Triều Tiên có thực sự sở hữu vũ khí siêu thanh?
Truyền thông Triều Tiên trong tuần này đưa tin về một vụ thử nghiệm cái mà họ gọi là tên lửa siêu thanh.
Sau đây là một số câu hỏi và câu trả lời về công nghệ siêu thanh, cũng như khả năng thực sự của Triều Tiên ở thời điểm hiện tại.
Tên lửa siêu thanh là gì?
Các tên lửa siêu thanh được định nghĩa là có khả năng đạt vận tốc lớn hơn ít nhất là 5 lần so với vận tốc của âm thanh – Mach 5, tức hơn 6.100 km/giờ. Ngoài vận tốc cao, chúng cũng có thể chuyển hướng trong lúc bay, điều này giúp chúng khó bị theo dõi hoặc đánh chặn hơn so với các tên lửa truyền thống.
Bằng cách cắt giảm được thời gian bay, chúng cũng giảm được khả năng phản kích của địch thủ. Tùy vào thiết kế mà chúng có thể mang theo các đầu đạn hạt nhân hoặc đầu đạn truyền thống, và có khả năng làm thay đổi cán cân chiến lược giữa các nước.
Ai sở hữu chúng?
Phần lớn đều cho rằng Nga đang đi tiên phong trong công nghệ siêu thanh, khi phát triển hàng loạt các vũ khí siêu thanh mới mà Tổng thống Vladimir Putin từng mô tả là “vô địch”.
Tháng 7 năm nay, Nga thử nghiệm thành công Zircon, tên lửa siêu thanh phóng từ tàu có tốc độ cao gấp 7 lần vận tốc âm thanh. Trước đó, Nga cũng đã công bố phương tiện siêu thanh Avangard và tên lửa siêu thanh Kinzhal (Dao găm). Theo giới chức Nga, Avangard đã đạt được vận tốc lên tới 33.000 km/giờ trong các cuộc thử nghiệm.
Nhiều nước khác cũng đang muốn bắt kịp Nga: Mỹ đang chi hàng tỉ USD cho một số chương trình nghiên cứu, và trong tuần này tuyên bố đã thử nghiệm thành công một tên lửa siêu thanh phóng từ trên không có vận tốc “lớn hơn Mach 5”, được chế tạo bởi hãng Raytheon.
Trung Quốc cũng đã thử nghiệm nhiều phương tiện siêu thanh, theo Ủy ban Nghiên cứu Quốc hội Mỹ. Cơ quan này thêm rằng các hệ thống siêu thanh của Nga và Trung Quốc được thiết kế để lắp đầu đạn hạt nhân.
Triều Tiên chính xác là đang sở hữu thứ gì?
Những chi tiết về tên lửa của Hwasong-8 của Triều Tiên vẫn được giữ kín.
Hãng thông tấn nhà nước KCNA của Triều Tiên nói rằng cuộc thử nghiệm mới đây “đã xác nhận được khả năng kiểm soát điều hướng và sự ổn định của tên lửa”, “khả năng dẫn đường và các đặc tính bay của đầu đạn siêu thanh được tách ra”, và động cơ. Vận tốc của tên lửa không được làm rõ, tuy nhiên KCNA nói rằng tên lửa sử dụng nhiên liệu dạng ống (ampoule), không cần phải tiếp nhiên liệu tại bãi phóng.
Các loại tên lửa chạy bằng nhiên liệu lỏng thông thường không thể được vận chuyển cùng với chất nổ đẩy của nó, bởi rất dễ phát nổ. Bởi vậy mà các loại tên lửa này thường được tiếp nhiên liệu ngay trước khi được phóng, đây là một quy trình tiêu tốn thời gian, không khác gì tạo cơ hội cho địch thủ định vị và tiêu diệt.
Tên lửa siêu thanh của Triều Tiên có được xác nhận độc lập?
Hàn Quốc đến nay vẫn chưa chính thức xác nhận về chủng loại tên lửa mà Triều tiên đã phóng thử nghiệm.
Washington và Seoul là đồng minh, và họ không ngừng tăng cường áp dụng công nghệ do thám để theo dõi mọi động thái của Triều Tiên. Quân đội Hàn Quốc thường xuyên phát hiện và cung cấp thông tin về các vụ phóng tên lửa đạn đạo của Triều Tiên, chỉ trong vòng vài phút sau khi chúng xảy ra.
Tuy nhiên, Hàn Quốc lại không thể theo dõi độ cao tối đa, tầm bắn của tên lửa Triều Tiên trong các cuộc thử nghiệm đó.
Nhiều hãng truyền thông dẫn lại các nguồn giấu tên nói rằng, tên lửa mà Triều Tiên thử nghiệm vừa qua đạt độ cao 60 km và bay được dưới 200 km, tuy nhiên vẫn không biết về chi tiết quan trọng nhất là vận tốc.
Trong một tuyên bố, quân đội Hàn Quốc đưa ra đánh giá rằng, tên lửa Triều Tiên “mới đang trong giai đoạn đầu phát triển và sẽ mất khá nhiều thời gian mới có thể triển khai”, thêm rằng Hàn Quốc và Mỹ “đủ khả năng để phát hiện và đánh chặn nó”.
Hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc, trong khi đó, dù không dẫn nguồn tin nào nhưng nói rằng tên lửa mà Triều Tiên thử nghiệm đạt vận tốc Mach 3.
Sự khác biệt ở đây là gì?
Một số chuyên gia cho rằng vũ khí siêu thanh có thể chỉ mang lại chút ít lợi thế, không nhiều như chúng ta nghĩ. Một bài phân tích đăng tải trên tạp chí Scientific American hồi tháng trước nói rằng vũ khí siêu thanh “không thể nào tạo nên một cuộc cách mạng được”.
Tuy nhiên, nếu Bình Nhưỡng từ cuộc thử nghiệm trong tuần này thực sự đi đến bước cuối cùng trong phát triển công nghệ siêu thanh, “vậy thì họ có thể gây ra mối đe dọa quân sự đáng kể”; Cheong Seong-chang, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Triều Tiên thuộc Viện Sejong, nhận định.
“Sẽ là hợp lý khi cho rằng Triều Tiên đang phát triển loại tên lửa này, để đối phó với Mỹ” – ông nói, thêm rằng tên lửa siêu thanh có thể giúp Triều Tiên có thêm “quân bài ngã giá” trong các cuộc đàm phán tương lai với Washington.
Vị chuyên gia thêm rằng, tên lửa được phóng thử nghiệm hôm thứ Ba trong tuần là tầm ngắn, nhưng Bình Nhưỡng sẽ tìm cách phát triển nó lên tầm trung hoặc tầm xa.
“Nếu được phát triển lên tầm xa, không quốc gia nào trên thế giới, bao gồm cả Mỹ, có thể đánh chặn được thứ tên lửa có tốc độ cao như vậy” – ông Cheong nói.
Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/trieu-tien-co-thuc-su-so-huu-vu-khi-sieu-thanh-post150857.html