Triều Tiên thử tên lửa mới 'ấn tượng và đáng sợ' đẩy Mỹ vào thế khó
Các chuyên gia nói tên lửa mới nhất của Triều Tiên là mối đe dọa lớn vì có thể chỉnh hướng và né hệ thống phòng thủ của Hàn Quốc. Tổng thống Trump đang ở thế khó.
Sáng 31/7, Triều Tiên thử hai tên lửa đạn đạo tầm ngắn, chỉ 6 ngày sau khi bắn thử hai tên lửa tầm ngắn khác ra biển Nhật Bản, Yonhap dẫn lời Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc cho biết.
Với đợt thử tên lửa mới nhất này, Triều Tiên đã phóng tổng cộng 7 tên lửa đạn đạo trong ba tháng, sau khi ngưng thử tên lửa một năm rưỡi.
Rõ ràng Triều Tiên đang thể hiện thái độ trước kế hoạch tập trận chung Mỹ - Hàn, đồng thời tăng vị thế của mình trên bàn đàm phán Mỹ.
Tuy nhiên, những tên lửa trên không chỉ là một thông điệp. Trên thực tế, Triều Tiên đang hoàn thiện loại tên lửa tầm ngắn mới ‘vừa ấn tượng, vừa đáng sợ’ có khả năng đe dọa các đồng minh của Mỹ trong khu vực, các chuyên gia nói với trang tin VOA News của đài tiếng nói Mỹ.
"Không nên coi nhẹ tên lửa tầm ngắn của Triều Tiên"
Các quan chức Hàn Quốc bước đầu cho biết tên lửa vừa được Triều Tiên thử nghiệm cũng cùng loại với vũ khí được Bình Nhưỡng thử nhiều tháng nay: tên lửa Iskander do Nga phát triển.
Theo giới chuyên gia, tên lửa này của Triều Tiên, được tình báo Mỹ và Hàn Quốc đặt tên KN-23, dễ che giấu, triển khai nhanh chóng, và khó đánh chặn.
“Không nên coi nhẹ những tên lửa tầm ngắn này”, Leif-Eric Easley, giáo sư đại học Nữ sinh Ewha ở Seoul, nói với VOA News. “Nó thể hiện những cải tiến công nghệ có thể đe dọa lực lượng của Mỹ và các đồng minh ở châu Á”.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã coi nhẹ các đợt thử trước, và nói tên lửa không phải tầm xa và không thể vươn đến Mỹ. Phản ứng cầm chừng của ông Trump cũng tương tự phản ứng của chính phủ Hàn Quốc, và hai bên rõ ràng đang cố gắng giữ vững sợi dây đối thoại với Triều Tiên.
Tuy nhiên, với việc không chỉ trích mạnh mẽ, Washington và Seoul đứng trước nguy cơ Triều Tiên sẽ tiếp tục thử tên lửa.
“Tiếc là ông Trump đã xem thường các tên lửa đạn đạo tầm ngắn, tạo điều kiện cho Bình Nhưỡng tiếp tục phát triển vũ khí”, Duyeon Kim, nhà nghiên cứu ở Trung tâm An ninh Mỹ Mới (CNAS) nói với VOA News.
Tên lửa mới khác các tên lửa trước đây
Triều Tiên từ lâu đã sở hữu hàng loạt vũ khí tầm ngắn có thể tấn công Hàn Quốc. Thế nhưng, KN-23 khác biệt ở chỗ có thể né tránh hệ thống phòng thủ của Mỹ và Hàn Quốc.
“Hệ thống phòng thủ của chúng ta có thể bị vô hiệu nếu các tên lửa bay dưới độ cao 40 km, tức là độ cao mà hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD có thể đánh chặn”, Kim Dong-yub, chuyên gia về Triều Tiên của Viện Nghiên cứu Viễn Đông ở Seoul. “Và (tên lửa này) sẽ nhanh hơn Mach 7, vì vậy (hệ thống phòng thủ tên lửa) Patriot sẽ không có tác dụng”.
Theo hình ảnh do truyền thông nhà nước Triều Tiên công bố, KN-23 có bộ phận phản lực cho phép chỉnh hướng tên lửa khi đang bay, giống tên lửa hành trình.
“Nó có thể chỉnh hướng khi đang trong quỹ đạo, khó dự đoán điểm tiếp đất để mà đánh chặn, và khó xác định nó được phóng từ đâu”, Duyeon Kim từ CNAS phân tích.
