Triều Tiên muốn gửi thông điệp cứng rắn sau vụ phóng tên lửa mới
Phía Triều Tiên cho rằng, vụ phóng là lời cảnh báo 'không thể phớt lờ' của Bình Nhưỡng đối với chính sách 'hai mặt' hiện nay của Hàn Quốc.
Đích thân nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un hôm qua (25/7) đã chỉ đạo và giám sát vụ thử 2 tên lửa tầm ngắn mới, được phóng từ Bán đảo Hodo, gần thị trấn ven biển Wonsan của nước này. Phía Triều Tiên cho rằng, vụ phóng là lời cảnh báo “không thể phớt lờ” của Bình Nhưỡng đối với chính sách “hai mặt” hiện nay của Hàn Quốc. Trong khi, giới chuyên gia còn cho rằng, lời cảnh báo cũng nhằm vào Mỹ - đồng minh lớn của Hàn Quốc, đang trong tiến trình đàm phán hạt nhân với Triều Tiên.
Thông tin mới nhất được giới quốc phòng Hàn Quốc vừa xác nhận, 2 tên lửa Triều Tiên phóng hôm qua (25/7) có tầm bay khoảng 600km, tương đương với tên lửa SS-26 Iskander của Nga. Thông tin được đưa ra sau cuộc họp của Bộ tư lệnh Liên quân Mỹ - Hàn, bàn về vụ việc. Tại cuộc họp này, giới chức quốc phòng Liên quân xác nhận, vụ phóng mới nhất của Triều Tiên không phải là mối đe dọa và không gây ảnh hưởng tới tình trạng phòng thủ của liên quân trên Bán đảo Triều Tiên.
Tuy nhiên, hãng thông tấn KCNA của Triều Tiên dẫn lời nhà lãnh đạo Kim Jong Un sáng 26/7 đưa tin, vụ phóng là lời cảnh báo của Bình Nhưỡng muốn gửi tới “những người theo chủ nghĩa quân phiệt” ở Hàn Quốc. Theo nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, Hàn Quốc đang thể hiện chính sách “hai mặt”, “nói một đằng làm một nẻo” khi vừa ủng hộ tiến trình hòa bình trên bán đảo Triều Tiên, vừa đẩy mạnh nhập khẩu các loại vũ khí mới và tiến hành các cuộc tập trận chung với Mỹ. Do đó, để đối phó, Triều Tiên không thể ngừng phát triển các hệ thống vũ khí siêu mạnh để chống lại các mối đe dọa tiềm tàng và trực tiếp đến từ “phía Nam”.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên khẳng định, giới chức Hàn Quốc nên chấm dứt “những hành động tự sát” như vậy và “đừng phạm sai lầm phớt lờ cảnh báo này”. Trong khi đó, giới quan sát cho rằng, vụ phóng không chỉ là lời cảnh báo dành riêng với Hàn Quốc, mà nó còn nhằm cả vào Mỹ khi quân đội Mỹ - Hàn sắp tiến hành tập trận chung.
Chuyên gia Harry Kazianis, Giám đốc phụ trách nghiên cứu Triều Tiên của Trung tâm Lợi ích quốc gia Mỹ nhận định, sẽ không có khả năng diễn ra các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa trong tương lai gần. Thậm chí, Triều Tiên có thể thử nhiều tên lửa hơn trước khi các cuộc tập trận cũng Mỹ - Hàn bắt đầu và sau khi kết thúc.
Phản ứng trước vụ thử mới nhất của Triều Tiên, Bộ Ngoại giao Mỹ đã đưa ra lời kêu gọi Triều Tiên không nên có thêm các “hành động khiêu khích”, đồng thời khẳng định chính quyền Mỹ “cam kết các nỗ lực ngoại giao với Triều Tiên và hy vọng hai bên sẽ tổ chức các cuộc họp cấp chuyên viên” về việc dỡ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân của nước này.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng cho rằng, vụ phóng tên lửa mới của Triều Tiên có thể chỉ là một “chiến thuật đàm phán” và điều quan trọng hơn hiện nay là mỗi bên nên chuẩn bị như thế nào để các cuộc đàm phán đạt kết quả. Ông Pompeo hi vọng các cuộc đàm phán giữa 2 bên sẽ được nối lại trong vài tuần nữa.
Còn Tổng thống Mỹ Donald Trump sáng 26/7 cũng “hạ thấp “thông điệp cảnh báo” từ Triều Tiên sau vụ phóng tên lửa, khi cho rằng các tên lửa Triều Tiên vừa phóng chỉ là “những tên lửa loại nhỏ”. Theo ông, Triều Tiên vẫn giữ đúng lời hứa với Mỹ là không thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo. Hiện thế giới đang rất trông chờ vào việc Mỹ - Triều nối lại đàm phán hạt nhân, vốn đang bị đình trệ.
Hôm qua (25/7), người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh cho biết: “Chúng tôi rất quan tâm đến các diễn biến mới trên Bán đảo Triều Tiên ngày 25/7 vừa qua và phản ứng từ các bên. Với tình hình hiện nay, Mỹ và Triều Tiên nên bắt đầu lại các cuộc đàm phán càng sớm càng tốt, để thúc đẩy một giải pháp chính trị cho vấn đề Bán đảo Triều Tiên và đạt được tiến bộ mới. Đây cũng là hy vọng của cộng đồng quốc tế. Tôi tin rằng tất cả các bên nên trân trọng hơn, bày tỏ thiện chí và cùng nhau hướng tới mục tiêu phi hạt nhân hóa và một giải pháp chính trị cho vấn đề”./.