Triệt tiêu tận gốc hàng giả
Chỉ đạo mới đây của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ đang thu hút sự quan tâm lớn từ dư luận. Nhất là trong bối cảnh vấn nạn hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn diễn biến rất phức tạp, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các cơ quan chức năng, DN và người tiêu dùng.
Mỗi ngày đều là cao điểm kiểm tra, kiểm soát thị trường
Sau 1 tháng triển khai cao điểm phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, mới đây Bộ Công Thương đã ban hành Kế hoạch thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tiếp tục đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ. Việc triển khai thực hiện kế hoạch được dư luận kỳ vọng sẽ tạo chuyển biến đột phá trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ gắn với quá trình sắp xếp đơn vị hành chính các cấp. Đồng thời, nâng cao năng lực quản lý, phân định trách nhiệm, chức năng, nhiệm vụ, không để chồng chéo, bỏ sót nhiệm vụ, không để khoảng trống trong quản lý Nhà nước.

Quản lý thị trường Hà Nội thu giữ hàng hóa không rõ nguồn gốc trên địa bàn. Ảnh: Trần Việt
Kế hoạch hướng tới mục tiêu đổi mới tư duy, nhận thức về công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, tạo chuyển biến mạnh mẽ, thực chất, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền các cấp, đặc biệt là người đứng đầu; sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan chức năng, của DN và người dân để tạo ra sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị; lấy người dân làm trung tâm, chủ thể, huy động sức mạnh của người dân và DN. Song song với đó, tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật theo chức năng nhiệm vụ, thẩm quyền được giao; coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, mỗi ngày đều là cao điểm kiểm tra, kiểm soát thị trường.
Nhấn mạnh về tầm quan trọng của nhiệm vụ chống hàng giả, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đánh giá, thời gian tới, sự thay đổi trong chính sách thương mại giữa các nước lớn, xung đột vũ trang giữa các quốc gia sẽ tác động ảnh hưởng đến hoạt động thương mại của Việt Nam. Các đối tượng sẽ lợi dụng các thay đổi về chính sách và pháp luật, lợi dụng sự phát triển của thương mại điện tử, chuyển phát - giao nhận hàng hóa để gia tăng các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, với phương thức, thủ đoạn tinh vi hơn, gây khó khăn cho các lực lượng chức năng.
Thực tế, việc lập tổ công tác đặc biệt và mở chiến dịch cao điểm toàn quốc truy quét buôn lậu, hàng giả không đơn thuần là một chiến dịch kiểm tra, mà là tuyên bố hành động: không chấp nhận thỏa hiệp với hàng giả, hàng nhái, buôn lậu và gian lận thương mại.
Người tiêu dùng là phòng tuyến đầu tiên
Với sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, những ngày qua hàng loạt vụ việc sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng trên cả nước bị phanh phui, xử lý. Điều đáng lo là các đối tượng vi phạm ngày càng tinh vi về thủ đoạn và có tổ chức. Phó Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Nguyễn Thành Nam cho biết, các đối tượng thường sử dụng một số thủ đoạn như: lợi dụng cơ chế tự công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm; thành lập nhiều DN tại các địa điểm khác nhau để phân tán hoạt động; chọn vị trí sản xuất, kho chứa ở khu vực hẻo lánh nhằm tránh sự kiểm tra của lực lượng chức năng; thậm chí móc nối với một số cá nhân trong cơ quan liên quan để hợp thức hóa thủ tục công bố sản phẩm, hợp pháp hóa hàng hóa vi phạm...
Đáng nói, luật pháp bao giờ cũng đi sau thực tế, dù luật pháp đang trong quá trình hoàn thiện, song cần thời gian, trong khi các đối tượng vi phạm không chỉ thủ đoạn, tinh vi trong chiêu thức làm giả, làm nhái, mà còn nghiên cứu rất kỹ pháp luật Việt Nam, lợi dụng khe hở để "lách" luật, chỉ cần đứng lệch quy định một chút là đã làm khó cho lực lượng chức năng. Bên cạnh đó, lực lương chức năng gặp không ít khó khăn trong quá trình truy vết vi phạm, nhất là trên môi trường thương mại điện tử ẩn danh. Thêm vào đó, căn cứ xử phạt phải đến từ kết quả kiểm nghiệm của bên thứ 3, kéo dài thời gian và hậu quả là khó triệt tận gốc hàng giả ngay từ khi mới manh nha phát tán.
