Triệt phá đường dây đưa tàu cá sang nước ngoài khai thác hải sản trái phép
Với quyết tâm cao nhất cùng các địa phương ven biển và các bộ, ngành tháo gỡ 'thẻ vàng' áp dụng đối với thủy sản Việt Nam của Ủy ban châu Âu (EC), Bộ Tư lệnh BĐBP đã triển khai đồng bộ các giải pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Bên cạnh việc tăng cường tuần tra, kiểm soát tàu cá, tuyên truyền ngư dân tuân thủ các quy định pháp luật về khai thác thủy, hải sản, các đơn vị BĐBP đã đẩy mạnh đấu tranh với các đường dây, đối tượng tổ chức môi giới cho tàu cá, ngư dân ra vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép.
Đấu tranh thành công Chuyên án VBT6
Cùng hành động để tháo gỡ “thẻ vàng”, Bộ Tư lệnh BĐBP đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ đấu tranh chống khai thác IUU, trong đó, tập trung điều tra, xác minh các tổ chức, cá nhân, đường dây móc nối đưa tàu cá, ngư dân đi khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài; tập trung quản lý, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các trường hợp tàu cá có “nguy cơ cao” vi phạm vùng biển nước ngoài khi xuất, nhập bến ra, vào hoạt động trên biển.
Gần đây nhất, thông qua công tác nghiệp vụ, Cục Trinh sát BĐBP đã xác lập Chuyên án VBT6, phối hợp với Công an tỉnh Quảng Ngãi và BĐBP Quảng Ngãi đấu tranh với đường dây, tổ chức môi giới cho tàu cá và ngư dân ra vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép. Sau một thời gian triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, tích cực điều tra, xác minh, vào lúc 21 giờ, ngày 24/4, lực lượng đánh án đã bắt giữ đối tượng Du Soh AbuDul Razak (tên gọi khác là Minh), sinh năm 1986, dân tộc Chăm, trú tại xã Châu Phong, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản và môi giới, tổ chức đưa tàu cá, ngư dân sang vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép.
Theo kết quả điều tra ban đầu cho thấy, vào tháng 7/2022, Du Soh AbuDul Razak đã câu kết với 1 đối tượng quốc tịch Malaysia để môi giới, tổ chức cho 2 tàu cá ở tỉnh Quảng Ngãi, do ông Phạm Nhành và ông Ngô Văn Năm (đều trú tại xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) làm thuyền trưởng, sang vùng biển Malaysia để khai thác hải sản trái phép với số tiền 58 triệu đồng/chuyến.
Đến ngày 13/8/2022, 2 tàu cá trên bị cơ quan chức năng Malaysia bắt giữ. Lợi dụng tâm lý mong muốn chuộc tàu, chuộc người của 2 gia đình chủ tàu nói trên, đối tượng Du Soh AbuDul Razak đã liên hệ với người nhà các thuyền trưởng yêu cầu chuyển số tiền 1 tỉ 426 triệu đồng để đối tượng liên hệ chuộc tàu và người. Tuy nhiên, sau khi nhận được tiền, đối tượng không thực hiện được như thỏa thuận mà đã dùng phần lớn số tiền (trên 920 triệu đồng) để chi tiêu vào mục đích cá nhân và trốn tránh, không trả lại tiền cho người bị hại.
