Triều Tiên gấp rút đóng tàu khu trục lớp Choe Hyon thứ 3
Tàu khu trục lớp Choe Hyon được xác định là chủ lực của Hải quân Triều Tiên, do vậy Bình Nhưỡng đang dồn nguồn lực lớn cho việc chế tạo.

Lãnh đạo Triều Tiên đã giao nhiệm vụ cho các nhà máy hoàn thành một tàu khu trục lớp Choe Hyon nữa trong vòng một năm, chiến hạm mới phải được biên chế hôm 10/10/2026, hãng thông tấn trung ương KCNA cho biết.

Mốc thời gian nói trên mang đầy tính biểu tượng bởi vì ngày 10/10 đánh dấu lễ kỷ niệm thành lập Đảng Lao động Triều Tiên. Nhà máy đóng tàu Nampho đã bắt tay vào thực hiện công việc từ ngày 21/7/2025.

"Việc hạ thủy tàu khu trục mới sẽ đưa đất nước tiến gần hơn tới mục tiêu thiêng liêng đó là nâng cao sức mạnh hải quân của Triều Tiên lên ngang tầm một quốc gia thế kỷ 21", thông báo của KCNA nêu rõ.

Giám đốc Nhà máy đóng tàu Nampho - ông Yun Chi Gor cho biết các công nhân rất tự hào khi được tin tưởng giao thực hiện công việc và nhắc lại họ đã hoàn thành chiếc tàu khu trục đầu tiên thuộc lớp, được hạ thủy vào tháng 4/2025.

Tuy vậy đơn vị thi công sẽ phải đặc biệt cẩn trọng khi thực hiện công việc trong thời gian ngắn bởi hôm 21/5, trong quá trình hạ thủy khu trục hạm lớp Choe Hyun thứ hai, một sự cố đã xảy ra khiến con tàu lật nghiêng và hư hỏng nghiêm trọng.

Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un khi tham dự buổi lễ đã bày tỏ sự tức giận, chỉ trích gay gắt ban giám đốc, gọi đây là "sự vô trách nhiệm không thể tha thứ". Quá trình phục hồi con tàu bị hư hỏng đã bắt đầu vào tháng 6 nhưng chưa rõ bao giờ mới hoàn thành.

Chiến hạm lớp Choe Hyon với lượng giãn nước 5.000 tấn, Triều Tiên phân loại là tàu khu trục tên lửa đa năng, được trang bị 2 loại bệ phóng thẳng đứng - loại lớn dành cho vũ khí tấn công và loại nhỏ tương thích tên lửa phòng không, với tổng số 74 ống phóng.

Trên tàu có 1 khẩu pháo tự động 127 mm hình dáng tương tự loại lắp trên chiến hạm NATO, đi kèm tổ hợp pháo phòng không tầm ngắn có vẻ ngoài giống AK-230 và AK-630 cỡ 30 mm của Liên Xô.

Vai trò phòng không tầm ngắn được đảm nhiệm bởi tổ hợp pháo - tên lửa có bề ngoài rất giống với hệ thống Pantsir-M của Nga và được bố trí ở đuôi tàu, không loại trừ khả năng Moskva đã cung cấp Pantsir-M "chính hãng" cho Bình Nhưỡng.

Vũ khí chống hạm được triển khai trong các ống phóng nghiêng bố trí 2 bên, bao gồm 8 tên lửa hành trình Hwasal-2. Bên cạnh đó, 4 bệ phóng cho tên lửa tầm ngắn bề ngoài tương tự Spike ER/NLOS của Israel cũng được nhìn thấy.

Về vũ khí chống ngầm, hai bên mạn tàu có sự hiện diện của cặp ống phóng kép tương thích ngư lôi hạng nặng cỡ 533 mm, một phần ống phóng được che phủ bằng cấu trúc hấp thụ sóng vô tuyến.

Cảm biến của tàu bao gồm 4 ăng ten dạng tấm, xét theo hình dáng bên ngoài, có khả năng đây là radar mảng pha chủ động (AESA), đảm nhiệm nhiều chức năng từ giám sát cho đến dẫn đường vũ khí.

Yếu tố thú vị nữa trên tàu khu trục lớp Choe Hyun là việc lắp đặt ăng ten radar ở mũi và đuôi để dẫn đường cho tên lửa phòng không, cho thấy chiếc khu trục hạm sẽ sử dụng tên lửa dẫn đường bằng sóng vô tuyến, tương tự như loại trang bị cho tổ hợp Tor của Nga.

Theo giới quan sát, phần lớn khí tài và một phần vũ khí trên tàu khu trục Choe Hyon của Triều Tiên là do Nga cung cấp, đi kèm hỗ trợ về công nghệ và tài chính, đây là sự "đáp lễ" của Nga sau khi Bình Nhưỡng triển khai binh sĩ tới chiến đấu tại khu vực Kursk.