Triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán dầu giả liên tỉnh
Một doanh nghiệp vận tải xe bồn chuyên chở xăng dầu đã cấu kết với doanh nghiệp sản xuất dầu giả hình thành đường dây sản xuất, mua bán dầu giả quy mô lớn liên tỉnh chiếm hàng tỷ đồng. Chuyên án của Công an huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi đã triệt phá thành công, ngăn chặn dầu giả đang gây ra hậu quả khôn lường về cháy nổ thời gian qua.
Xâm nhập phá án
Thượng tá Phạm Quốc Việt, Phó Công an huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi cho biết, khi phát hiện đường dây làm dầu DO "dỏm" và mua bán lậu dầu kém chất lượng, không có nguồn gốc, xuất xứ, không có đo lường chất lượng, đơn vị đã lập chuyên án và giao Đội CSĐT tội phạm về kinh tế và chức vụ, Công an huyện Bình Sơn vào cuộc điều tra.
"Các trinh sát chúng tôi phải đóng rất nhiều vai để xâm nhập theo dõi đường đi nước bước của đường dây này. Đặc biệt, chúng tôi phải đóng là người xin việc vào làm công nhân gần cả tháng để nắm rõ quy luật, hoạt động chế biến, vận chuyển dầu lậu" - Thượng tá Phạm Quốc Việt chia sẻ.
Quá trình theo dõi, Cơ quan công an phát hiện nghi phạm Nguyễn Mạnh Hiệp, núp phía sau Công ty TNHH môi trường Dung Quất, liên kết với những người khác đi thu mua nhớt thải từ nguồn phế liệu, hóa chất như H2SO4, NaOH, chất tẩy trắng và các hóa chất khác... đưa về dùng công nghệ nấu, chưng cất thành phẩm là dầu gốc, dầu bôi trơn, bán ra thị trường. Tại đây có hai công nhân chuyên túc trực sản xuất dầu dỏm.
Tối 21-9, tại kho hàng của Công ty TNHH MTV vận tải Đình Chương, tại xã Bình Hiệp, huyện Bình Sơn, do ông Bùi Đình Chương, 41 tuổi, ở xã Tịnh Thọ, huyện Sơn Tịnh là giám đốc, lực lượng Cảnh sát kinh tế, Công an huyện đã bắt quả tang nhóm đối tượng đang sử dụng ống dẫn chiết chất lỏng sang qua một xe bồn biển kiểm soát 76K - 6468 của công ty THHH MTV vận tải Đình Chương có chứa dầu D.O để pha trộn. Số lượng chất lỏng trên 3.000 lít trên xe bồn là dầu giả. Tại đây đối tượng Bùi Đình Chương, Nguyễn Thanh Phong, 43 tuổi, ở TP Cần Thơ khai nhận hành vi làm dầu giả của mình.
Mở rộng điều tra, Cơ quan CSĐT Công an huyện Bình Sơn đã khám xét khẩn cấp tại phân xưởng trụ sở của Công ty TNHH Môi trường Dung Quất, thuộc thôn Trung An, xã Bình Thạnh, huyện Bình Sơn, do đối tượng Nguyễn Minh Hiệp, 70 tuổi, ở quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội làm giám đốc, phát hiện thiết bị dùng để sản xuất dầu giả, nhiều loại hóa chất, trên 10 mét khối dầu thành phẩm cùng nhiều dụng cụ, phương tiện để thực hiện việc sản xuất, mua bán dầu giả.
Hiểm họa từ hàng trăm nghìn lít dầu giả ra thị trường
Tại cơ quan CSĐT, các đối tượng khai nhận từ năm 2018 đến nay, Nguyễn Minh Hiệp đã móc nối mua bán dầu giả với công ty của Bùi Đình Chương trên 100 chuyến hàng với số lượng trên 300 nghìn lít dầu, giá từ 12.000đ đến 13.400đ/lít với số tiền hàng tỷ đồng.
Công ty TNHH Vận tải Đình Chương là đơn vị ký kết hợp đồng vận chuyển với công ty PV OIL. Lợi dụng điều này, sau khi mua dầu giả, Bùi Đình Chương chỉ đạo nhân viên Châu Ngọc Nhân, ở xã Bình Hiệp tháo kẹp chì rút bớt dầu trên các xe bồn nhận dầu Doil từ Nhà máy PV Oil (ở Cảng Dung Quất, thuộc xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn).