Theo Ủy ban Cạnh tranh quốc gia (Bộ Công Thương), đặc điểm chung phổ biến của gian lận thương mại là các đối tượng đánh vào tâm lý thích mua hàng rẻ của người tiêu dùng để lập tài khoản ảo bán hàng với nội dung quảng cáo gian dối, thổi phồng chức năng, công dụng, chất lượng, giá bán của hàng hóa. Vì vậy, Ủy ban Cạnh tranh quốc gia khuyến cáo người tiêu dùng cần chủ động nâng cao kiến thức, kỹ năng của bản thân để phòng tránh các nguy cơ lừa đảo. Bên cạnh đó, cần sàng lọc, kiểm tra kỹ thông tin quảng cáo, rao bán về hàng hóa, danh tính người bán hàng, lựa chọn địa chỉ uy tín, hình thức thanh toán minh bạch; cẩn trọng khi tiếp nhận các thông tin chào mời mua hàng giá rẻ hoặc nhận được hoa hồng từ việc mua hàng. Trường hợp phát hiện dấu hiệu vi phạm, người tiêu dùng cần phản ánh tới cơ quan quản lý Nhà nước hoặc tới cơ quan công an, đồng thời, chủ động chia sẻ thông tin để người thân, bạn bè biết và phòng tránh.
Quyết liệt xử lý tận gốc
Phân tích gốc rễ của vấn nạn hàng giả, các chuyên gia cho rằng, lực lượng thực thi pháp luật hiện nay còn quá mỏng, không thể kiểm soát được hết tình hình. Công tác thanh tra, kiểm tra chỉ giải quyết được “phần ngọn”, không thể xử lý tận gốc vấn đề nếu người dân chưa nâng cao ý thức, nếu các đơn vị kinh doanh vẫn vì lợi nhuận, vì chiết khấu cao mà bắt tay nhau để kiếm lợi. Trong khi đó, mức phạt và các chế tài kèm theo đối với hành vi vi phạm còn thấp, chưa đủ sức răn đe.
Để triệt tiêu tận gốc hàng giả, hàng kém chất lượng, các chuyên gia cho rằng, cần sự đồng thuận, chung tay của cơ quan chức năng, DN và đặc biệt là người tiêu dùng. TS Dương Đình Giám - Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam khuyến nghị, người tiêu dùng nên có thái độ không chấp nhận, không thỏa hiệp với những đối tượng kinh doanh phi pháp và cần nâng cao nhận thức, có ý thức tự bảo vệ mình. Khi mua hàng hóa, người tiêu dùng cần quan tâm đến mẫu mã, chất lượng, xuất xứ; khi nhận hàng cần kiểm tra trước khi thanh toán; đồng thời, phải lấy hóa đơn, chứng từ, phiếu thu để khi có tranh chấp thì có bằng chứng rằng hàng hóa đó mình mua từ đâu, của ai.
Hiện nay Bộ Công Thương đã ứng dụng công nghệ AI, blockchain vào giám sát và quản lý thị trường, đồng thời triển khai Đề án 319 về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử, mời các sàn thương mại điện tử lớn ký cam kết chống hàng giả, hàng nhái. Ngành chức năng rất quyết liệt, nhưng nếu người tiêu dùng vẫn thỏa hiệp, thì sẽ khó làm sạch thị trường.
Về vấn đề này, TS Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa TP Hà Nội nhìn nhận, cuộc chiến chống hàng giả ngày càng khốc liệt, khiến nhiều DN kiệt sức vì vừa sản xuất kinh doanh, vừa tự bảo vệ thương hiệu trước thủ đoạn ngày càng tinh vi của gian thương. Đáng ghi nhận, nhiều DN nhận thức, hành động cụ thể trong vấn đề chống hàng gian, hàng giả, từ đó lan tỏa đến người tiêu dùng. Tuy nhiên, các DN làm ăn chân chính không thể tự bảo vệ mình nếu thiếu sự đồng hành của lực lượng chức năng và người tiêu dùng, để tạo thành hệ sinh thái thị trường vững mạnh. Bài toán đặt ra là cần hệ thống giám sát thị trường, kết nối dữ liệu liên thông giữa các cơ quan để sớm phát hiện vi phạm, bởi giải pháp phải là "phòng" hơn "chống" thì mới hiệu quả và không lãng phí nguồn lực.
Để chấm dứt tình trạng hàng giả trên thị trường không thể làm theo đợt, theo phong trào, mà cần tăng chế tài, làm sao để làm một vụ cảnh tỉnh cả vùng, không để đánh trống bỏ dùi, vì làm giả, làm nhái là vấn nạn toàn cầu.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/triet-tieu-tan-goc-hang-gia.760670.html