Triệu chứng, mức độ lây lan của biến thể Covid-19 vừa được phát hiện tại TP.HCM
Biến thể JN.1 đang gây ra đa số các ca bệnh Covid-19 trên toàn cầu, có khả năng lây lan nhanh chóng, triệu chứng tương tự các chủng thuộc Omicron.
Mới đây, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM và Đơn vị nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford công bố kết quả giải trình gene từ bệnh phẩm của 16 bệnh nhân Covid-19 điều trị trong tháng 12/2023. Theo đó có 12/16 bệnh nhân (75%) nhiễm biến thể JN.1.
JN.1 được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phân loại là "biến thể đáng quan tâm" từ ngày 18/12/2023 vì đã lây lan nhanh chóng trên toàn cầu. Biến thể này chiếm khoảng 85% số ca nhiễm mới ở Mỹ.
Đây cũng là nguyên nhân gây gia tăng số ca mắc và tử vong do Covid-19 tại một số nước, trong đó có Thái Lan. Từ ngày 14 đến 20/1, ở Thái Lan có 718 bệnh nhân phải nhập viện (tăng 13% so với tuần trước đó), 11 ca tử vong (tuần trước đó có 4 ca). Trong số này có nhiều người chưa từng tiêm vắc xin.
Cơ quan y tế Thái Lan đã xác định thủ phạm chính đằng sau sự gia tăng trên là biến thể JN.1. Thai PBS World đưa tin, không có bằng chứng nào cho thấy JN.1 nghiêm trọng hơn những biến thể khác. Các triệu chứng bao gồm ho, đau cơ, đau họng, nhức đầu và sổ mũi.
Biến thể JN.1 là gì?
JN.1 là nhánh trực tiếp của BA.2.86 (Pirola), với một đột biến bổ sung ảnh hưởng đến khả năng trốn tránh miễn dịch. JN.1 được ghi nhận lần đầu tiên vào tháng 8/2023. Bốn tháng sau, JN.1 đã nhanh chóng vượt qua các biến thể khác - bao gồm HV.1 và EG.5 - để trở thành chủng thống trị trên toàn cầu, xuất hiện ở hơn 40 nước.
Tỷ lệ tiêm vắc xin thấp ở một số nơi, khả năng miễn dịch suy yếu và các cuộc tụ tập vào dịp lễ cũng có thể khiến số ca nhiễm tăng đột biến gần đây.
Tiến sĩ William Schaffner, chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm Y tế Đại học Vanderbilt (Mỹ), giải thích với Today: "Hãy coi các biến thể như con cháu của Omicron. Cùng trong một đại gia đình nhưng mỗi thành viên đều có những tính cách đặc biệt riêng". JN.1 có nguồn gốc từ BA.2.86 - dòng con của biến thể Omicron BA.2.
JN.1 có thêm một đột biến ở protein gai. Các protein gai giúp virus bám vào tế bào của con người và đóng vai trò quan trọng giúp virus SARS-CoV-2 lây nhiễm sang người. Tiến sĩ Andrew Pekosz, Phó trưởng Khoa Vi sinh phân tử và Miễn dịch học tại Trường Y tế Công cộng Johns Hopkins Bloomberg, cho biết đột biến này có thể ảnh hưởng đến đặc tính thoát miễn dịch của JN.1.
Đầu tháng 11, JN.1 chiếm dưới 1% số ca nhiễm Covid-19 ở Mỹ. Vài tuần sau, biến thể này gây ra 20% số ca bệnh và hiện tại chiếm đa số, trên 85%.
Triệu chứng
Các triệu chứng của JN.1 dường như tương tự các chủng khác của Omicron bao gồm đau họng, nghẹt mũi, sổ mũi, ho, mệt mỏi, đau đầu, đau cơ, sốt hoặc ớn lạnh, mất cảm giác vị giác hoặc khứu giác, khó thở, buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy.
Theo Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Mỹ, hiện tại, mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng mà một người gặp phải thường phụ thuộc nhiều vào sức khỏe và khả năng miễn dịch của người đó hơn là chính biến thể.
Tiến sĩ Schaffner cho biết mặc dù tình trạng bệnh trở nặng vẫn xảy ra nhưng nhìn chung “Covid-19 đang gây ra triệu chứng nhẹ hơn”. Theo NBC, một số bác sĩ cho biết các triệu chứng đường hô hấp trên dường như bắt đầu bằng đau họng, sau đó là nghẹt mũi và ho.
“Virus đang thích nghi. Tôi nghĩ rằng nó đang trở nên lây nhiễm hơn và trốn tránh khả năng miễn dịch đã có từ trước nhưng không làm thay đổi quá nhiều về triệu chứng”, Tiến sĩ Pekosz nói.
JN.1 có dễ lây truyền hơn không?
Tiến sĩ Schaffner thông tin: “Một trong những điểm chung của những biến thể Omicron là rất dễ lây lan. Khi các biến thể mới xuất hiện, khả năng đó còn tốt hơn”.
Theo CDC Mỹ, sự phát triển liên tục của JN.1 cho thấy biến thể này có khả năng lây truyền cao hơn hoặc trốn tránh hệ thống miễn dịch của chúng ta tốt hơn. Chuyên gia Pekosz cho biết, nhiều biến thể mới, bao gồm cả JN.1, có một đột biến ảnh hưởng đến mức độ mạnh mẽ của protein gai liên kết với các tế bào trong đường hô hấp của con người.
CDC Mỹ cho biết, hơn 97% người dân nước này có kháng thể tự nhiên hoặc do vắc xin tạo ra để chống lại virus SARS-CoV-2 nhưng khả năng bảo vệ miễn dịch này mất dần theo thời gian.