Triều Nguyễn 'cứu dịch bệnh cho dân gấp hơn lửa cháy'

Người dân dưới thời nhà Nguyễn. Ảnh tư liệu

Dưới triều Nguyễn, các bệnh dịch gây chết nhiều người xảy ra ở nhiều địa phương hầu như năm nào cũng có. Theo thống kê của chính sử triều Nguyễn được ghi chép trong Đại Nam thực lục thì có những trận đại dịch, quân dân chết hơn 18.000 người. Trước tình hình đó, triều Nguyễn đã có nhiều giải pháp để ngăn chặn dịch bệnh cũng như hỗ trợ cho dân.

Dưới thời phong kiến, là đất nước nông nghiệp lạc hậu, nền y học chủ yếu dùng thuốc bắc (đông y), số lượng thầy thuốc cũng không nhiều để có thể kiểm soát được dịch bệnh, vì vậy khi xảy ra dịch bệnh thì số lượng người chết rất lớn. Theo Đại Nam thực lục ghi chép vào năm Minh Mệnh thứ nhất 1820, ở một số nơi như ở Hà Tiên, Vĩnh Thanh, Định Tường, bệnh dịch phát to. Đến tháng 7 năm đó, các tỉnh từ Bình Thuận trở ra Quảng Bình lại báo có dịch: “Từ Bình Thuận trở ra đến Quảng Bình có tin báo bệnh dịch. Vua lấy bạch đậu khấu trong kho và phương thuốc chữa dịch sai người ban cấp. Sắc cho các địa phương mỗi nơi đặt một đàn tế lễ. Người ốm thì cấp thuốc, người chết thì cấp tiền vải, theo như lời dụ trước”.

Theo chính sử ghi chép, khi dịch bùng phát thì triều đình cũng lập tức cung cấp thuốc chữa cho dân, Quan phủ Thừa Thiên tâu rằng: “Gần đây khí trời nóng nực, 5 huyện Hương Trà, Hương Thủy, Quảng Điền, Phong Điền, Phú Vĩnh bệnh dịch lệ phát ra, dân gian nhiều người bị truyền nhiễm. Vua lập tức phái nhiều y sinh đem thuốc chia nhau đi chữa, bệnh dịch liền bớt đi”.

Tuy nhiên, với số lượng người bị nhiễm bệnh dịch lớn, lại xảy ra ở nhiều nơi thì việc cung cấp thầy thuốc, thuốc men để chữa trị cũng không thể đáp ứng được. Trước tình hình đó, người đứng đầu triều Nguyễn đã đưa ra nhiều biện pháp hy vọng ngăn được dịch bệnh.

Như đã biết, khi xã hội còn nặng về vấn đề tâm linh và khoa học chưa phát triển như ở nước ta trong thế kỷ XIX thì cầu cúng thần linh là một giải pháp nhằm trấn an tâm lý cho bản thân và cho mọi người. Vì vậy, khi dịch bệnh xảy ra, vua Minh Mệnh đã nhiều lần cho lập đàn cầu đảo, hơn nữa nhà vua còn tự trách mình ăn ở không có đức khiến trời nổi giận mà giáng họa xuống. Vua bảo rằng: “Trẫm không có đức, trên can phạm hòa khí của trời, bốn phương có dịch đều là lỗi trẫm”.

Ngoài việc lập đàn cầu đảo trong cung và xung quanh các miếu ở kinh thành ra, nhà vua còn cho các chùa và các địa phương có bệnh dịch làm lễ cầu đảo cho dân. “Nhà vua rất lo về dịch lệ, từng ở trong cung trai giới và cầu đảo ngầm. Bảo bầy tôi rằng: Theo sách vở chép thì bệnh dịch chẳng qua chỉ một châu một huyện, chưa có bao giờ theo mặt đất lan khắp như ngày nay. Trẫm làm chủ của dân, duy có ngày đêm kính sợ, xét mình sửa đức để hồi lại ý trời. Đến như vì dân mà cầu đảo thì không cái gì là không làm, ngõ hầu khí độc có giảm ít đi chăng? Bèn sai Nguyễn Văn Nhân cầu đảo ở đàn Thái tuế Nguyệt tướng (đàn đặt ở bên tả đàn Nam Giao, bậc thứ ba), Trần Văn Năng đảo ở miếu Đô thành hoàng, Nguyễn Văn Hưng đảo ở Miếu hội đồng”.

