Triều Tiên nhắm vào Nhật Bản khi thử tên lửa hành trình mới?

Giới phân tích cho rằng với vụ thử tên lửa mới nhất, Triều Tiên có thể nhằm vào Nhật Bản, dù vũ khí này không thay đổi đáng kể cán cân quân sự ở khu vực.

Đài Hàn Quốc đưa tin về vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên

KCNA thông tin tên lửa mới là “vũ khí chiến lược mới rất quan trọng”, có khả năng đi xa 1.500km. Tên lửa đã bay 16 phút theo “quỹ đạo hình bầu dục và hình số 8”, bản tin viết.

Tên lửa được phóng sau khi Triều Tiên kỷ niệm 73 năm quốc khánh bằng một buổi duyệt binh ở Bình Nhưỡng.

Vụ phóng diễn ra trước khi các quan chức cấp cao Mỹ, Hàn Quốc và Nhật gặp gỡ ở Tokyo để bàn về vấn đề Triều Tiên. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị dự kiến thăm Seoul trong tuần này để bàn với người đồng cấp Hàn Quốc Chung Eui-yong.

Ngày 13/9, Bộ Ngoại giao Trung Quốc kêu gọi kiềm chế trên bán đảo Triều Tiên, đồng thời nhắc lại quan điểm lâu nay của Bắc Kinh về giải pháp thông qua đối thoại.

“Trung Quốc kêu gọi các bên liên quan kiềm chế và thỏa hiệp, để chủ động tiến hành đối thoại và tăng cường trao đổi…nhằm thúc đẩy tiến trình tìm một giải pháp chính trị cho các vấn đề của bán đảo Triều Tiên”, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói.

Tên lửa hành trình có tốc độ chậm hơn tên lửa đạn đạo, và việc phát triển loại tên lửa này không bị Liên Hợp quốc cấm hẳn, nghĩa là vụ thử lần này có thể không dẫn đến những biện pháp trừng phạt khác nữa.

Hwang Jae-ho, giám đốc Trung tâm Hợp tác an ninh toàn cầu thuộc ĐH Hankuk, nói rằng dù tên lửa hành trình ít nguy hiểm hơn tên lửa đạn đạo, nhưng chúng có thể trở thành mối đe dọa lớn nếu được trang bị một đầu đạn hạt nhân cỡ nhỏ.

Cuộc diễu binh nhân 73 năm quốc khánh vừa qua của Triều Tiên không có sự xuất hiện của xe tăng hay tên lửa mới như các năm trước.

Tên lửa hành trình vừa thử có thể vươn tới tất cả các đảo của Nhật Bản.

“Bình Nhưỡng rõ ràng nhìn sang Nhật Bản khi phát triển tên lửa này”, Song Zhongping, một nhà bình luận quân sự Trung Quốc, nhận định.

“Triều Tiên đã phát triển tên lửa đạn đạo trong nhiều năm qua. Nhưng do thiếu hướng dẫn của định hướng của vệ tinh và đường viền định hình (TERCOM), năng lực tấn công của họ sẽ không ổn định”, ông Song nói.

TERCOM là hệ thống định vị giúp tăng đáng kể khả năng tấn công chính xác cho tên lửa hành trình.

Dù vụ thử mới nhất không thay đổi cân bằng an ninh hiện tại trên bán đảo Triều Tiên hay Đông Bắc Á, nhưng vẫn gây tổn thất.

“Nếu 30 năm kinh nghiệm dạy chúng ta điều gì, thì đó là sự ám ảnh về những hành động xấu liên tiếp”, Grant Newsham, nhà nghiên cứu tại Diễn đàn nghiên cứu chiến lược Nhật Bản, nhận xét.

Hành động của Triều Tiên ngay lập tức bị Mỹ và Nhật Bản chỉ trích.

Tổng thư ký nội các Nhật Bản Katsunobu Kato nói rằng chính phủ Nhật “quan ngại” trước bài viết của KNCA và sẽ tiếp tục phối hợp với Mỹ và Hàn Quốc để giám sát tình hình.

Bình Giang

Theo SCMP

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/trieu-tien-nham-vao-nhat-ban-khi-thu-ten-lua-hanh-trinh-moi-post1375782.tpo