Triều Tiên thông tin sự cố tên lửa đẩy rơi xuống biển Hoàng Hải trong vụ phóng vệ tinh
Tên lửa đẩy đã rơi xuống biển Hoàng Hải sau khi mất lực đẩy, do động cơ kiểu mới của nó ở tầng thứ hai khởi động bất thường.
Triều Tiên đã phóng thứ được gọi là “phương tiện phóng không gian” về phía nam vào sáng sớm ngày 31/5, tuy nhiên tên lửa đã rơi xuống biển Hoàng Hải sau một chuyến bay bất thường trong một vụ phóng dường như đã thất bại, quân đội Hàn Quốc cho biết.
Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân (JCS) Hàn Quốc nói, đã phát hiện vụ phóng từ Tongchang-ri trên bờ biển phía tây của Triều Tiên lúc 6h29’ sáng và tên lửa đã rơi xuống vùng biển cách đảo Eocheong của Hàn Quốc khoảng 200 km về phía tây.
“Chúng tôi đang tiến hành các phân tích bổ sung với sự hợp tác của Mỹ.”, JCS thông báo với truyền thông.
Trước đó, ngay khi phát hiện vụ phóng, thành phố Seoul, Hàn Quốc đã phát cảnh báo người dân chuẩn bị sơ tán.
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã triệu tập một cuộc họp an ninh để thảo luận về vụ phóng, theo Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc.
Thông tin với báo giới, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio cho biết, Tokyo đang thu thập và phân tích thông tin về vụ phóng và chưa có báo cáo về thiệt hại từ tên lửa.
Thông tin về vụ phóng, hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA cho biết, lúc 6h27’, tại bãi phóng Sohae ở huyện Cholsan, tỉnh Phyongan Bắc, Cơ quan Phát triển hàng không vũ trụ quốc gia (NADA) đã phóng một vệ tinh do thám quân sự Malligyong-1 gắn trên tên lửa đẩy kiểu mới Chollima-1.
Tuy nhiên vụ phóng đã gặp sự cố. Tên lửa đẩy Chollima-1 đã rơi xuống vùng biển phía tây sau khi mất lực đẩy do khởi động bất thường của động cơ tầng thứ hai.
Người phát ngôn của NADA cho rằng, nguyên nhân thất bại là do độ tin cậy và độ ổn định thấp của hệ thống động cơ kiểu mới được sử dụng cho tên lửa đẩy Chollima-1, cũng như đặc tính không ổn định của nhiên liệu được sử dụng.
NADA cho biết, các nhà khoa học, kỹ thuật viên và chuyên gia đang tập trung điều tra các vấn đề của vụ phóng, thực hiện các biện pháp khắc phục khẩn cấp để tiến hành vụ phóng vệ tinh tiếp theo trong thời gian sớm nhất.
Triều Tiên đã thông báo cho Nhật Bản và Tổ chức Hàng hải Quốc tế về kế hoạch phóng vệ tinh trong khoảng từ 31/5-11/6, bất chấp những chỉ trích nói nó sẽ vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cấm bất kỳ vụ phóng nào sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo.
Sau khi nhận thông báo, Nhật Bản đã đặt các hệ thống tên lửa đánh chặn trong trạng thái báo động cao, cho biết, sẽ bắn hạ tên lửa của Triều Tiên nếu nó bay qua lãnh thổ nước này.
Hôm 30/5, Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên, Ri Pyong-chol, đã chính thức công bố kế hoạch phóng, bảo vệ việc theo đuổi chương trình vệ tinh và các phương tiện do thám khác là “không thể thiếu” để đối phó với các động thái và “mối đe dọa quân sự nguy hiểm” của Mỹ và đồng minh.