Bình Định và Quảng Ngãi có bệnh dịch. Các tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình, Quảng Nam, Phú Yên và Thừa Thiên cũng lần lượt bị truyền nhiễm. Vua sai quan các địa phương hết lòng thành kính cầu cúng: “Dụ cho sở tại làm lễ cầu đảo. Người bị bệnh không kể quan, quân hay dân đều cho thuốc men. Người chết, quân lính thì theo lệ cấp tiền tuất và cấp thêm một tấm vải; dân thì đàn ông đàn bà, người già người trẻ, mỗi người cấp 3 quan tiền”.

Tỉnh Hà Tiên có bệnh dịch nhiều quân, dân bị nhiễm bệnh. Vua sai quan tỉnh phái thầy thuốc đến điều trị. Huyện Đồng Xuân lại có bệnh dịch, lây chết đến hơn 1.000 người. Vua ra lệnh cho lập đàn tế kỳ yên, sau đó bệnh dịch được yên. Tỉnh Hải Dương có bệnh dịch. Quan tỉnh xin lấy tiền kho mua thuốc chữa bệnh cho dân. Bộ Hộ phúc tấu, cho rằng: “Những dân ở quanh tỉnh có 1, 2 người cảm nhiễm lây thì chữa chạy còn được, chứ muốn chữa cả người này, người khác thì không khắp được”. Vua nói: “Không sao, thấy dân ốm đau, há lại ngồi nhìn mà không cứu?”. Vua bèn chuẩn y như lời đã xin. Sau đó hơn tháng, bệnh dịch đã lui. Tỉnh Phú Yên có bệnh dịch, nhân dân bị truyền nhiễm, chết hơn 5.000 người. Quan tỉnh tâu lên, vua bảo Bộ Hộ: “Hạt ấy sau khi thiếu ăn, việc sinh sống vừa mới yên, nay lại gặp tai dịch, thật rất đáng thương! Vậy dụ sai quan tỉnh lập tức lập đàn kỳ yên và chuẩn bị nhiều thuốc thang để điều trị”. Tỉnh Bình Thuận phát bệnh dịch. Lính và dân nhiễm bệnh chết hơn 590 người. Việc tâu lên. Vua sai quan tỉnh xuất của kho, cấp tiền tuất (nội tịch mỗi người 3 quan; ngoài ra mỗi người 2 quan, trẻ bé 1 quan). Tỉnh Hưng Yên có bệnh dịch. Dân trong hạt bị truyền nhiễm chết đến hơn 700 người. Vua ra lệnh cho quan tỉnh lấy của kho cấp cho tiền tuất.

Các tỉnh ở Bắc Kỳ (Hà Nội, Hải Dương, Sơn Tây, Bắc Ninh, Hưng Yên, Quảng Yên) có bệnh dịch rất nhiều, quan tỉnh đem việc ấy tâu lên, vua thương lắm, giáng dụ sai bày đàn cầu đảo, cho thầy thuốc điều trị. Vì ở Quảng Bình (huyện Phong Lộc và huyện Bố Trạch), Nghệ An (huyện Hưng Yên), Quảng Trị (huyện Minh Linh), bệnh dịch lại phát. Vua sai lập đàn tế cầu yên và phát thuốc để chữa. Tỉnh Nam Định, tỉnh Hà Tĩnh lại phát bệnh dịch (xã Bình Cách, huyện Đông Quan, tỉnh Nam Định 68 người chết; 5 phủ huyện Nghi Xuân, Hương Sơn, Cẩm Xuyên, Hà Thanh, Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh hơn 550 người chết) vua đều sai quan tỉnh phát thuốc điều trị, đặt đàn lễ cầu yên.

