Triều Tiên và Hàn Quốc tích cực chuẩn bị cho cuộc hội đàm cấp cao

Bán đảo Triều Tiên tiếp tục đón nhận những tín hiệu khả quan khi các quan chức của Hàn Quốc và Triều Tiên bắt đầu thảo luận về những nội dung chi tiết cho cuộc hội đàm cấp cao hiếm hoi giữa hai miền.

Một quan chức thuộc Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho biết trong cuộc thảo luận ngày 6-1, hai bên đã bàn về những nội dung chi tiết cho cuộc hội đàm cấp cao vào tuần tới. Cụ thể, hai bên đã thảo luận về cách thức tổ chức cũng như thành phần của các phái đoàn tham gia hội đàm. Dự kiến, phái đoàn của Hàn Quốc sẽ có 5 người do Bộ trưởng Thống nhất Cho Myoung-gyon dẫn đầu.

Các quan chức thuộc Phủ Tổng thống Hàn Quốc cũng cho biết, trong ngày 6-1, Tổng thống Moon Jae-in đã được thông báo về các bước chuẩn bị cho cuộc hội đàm sắp tới.

 Làng đình chiến Bàn Môn Điếm, nơi dự kiến sẽ diễn ra cuộc hội đàm cấp cao liên Triều vào ngày 9-1 tới. Ảnh: CNN

Làng đình chiến Bàn Môn Điếm, nơi dự kiến sẽ diễn ra cuộc hội đàm cấp cao liên Triều vào ngày 9-1 tới. Ảnh: CNN

Cách đây ít ngày, Hàn Quốc và Triều Tiên chính thức nối lại đường dây liên lạc liên Triều tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm (Panmunjom) nằm trên biên giới giữa hai nước.

Nếu mọi việc diễn ra suôn sẻ theo kế hoạch đã định, đây sẽ là cuộc hội đàm cấp cao liên Triều đầu tiên trong vòng hai năm qua. Dự kiến, cuộc hội đàm lần này sẽ diễn ra tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm vào ngày 9-1 tới, trong đó hai bên tập trung bàn thảo việc Triều Tiên cử đoàn vận động viên tham gia Thế vận hội mùa đông PyeongChang 2018 tổ chức tại Hàn Quốc từ ngày 9 đến 25-2 tới, cũng như các biện pháp nhằm cải thiện quan hệ song phương.

Vòng đối thoại liên chính phủ giữa hai miền Triều Tiên gần đây nhất diễn ra vào tháng 12-2015. Sau khi nhậm chức vào tháng 5-2017, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã đề xuất tiến hành đàm phán quân sự giữa hai miền. Tuy nhiên, phía Triều Tiên không đưa ra phản hồi nào trước đề nghị này.

Trước đó, trong thông điệp năm mới đưa ra ngày 1-1 vừa qua, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã tuyên bố "để ngỏ cánh cửa đối thoại" với Hàn Quốc và xem xét cử các vận động viên của nước này tham gia tranh tài tại Thế vận hội mùa đông PyeongChang 2018 tổ chức tại Hàn Quốc. Về phần mình, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in khẳng định Seoul sẵn sàng đối thoại với Bình Nhưỡng "bất cứ lúc nào, ở bất cứ đâu và dưới bất kỳ hình thức nào".

Phía Hàn Quốc hy vọng việc Triều Tiên cử vận động viên tham dự Thế vận hội mùa đông PyeongChang 2018 sẽ giúp xoa dịu căng thẳng giữa hai miền, đồng thời mở đường cho việc giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên cũng như các cuộc đối thoại Mỹ-Triều Tiên. Được biết, Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) khẳng định sẵn sàng chi trả cho các vận động viên Triều Tiên nếu nước này tham gia thế vận hội sắp tới tại Hàn Quốc.

CNN cho hay, mới đây, Mỹ và Hàn Quốc cũng đã nhất trí hoãn hai cuộc tập trận chung “Đại bàng non” và “Giải pháp then chốt” cho đến khi Thế vận hội mùa đông PyeongChang 2018 kết thúc. Theo thông báo của Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc, quyết định này được đưa ra trong cuộc điện đàm ngày 4-1 giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. Theo đó, ông Moon Jae-in đã đưa ra đề xuất "hoãn tập trận chung nếu Triều Tiên không có thêm hành động khiêu khích nào". Đáp lại, Tổng thống Donald Trump đã đồng ý và hy vọng các cuộc đối thoại liên Triều sẽ đạt kết quả tốt.

Trong một thông báo đưa ra sau đó, Nhà Trắng cho biết việc hoãn tập trận nhằm mục đích giảm căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên, đồng thời tạo điều kiện để các lực lượng của Mỹ và Hàn Quốc có thể tập trung bảo đảm an ninh cho thế vận hội sắp tới. Phát biểu trong một cuộc họp báo tại Lầu Năm Góc, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis cho biết thêm, các cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn sẽ diễn ra ngay sau khi kết thúc thế vận hội mùa đông. Ông James Mattis cũng nhấn mạnh rằng quyết định điều chỉnh thời gian tập trận là việc chưa từng có.

Nhận định về cuộc đối thoại cấp cao liên Triều sắp tới, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson tỏ ý thận trọng và cho biết Washington “không mấy lạc quan”. Người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ cũng tuyên bố, hành động quân sự với Triều Tiên vẫn là một lựa chọn nếu các nỗ lực ngoại giao không thể chấm dứt chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Trong khi đó, cả Nga và Trung Quốc đều lên tiếng kêu gọi hai miền Triều Tiên cần tận dụng cuộc đối thoại sắp tới để tìm kiếm giải pháp hòa bình.

ANH VŨ

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/su-kien/trieu-tien-va-han-quoc-tich-cuc-chuan-bi-cho-cuoc-hoi-dam-cap-cao-528331