Ngoài việc môi giới cho 2 tàu cá nói trên, đối tượng Du Soh AbuDul Razak còn môi giới cho một số tàu cá khác sang vùng biển Malaysia khai thác hải sản trái phép nhằm thu lợi bất chính. Hiện, vụ án đang được cơ quan chức năng tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Chủ động phối hợp kiểm soát hoạt động của các tàu cá trên biển
Thực hiện Kế hoạch hành động của Chính phủ về chống khai thác IUU, Kế hoạch số 127/KH-CQTT ngày 5/1/2023 của Cơ quan Thường thực Ban Chỉ đạo Bộ Quốc phòng về việc chống khai thác IUU năm 2023 và ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá Việt Nam đi khai thác trái phép ở vùng biển nước ngoài, Bộ Tư lệnh BĐBP đã chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ các biện pháp để thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU. Các đơn vị BĐBP phối hợp chặt chẽ với các lực lượng: Hải quân, Cảnh sát Biển, Kiểm ngư, chính quyền và Công an địa phương nắm chắc tình hình trên biển, kịp thời chia sẻ, phối kiểm thông tin về hoạt động của tàu cá, ngư dân để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát tàu cá và kịp thời xử lý các vi phạm; kiên quyết xử lý và tham mưu địa phương xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Trong đó, thực hiện đợt cao điểm đấu tranh ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá Việt Nam khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài, từ tháng 1 đến hết tháng 3/2023, các đơn vị BĐBP đã phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng đẩy mạnh tuyên truyền chống khai thác IUU; khai thác hải sản bền vững gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Thông qua kiểm tra, kiểm soát tại các trạm kiểm soát Biên phòng và tuần tra trên biển, các đơn vị đã tuyên truyền cho 45.000 lượt tàu cá/269.000 lượt thuyền viên, cấp phát 6.250 tờ rơi, 2.050 lá cờ Tổ quốc, 220 ảnh Bác Hồ... Đồng thời, yêu cầu 100% thuyền trưởng tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên ký cam kết không khai thác hải sản trái phép tại vùng biển nước ngoài.
Các đơn vị Biên phòng cũng tổ chức 7.980 lượt tổ tuần tra, kiểm soát trên biển; làm thủ tục xuất, nhập bến 221.480 lượt tàu cá/1.382.650 ngư dân. Phát hiện, xử lý và tham mưu cho địa phương xử lý vi phạm hành chính 142 vụ/209 phương tiện/232 đối tượng/hơn 7,8 tỉ đồng, tịch thu 1 tàu cá, 32 bộ kích điện, tước bằng thuyền trưởng 27 trường hợp. Duy trì thực hiện nghiêm túc các quy chế phối hợp với Bộ Tư lệnh Hải quân, Bộ Tư lệnh Cảnh sát Biển. Các đơn vị cơ sở của các bên đã phối hợp chặt chẽ, thông báo cho nhau 350 nguồn tin có giá trị liên quan đến tình hình tàu cá nước ngoài vi phạm vùng biển Việt Nam và các hành vi vi phạm IUU của tàu cá Việt Nam để kịp thời ngăn cản, xử lý hiệu quả.
Đồng thời, phối hợp với lực lượng chức năng của ngành Thủy sản tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, truy xuất nguồn gốc thủy sản qua hoạt động cập cảng, lên cá của tàu nước ngoài theo Hiệp định quốc gia có cảng (PSMA) tại 14 cảng chỉ định tại Việt Nam; cũng như kiểm tra, kiểm soát, truy xuất nguồn gốc thủy sản tại 42 Văn phòng đại diện kiểm soát nghề cá và 15 Tổ kiểm soát nghề cá tại các cảng cá địa phương; phát hiện, thông báo, yêu cầu 350 chủ phương tiện, thuyền trưởng tàu cá mất kết nối tự khắc phục, mở lại kết nối theo đúng quy định.
Tiếp tục hành động chống khai thác IUU, ngày 2/5/2023, Bộ Tham mưu BĐBP đã có văn bản chỉ đạo các tỉnh, thành tuyến biển, Hải đoàn Biên phòng 18, 28, 38, 48 tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát và khai thác hiệu quả các thông tin, tình hình từ hệ thống giám sát hành trình (VMS) tàu cá để quản lý chặt chẽ đối với số tàu cá có “nguy cơ cao” vi phạm vùng biển nước ngoài; tàu cá thường xuyên di chuyển ngư trường dài ngày từ địa phương này đến các địa phương khác; thông tin tàu cá xuất, nhập bến...