Triệt phá xưởng sản xuất ma túy 'khủng': Kẻ cầm đầu là người nước ngoài có phải đối diện án tử hình?
Sau khi xưởng sản xuất 1,4 tấn ma túy tại Nha Trang bị triệt phá, nhiều người đặt câu hỏi, trách nhiệm hình sự đối với người nước ngoài phạm tội tại Việt Nam ra sao?
Trong vụ triệt phá ‘công xưởng’ sản xuất ketamin, cơ quan công an đã bắt giữ Trương Xuân Minh (51 tuổi, người Đài Loan - Trung Quốc) cùng 10 đồng phạm gồm 4 người Việt Nam, 4 người Trung Quốc, 2 người Đài Loan - Trung Quốc.
Nhận định về vụ việc trên, dưới góc độ pháp lý, luật sư Lê Hồng Vân – Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, với số lượng ma túy lớn chưa từng có, đây là vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, các đối tượng hoạt động với thủ đoạn tinh vi, có hệ thống, thể hiện sự bất chấp, coi thường pháp luật.
Theo quy định hiện hành, ketamin thuộc Danh mục III là các chất ma túy được sử dụng trong nghiên cứu, kiểm nghiệm, giám định, điều tra tội phạm hoặc trong lĩnh vực y tế, thú y dưới sự kiểm soát nghiêm ngặt theo quy định của cơ quan có thẩm quyền. Việc sản xuất, tàng trữ, buôn bán ketamin không được sự cho phép của cơ quan chức năng là phạm pháp.

Bên trong xưởng sản xuất ma túy
Hành vi của nhóm đối tượng trên có dấu hiệu của tội “Sản xuất trái phép chất ma túy” theo Điều 248 BLHS 2015 với khung hình phạt cao nhất là 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.
Ngoài ra, trong quá trình mở rộng vụ án, cơ quan điều tra sẽ làm rõ các vấn đề như ngoài số ma túy bị thu giữ, các đối tượng đã thực hiện giao dịch, đưa ma túy ra thị trường hay chưa, đồng thời xác minh nguồn gốc của các loại tiền chất cung cấp cho các đối tượng để sản xuất ma túy, nguồn cung (nếu có)…
Trường hợp có dấu hiệu của việc mua bán ma túy hoặc các loại tiền chất nhằm sản xuất chất ma túy, nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, cơ quan công an sẽ khởi tố vụ án về tội “Mua bán trái phép chất ma túy” (Điều 251) hoặc tội “Tàng trữ, vận chuyển, mua bán hoặc chiếm đoạt tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy” (Điều 253).
Do trong vụ việc trên có nhiều đối tượng là người nước ngoài, theo luật sư Lê Hồng Vân, Điều 5 BLHS 2015 sửa đổi quy định, Bộ luật Hình sự được áp dụng đối với mọi hành vi phạm tội thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam.
Quy định này cũng áp dụng với hành vi phạm tội hoặc hậu quả của hành vi phạm tội xảy ra trên tàu bay, tàu biển mang quốc tịch Việt Nam hoặc tại vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam.
Người nước ngoài phạm tội tại Việt Nam thuộc đối tượng được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao hoặc lãnh sự theo pháp luật Việt Nam, theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc theo tập quán quốc tế, thì trách nhiệm hình sự của họ được giải quyết theo quy định của điều ước quốc tế hoặc theo tập quán quốc tế đó.
Trường hợp điều ước quốc tế đó không quy định hoặc không có tập quán quốc tế thì trách nhiệm hình sự của họ được giải quyết bằng con đường ngoại giao.

Đối tượng cầm đầu Trương Xuân Minh bị bắt giữ
Như vậy, nếu người nước ngoài phạm tội tại Việt Nam nhưng không thuộc trường hợp được miễn trừ ngoại giao hoặc lãnh sự thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật Việt Nam. Trong đó, hành vi sản xuất trái phép ma túy tại Việt Nam sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội sản xuất trái phép chất ma túy với khung hình phạt cao nhất là tử hình.
Mặt khác, với người nước ngoài phạm tội, BLHS 2015 còn quy định một hình phạt riêng là trục xuất. Đây có thể là hình phạt chính hoặc hình phạt bổ sung áp dụng đối với người nước ngoài phạm tội tại Việt Nam, buộc người phạm tội phải rời khỏi Việt Nam trong thời hạn nhất định.
Trường hợp quốc gia có công dân phạm tội trên lãnh thổ Việt Nam có văn bản yêu cầu dẫn độ người nước ngoài về nước để xử lý thì tùy từng tình huống cụ thể mà cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền tại Việt Nam đồng ý hoặc không đồng ý dẫn độ.