Về việc kiểm soát dịch bệnh, ngoài việc cấp thuốc men, thầy thuốc chẩn trị, triều đình cầu đảo ra thì đối với những địa phương có người không may bị chết vì dịch thì đều được cấp cho tiền tuất, đây cũng là một trong những biện pháp để an lòng dân, để kiểm soát dịch bệnh. “Quan tỉnh Hưng Yên tâu nói: Hạt ấy độ đầu xuân có bệnh dịch lệ hơn một tháng thì thôi. Đến tháng 5 lại phát ra bị truyền nhiễm chết đến hơn 3.000 người, nay mới yên hẳn. Vua dụ cho theo lệ cấp cho tiền tuất. Còn việc tâu báo chậm trễ, truyền Chỉ sức quở”. Các huyện thuộc hạt Sơn Tây, từ xuân tới thu, bệnh dịch lại phát, hơn 4.900 người dân bị truyền nhiễm chết; đến bây giờ mới đem việc tâu lên. Vua sai phát tiền tuất, xét từng người cấp cho. Tổng đốc Nguyễn Công Hoan tâu báo chậm trễ, truyền Chỉ sức quở. Phủ Thừa Thiên và các tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình, Thanh Hóa có bệnh dịch. Vua sai các quan ở tỉnh hạt ấy lập đàn để cúng. Người bị bệnh thì cấp cho thuốc, người nào chết thì cấp cho tiền tuất. Người chết thì phát tiền kho chia hạng cấp cho (nội tịch mỗi người 3 quan, còn thì 2 quan, trẻ con 1 quan).

Đối với việc chậm trễ trong công tác phòng chống dịch bệnh, sách Đại Nam thực lục đã ghi lại việc vua Minh Mệnh nói cứu tai nạn cho dân gấp hơn lửa cháy, và trách phạt quan phụ trách trễ nải trong việc chống dịch. “Trước đây, vua xem tập tâu của các địa phương, liền sai Bộ Hộ làm phiếu dụ, chạy ngựa, phát đi. Bọn Tham tri Doãn Uẩn, và Thị lang Nguyễn Trạch làm phiếu dâng trình, đến đem lui ra. Vua nói: “Cứu tai nạn cho dân gấp hơn lửa cháy, quan Bộ Lại trễ nải khinh thường như thế, chức giữ bộ coi việc dân, có thể làm thế được ru?”. Bọn Uẩn sợ hãi, xin chịu tội. Vua đều truyền Chỉ ban quở”.

Nhìn lại lịch sử, có thể thấy rằng, những bệnh dịch xảy ra nếu không được kiểm soát tốt thì rất nhiều người thiệt mạng, gây tổn thất tiền của. Chính vì thế mà công tác phòng chống dịch luôn được các triều đại quan tâm. Cứu nạn cho dân gấp hơn lửa cháy, thấy dân ốm đau, há lại ngồi nhìn mà không cứu, đó là chỉ đạo của vua Minh Mệnh đối với công cuộc chống dịch.

Một lần nữa bài học từ lịch sử này hiện nay đã, đang và sẽ được chính phủ Việt Nam áp dụng quyết liệt, triệt để, “chống dịch như chống giặc” nhằm giảm nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng. Bên cạnh đó, Nhà nước đã và đang nỗ lực để cứu chữa cho dân bị nhiễm bệnh. Hy vọng rằng, cả nước đoàn kết, nhân dân một lòng, dịch bệnh sẽ sớm được đẩy lùi.

NGUYỄN HUY KHUYẾN

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/141/238790/trieu-nguyen--cuu-dich-benh-cho-dan-gap-hon-lua-chay.html