Nhóm đối tượng dùng ống dẫn dầu đưa vào bồn pha trộn giữa dầu giả và dầu Doil theo tỷ lệ khoảng 1:10. Sau khi quấn kẹp chì lại chở bán cho các cửa hàng xăng dầu trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi và một số tỉnh khác như: Cây xăng Sơn Lang (ở thị trấn Sơn Lang, huyện K.Bang, tỉnh Gia Lai); Cây xăng Thanh Sương (Sa Huỳnh, huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi); Cửa hàng xăng dầu Mỹ Á, xã Phổ Quang (huyện Đức Phổ)… với giá khoảng 16.000 đồng/lít. Từ cách làm ăn bất chính này, ông Chương thu về lợi nhuận tiền tỉ.
Đối tượng Nguyễn Mạnh Hiệp khai nhận, để che giấu hoạt động sản xuất dầu giả, Hiệp đã cho một cơ sở khác hoạt động gia công thép trong phân xưởng của Công ty TNHH Môi trường Dung Quất. Hàng ngày, nhân viên của Nguyễn Mạnh Hiệp thu mua nhớt thải từ nguồn phế liệu và một số hóa chất gồm: H2SO4, NaOH... đưa về phân xưởng pha chế, nấu thành phẩm là dấu gốc, dầu bôi trơn.
Sau khi có dầu, Hiệp liên hệ với đối tượng Lê Tấn Tùng, 44 tuổi, ở xã Tịnh Thọ, huyện Sơn Tịnh là tài xế ô tô biển kiểm soát 76C - 05580 vận chuyển đến công ty vận tải của Bùi Đình Chương. Tại đây các đối tượng tiếp tục pha chế dầu giả để bán ra thị trường với giá theo thị trường hiện nay 16.500 đ/lít.
Chiếm đất nghĩa trang làm nơi sản xuất dầu giả
Để tổ chức hoạt động đường dây mua bán, sản xuất dầu giả, đối tượng Bùi Đình Chương đã âm mưu chiếm khu đất đắc địa làm nơi hoạt động.
Ông Bùi Trinh, công dân xóm Nhơn Hòa, được phân làm bảo vệ Nghĩa trang liệt sĩ xã và cho sử dụng 50m² đất công nằm gần (phía ngoài) để dựng lán trại tạm nhằm phục vụ việc trông coi. Tuy nhiên Bùi Đình Chương đã cấu kết với ông Trinh "bùa phép" sang nhượng số diện tích đất công lên đến khoảng 2.000m² ngay tại vị trí mà xã cho mượn làm lán trại tạm trước đó cho ông Chương, đã gây bất bình trong dư luận địa phương.
Sau khi mua lại, Bùi Đình Chương đã đầu tư hàng tỷ đồng để san lấp mặt bằng và xây dựng khu nhà xưởng kiên cố. Dù vị trí diễn ra sang nhượng đất công trái phép cách nhà đương kim Chủ tịch xã này là ông Trần Trung Hậu chỉ khoảng 300m. Việc Bùi Đình Chương đưa phương tiện vào san lấp mặt bằng, xây nhà cửa rầm rộ và diễn ra giữa thanh thiên bạch nhật, dân cư xung quanh đều biết... nhưng đến nay vụ việc vẫn chưa được xử lý dứt điểm.
Theo ông Đỗ Thiết Khiêm, Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn: Riêng đối với việc mua bán, xây dựng trái phép tại khu đất trên của giữa ông Trinh và Bùi Đình Chương, hiện chính quyền giao cho cơ quan thẩm quyền trực thuộc điều tra, làm rõ và hiện chưa có kết luận. Mọi hành vi vi phạm của các cá nhân, tổ chức liên quan bị phát hiện, sẽ được xử lý nghiêm khắc theo quy định.
Hiện Công an huyện Bình Sơn đã thực hiện lệnh tạm giữ hình sự đối tượng Bùi Đình Chương, Nguyễn Minh Hiệp và Nguyễn Thanh Phong về hành vi sản xuất, mua bán hàng giả theo Điều 192, Bộ luật Hình sự. Đồng thời phối hợp các đơn vị nghiệp vụ tiếp tục điều tra mở rộng vụ án.