của Nga, búp bê Kokeshi của Nhật Bản hay búp bê Hopi Kachina của Ấn Độ…, Barbie là sản phẩm của một công ty sản xuất đồ chơi do bà Ruth Handler cùng chồng thành lập vào năm 1945. Ấy thế nhưng, ngay từ lần đầu tiên ra mắt tại Hội chợ đồ chơi Mỹ ở thành phố New York vào năm 1959, Barbie ngay lập tức tạo “cơn địa chấn” trong ngành sản xuất đồ chơi nói chung và sản xuất búp bê trẻ em nói riêng. Chỉ trong năm đầu tiên, 351.000 cô búp bê Barbie đã tìm thấy “bạn” của mình.
Sức hút của thương hiệu Barbie cho tới nay vẫn rất “đáng nể” khi mỗi năm bán ra hơn 1 tỷ búp bê. Người hâm mộ của Barbie vô cùng tò mò và háo hức tìm hiểu những câu chuyện xoay quanh Barbie và “mẹ đẻ” của cô ấy. Đó là một phần lý do để cuốn sách “Câu chuyện của Barbie và người phụ nữ sáng tạo nên cô ấy” đã được ra mắt. Sách do tác giả Cindy Eagan - một fan chính hiệu của Barbie, người biên tập các tiểu thuyết dành cho thanh niên - và họa sĩ Amy June Bates cùng nhau tạo nên.
“Câu chuyện của Barbie và người phụ nữ sáng tạo nên cô ấy” là cuốn sách sống động, kể về nguồn cảm hứng và mục đích của bà Ruth Handler khi tạo ra Barbie, đặc biệt là hành trình kiên trì theo đuổi giấc mơ mà bà đã thực hiện để có thể tạo ra một cô búp bê xinh đẹp, thời thượng, có thể truyền cảm hứng cho biết bao nhiêu bé gái. Ít ai biết rằng, bà Ruth Handler từng gặp trở ngại khi nêu ý tưởng về một mẫu búp bê quá khác biệt, phi thực tế - theo cách nhận xét từ ban lãnh đạo gồm toàn nam giới trong công ty của bà. Và, Ruth Handler đã chứng minh họ đã sai khi tạo ra búp bê nổi tiếng nhất từ trước đến nay.
Bà Ruth Handler đã không chỉ “sinh ra” Barbie mà còn thực sự “nuôi dưỡng” cô bé ấy “trưởng thành”. Bà nỗ lực không ngừng nghỉ để luôn làm mới Barbie, đưa “con gái” mình hòa cùng sự phát triển của thời đại. Búp bê Barbie được hóa thân thành ca sĩ, vũ công ba lê hay bác sĩ..., thậm chí bà còn “tìm” búp bê bạn trai cho Barbie là Ken. Đôi bạn này đã trở thành cặp búp bê nổi tiếng trên thế giới.
Barbie đã không còn là búp bê đơn thuần, mà mở ra cho các bé gái một thế giới đầy màu sắc về ước mơ, hoài bão. Độc giả nhỏ tuổi khi xem cuốn sách nhiều tranh minh họa “Câu chuyện của Barbie và người phụ nữ sáng tạo nên cô ấy” có thể thấy được sự đa dạng trong nghề nghiệp mà Barbie đảm nhận, từ đó nuôi trí tò mò tìm hiểu, khám phá về nghề nghiệp tương lai. Đáng chú ý, bà Ruth luôn để búp bê Barbie phát triển theo kịp sự tiến bộ của thời đại với lần ra mắt Barbie đóng vai phi hành gia đặt chân lên Mặt Trăng năm 1965, hay lần đầu tiên Barbie xuất hiện trong phiên bản ứng viên tổng thống năm 1992…
Các tác giả của cuốn sách hy vọng “Câu chuyện của Barbie và người phụ nữ sáng tạo nên cô ấy” sẽ đưa người đọc, đặc biệt là các bé gái, đến gần hơn với quan niệm của bà Ruth Handler về “đứa con cưng” của mình: “Toàn bộ triết lý của tôi về Barbie là thông qua cô búp bê này, các bé gái đều có thể trở thành bất cứ ai mà các em muốn”.
Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/triet-ly-tu-bup-be-barbie-636165.html