Triệu Phong gắn chặt giáo dục nghề nghiệp với tạo việc làm cho người nghèo

Xác định việc làm là bệ đỡ an sinh quan trọng cho người dân, đặc biệt là người nghèo, cận nghèo, huyện Triệu Phong tập trung các giải pháp hỗ trợ đào tạo nghề cho người nghèo, gắn kết chặt chẽ giáo dục nghề nghiệp với tạo việc làm, hỗ trợ sinh kế.

Triệu Phong là một trong các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Quảng Trị, nằm về nằm phía Đông Nam của tỉnh. Nhờ thực hiện các giải pháp đồng bộ, đến nay tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện Triệu Phong giảm xuống còn 3,34%; thu nhập bình quân đầu người năm 2023 đạt hơn 68,44 triệu đồng, tăng gấp 6 lần so với năm 2011.

Huyện Triệu Phong đặt ra mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm còn dưới 3%; thu nhập bình quân đầu người đạt 80 triệu đồng/người/năm.

Xác định việc làm là bệ đỡ an sinh quan trọng cho người dân, đặc biệt là người nghèo, cận nghèo, huyện Triệu Phong tập trung các giải pháp hỗ trợ đào tạo nghề cho người nghèo, gắn kết chặt chẽ giáo dục nghề nghiệp với tạo việc làm, hỗ trợ sinh kế, thông qua việc thực hiện Dự án 4 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 về phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững.

Từ ngân sách Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, huyện Triệu Phong dành hơn 1,1 tỷ đồng phối hợp tổ chức tuyển sinh và đào tạo 22 lớp/648 học viên. Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Triệu Phong cũng được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học.

Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững của huyện cũng dành kinh phí để Trường Cao đẳng Kỹ thuật Quảng Trị phối hợp đào tạo 2 lớp với 70 học viên thuộc hộ nghèo, cận nghèo của 2 xã Triệu Tài, Triệu Trạch tham gia.

Xác định đào tạo nghề cho người lao động muốn đạt hiệu quả cao nhất phải gắn với giải quyết việc làm sau đào tạo, UBND huyện chỉ đạo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan làm việc với các doanh nghiệp để tạo điều kiện tìm việc làm cho người học nghề sau đào tạo.

Tại huyện này, sau học nghề, tỷ lệ học viên có việc làm rất cao. Tỷ lệ lao động qua đào tạo 63,2%; có bằng cấp chứng chỉ 29,8%. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025 đặt ra mục tiêu, phấn đấu đến năm 2025 tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70-75%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ 33%, hằng năm tạo việc làm mới cho 1.800- 2.000 lao động.

Riêng 6 tháng đầu năm 2024, huyện Triệu Phong mở được 5 lớp học nghề với 155 học viên, với tổng kinh phí 215 triệu đồng. Các lớp đào tạo nghề phù hợp với người lao động như: điện dân dụng, trồng rau an toàn, kỹ thuật nuôi gà thả vườn, trồng nấm... Sau học nghề, người lao động có cơ hội tìm việc làm, tự tạo việc làm, tăng thu nhập, góp phần giảm nghèo bền vững.

Tại Triệu Phong, việc gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn đã giúp người dân, đặc biệt là người nghèo, cận nghèo thay đổi nhận thức về nghề nghiệp, tham gia học nghề để nắm vững khoa học kỹ thuật, từng bước thay đổi thói quen canh tác nhằm tăng năng suất, chất lượng hàng hóa và dịch vụ, nâng cao thu nhập.

Việc vay vốn từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm, cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo được thực hiện về cơ sở. Có hàng nghìn lao động được vay vốn giải quyết việc làm, triển khai nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, không chỉ giải quyết việc làm cho bản thân mà còn cho nhiều lao động tại địa phương.

Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện tổ chức lớp may công nghiệp, sau khi đào tạo xong đã liên kết với Nhà máy may Hòa Thọ Triệu Phong tại các cơ sở may: An Tây Phú xã Triệu An, An Định xã Triệu Long và các doanh nghiệp trên địa bàn hợp đồng lao động cho hơn 70 người. Với các lớp nghề khác, đa số học viên tự tạo việc làm, áp dụng những kiến thức đã học vào thực tế sản xuất, thành lập các tổ, nhóm sản xuất kinh doanh, tạo thu nhập ổn định cuộc sống.

Nhiều địa phương quan tâm, bù đắp chiều thiếu hụt về việc làm, giáo dục, đào tạo, y tế, nhà ở... cho người nghèo, cận nghèo.

Nhiều địa phương quan tâm, bù đắp chiều thiếu hụt về việc làm, giáo dục, đào tạo, y tế, nhà ở... cho người nghèo, cận nghèo.

Với mục tiêu giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập và đời sống của người lao động, giảm nghèo bền vững và thúc đẩy phát triển KT-XH địa phương đạt hiệu quả cao nhất, huyện Triệu Phong xây dựng đề án hỗ trợ thực hiện công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động giai đoạn 2022-2026.

UBND các xã, thị trấn thường xuyên củng cố, kiện toàn tổ chỉ đạo đào tạo nghề, khảo sát nhu cầu, xác định nghề cần đào tạo gắn với tạo việc làm, phối hợp với các cơ sở dạy nghề tuyên truyền, tư vấn về học nghề và hướng dẫn người lao động đăng ký học nghề; kiểm tra, giám sát các lớp đào tạo nghề tổ chức tại địa phương.

Đặc biệt tại đây, việc xây dựng kế hoạch dạy nghề hằng năm trên cơ sở gắn với thế mạnh địa phương, quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội và quy hoạch xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao tại các xã.

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/trieu-phong-gan-chat-giao-duc-nghe-nghiep-voi-tao-viec-lam-cho-nguoi-ngheo-2329270.html