Mối nguy khác là tính di động của KN-23, có thể được bắn lên từ các bệ phóng di động.
“Triều Tiên sẽ có thể bảo toàn các tên lửa bằng cách di chuyển chúng liên tục, giấu trong hầm, nhà kho, thậm chí dưới các cầu vượt. Và vì các tên lửa này dùng nhiên liệu rắn, chúng có thể ở tư thế sẵn sàng lâu hơn”, bà Kim nói.
“Và chúng có thể mang đầu đạn hạt nhân hoặc được dùng như một tên lửa truyền thống”, bà nói thêm.
“Vừa ấn tượng, vừa đáng sợ”
Các tên lửa mà Triều Tiên phóng ngày 31/7 đi xa khoảng 250 km, ở độ cao 30 km, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc nói.
Các tên lửa mà Triều Tiên thử kể từ tháng năm có tầm xa 270-600 km và bay ở độ cao 30-60 km, theo các ước tính từ quân đội Hàn Quốc.
Nếu tên lửa mới nhất được xác nhận đúng là KN-23, Triều Tiên đang “thực sự thể hiện sự đa dạng trong kho vũ khí”, Vipin Narang, chuyên gia hạt nhân và địa chính trị ở Học viện Công nghệ Massachusetts cho biết.
“Một tên lửa vừa ấn tượng, vừa đáng sợ”, ông Narang viết trong một tweet.
Triều Tiên đã 7 lần thử thành công tên lửa trong vòng dưới ba tháng. Các cuộc thử được thực hiện với “các quỹ đạo và tầm xa khác nhau, giả lập các trọng tải khác nhau”, Ankit Panda, nhà nghiên cứu tại Liên hiệp Các nhà khoc học Mỹ viết trong một tweet.
Tổng thống Trump ở thế khó
Triều Tiên đã đưa ra các lời biện minh khác nhau cho các cuộc thử tên lửa đạn đạo.
Lần đầu thử tên lửa đầu tháng năm là một cuộc diễn tập “phòng vệ thông thường” không có ý nhắm đến nước nào hay gia tăng căng thẳng khu vực, theo tuyên bố của Bộ Ngoại giao Triều Tiên vào lúc đó.
Nhưng lãnh đạo Kim Jong Un đã nói cuộc thử tên lửa tuần trước nhằm gửi thông điệp tới “những kẻ hiếu chiến” ở Hàn Quốc.
Bình Nhưỡng tức giận vì Seoul và Washington đang chuẩn bị tập trận chung. Triều Tiên cũng không đồng tình việc Hàn Quốc mua các máy bay F-35 của Mỹ.
Các cuộc phóng tên lửa dường như nằm trong chiến lược của Triều Tiên: dần gia tăng áp lực lên Washington và Seoul để giành lợi thế đàm phán, nhưng cũng tránh các bước đi có thể khiến ông Trump hủy đối thoại.
Ông Trump, người đã không mạnh mẽ chỉ trích các cuộc thử tên lửa tầm ngắn của Triều Tiên, đang trong thế khó xử.
“Phản ứng của ông Trump trước vụ thử tên lửa phải thận trọng cân bằng giữa quá mạnh mẽ, để rồi dập tắt đối thoại, và quá mềm mỏng, lại khiến ông Kim tiếp tục thử tên lửa trong tương lai”, Eric Gomez, nhà phân tích chính sách phòng thủ tên lửa ở Viện Cato, Washington, nói với VOA News.
“Chẳng hạn, ông Trump hoặc một quan chức cao cấp có thể ra tuyên bố mạnh mẽ chỉ trích, đồng thời tỏ ý chấp nhận đàm phán về các cuộc tập trận (Mỹ - Hàn). Cần gửi thông điệp rằng có cách để ông Kim đạt điều mình muốn, nhưng chỉ có thể qua ngoại giao, chứ không bằng cách thử tên lửa”, ông nói thêm.
Triều Tiên đã cảnh báo sẽ hành động mạnh hơn. Vào tháng bảy, Bộ Ngoại giao nước này nói Bình Nhưỡng có thể khởi động lại chương trình hạt nhân hoặc tên lửa đạn đạo liên lục địa nếu Washington và Seoul tiếp tục tập trận chung.