Triều Nguyễn và đơn vị cấp tỉnh Thái Nguyên
Sách 'Đại Nam thực lục' tập 3, Quốc sử quán Triều Nguyễn chép: Ngày 4/11/1831 nhằm ngày Tân Mão, năm Minh Mạng thứ XII, mùa Đông, tháng Mười, ngày mùng Một, Thái Nguyên được gọi là tỉnh.
Sách “Đại Nam thực lục” tập 3, Quốc sử quán Triều Nguyễn chép: Ngày 4/11/1831 nhằm ngày Tân Mão, năm Minh Mạng thứ XII, mùa Đông, tháng Mười, ngày mùng Một, Thái Nguyên được gọi là tỉnh. Theo thiên văn thì Thái Nguyên thuộc khu vực sao Dực, sao Chẩn; tinh thứ sao Thần vì…
Triều Nguyễn gồm 13 đời vua, 9 chúa, tồn tại 143 năm (1802 - 1945), là triều đại để lại nhiều dấu ấn trong dòng chảy lịch sử đất nước. Trong đó có việc năm 1831-1832, Minh Mạng tiến hành cải cách hành chính trong cả nước, xóa bỏ các tổng trấn, đổi các dinh trấn thành tỉnh. Bấy giờ cả nước có 30 tỉnh và một phủ Thừa Thiên. Năm 1831, đổi các trấn phía Bắc thành 18 tỉnh, trấn Thái Nguyên được gọi là tỉnh Thái Nguyên.
Ngược dòng lịch sử, ngày 29/4/1428, Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế tại Đông Kinh (Thăng Long), đã rất chú ý xây dựng chính quyền. Năm 1428, Lê Thái Tổ chia nước làm 5 đạo gồm: Đông, Tây, Nam, Bắc và Hải Tây, trấn, lộ, huyện, châu. Trong đó, Bắc Đạo có trấn Thái Nguyên. Trấn Thái Nguyên đầu Hậu Lê là địa phương vùng biên ải.
Vào năm Hồng Đức thứ 4 (1473), thừa tuyên Ninh sóc được đổi thành thừa tuyên Thái Nguyên. Thời Lê Trung Hưng (1677), Cao Bằng được tách thành lập trấn. Trấn Thái Nguyên còn lại 2 phủ là Thông Hóa và Phú Bình. Phủ Phú Bình gồm các huyện Phổ Yên, Đại Từ, Phú Lương, Tư Nông, Bình Tuyền, Động Hỷ, Văn Lăng, Vũ Nhai và châu Định Hóa.
Đầu thời Nguyễn, năm 1802, Thái Nguyên là 1 trong 14 trấn thuộc Bắc Thành… Ngày 04/11/1831, trấn Thái Nguyên đổi thành tỉnh. Trong chiếu chỉ thành lập ghi: Tỉnh Thái Nguyên gồm 2 phủ là Thông Hóa và Phú Bình; 9 huyện là Cảm Hóa, Tư Nông, Bình Tuyền, Phú Lương, Võ Nhai, Đại Từ, Phổ Yên, Văn Lãng, Đồng Hỷ (Động Hỷ cũ); 2 châu là Bạch Thông và Định Châu.
Khi đổi thành tỉnh, đứng đầu tỉnh Thái Nguyên là các chức bố chính, án sát, lãnh binh, trong đó quan bố chính sứ có chức nhiệm giữ việc thuế khóa, tài chính. Triều đình có ân trạch, chính lệnh ban xuống thì truyền đạt tiếp. Án sát sứ giữ việc kiện tụng, hình án, chấn hưng phong hóa, kỷ cương, trừng thanh các quan lại vi phạm…
Tháng 8-1835, nhà Nguyễn bắt đầu đặt lưu quan tại Thái Nguyên, 4 huyện Định Châu, Văn Lăng, Phú Lương và Đại Từ nằm trong phủ Tòng Hóa, huyện Tư Nông, Bình Tuyền, Võ Nhai, Phổ Yên, Động Hỷ thuộc phủ Phú Bình…
Trước khi thành lập tỉnh, Thái Nguyên luôn là phên giậu của trái tim đất nước. Dưới triều Nguyễn, gần thế kỷ rưỡi, Thái Nguyên tuy xa kinh thành nhưng vẫn là vùng đất thiết yếu cho công cuộc dựng xây đất nước.