Trình Chính phủ Đề án bảo vệ và phát huy giá trị di sản dân ca Ví, Giặm

Đề án bảo vệ và phát huy giá trị di sản dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh do UBND tỉnh Nghệ An chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Hà Tĩnh, Bộ VHTT&DL xây dựng.

Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Hoàng Đạo Cương vừa ký văn bản số 1282/BVHTTDL-DSVH trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt “Đề án bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh, tỉnh Nghệ An giai đoạn 2026 - 2030”.

 Không gian diễn xướng dân ca Ví, Giặm tại Quảng trường Hồ Chí Minh (TP Vinh, tỉnh Nghệ An). Ảnh: Vừ Mùa

Không gian diễn xướng dân ca Ví, Giặm tại Quảng trường Hồ Chí Minh (TP Vinh, tỉnh Nghệ An). Ảnh: Vừ Mùa

Đề án do UBND tỉnh Nghệ An chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Hà Tĩnh, Bộ VHTT&DL xây dựng. Hiện tại, Đề án đã tiếp thu, hoàn chỉnh theo ý kiến thỏa thuận, góp ý của Bộ VHTT&DL và Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia.

Theo cơ quan soạn thảo, Đề án được xây dựng nhằm bảo tồn di sản văn hóa tiêu biểu, mang bản sắc riêng của cộng đồng nhân dân xứ Nghệ. Năm 2014, Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO ghi danh di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Dân ca Ví, Giặm là một sản phẩm văn hóa đại diện, tiêu biểu của vùng đất Nghệ Tĩnh, chỉ tồn tại, phát triển trong cộng đồng cư dân người Việt thuộc hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, mang đặc thù của âm sắc giọng nói xứ Nghệ.

Di sản này đã được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác trong cộng đồng cư dân bản địa, phản ánh bản sắc và kế tục những truyền thống tốt đẹp của cộng đồng; có sức sống và sức lan tỏa mạnh mẽ, có những giá trị tiêu biểu, phổ biến và vẫn được cộng đồng người Nghệ An, Hà Tĩnh thực hành trong nhiều hoạt động của đời sống xã hội ngày nay.

Vì vậy, bảo tồn giá trị di sản văn hóa phi vật thể của cộng đồng cư dân là cần thiết, góp phần giữ gìn giá trị bản sắc văn hóa tiêu biểu, đặc trưng nhất của cộng đồng, đại diện cho bản sắc của vùng văn hóa xứ Nghệ trong lịch sử, không trộn lẫn với các vùng văn hóa khác.

Bảo vệ, phát huy dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh cũng đồng nghĩa với việc bảo vệ và phát huy tính đa dạng, độc đáo của dân ca Ví, Giặm, góp phần phát triển du lịch bền vững, trở thành một nội lực phát triển kinh tế, một sản phẩm văn hóa đem lại sức hút đối với công chúng trong và ngoài nước.

Bên cạnh đó, việc xây dựng Đề án còn giải quyết những vấn đề cấp thiết, những nguy cơ, thách thức trong thực tiễn bảo tồn, phát huy giá trị di sản hiện nay, đồng thời nhằm thực hiện đúng cam kết bảo tồn, phát huy giá trị di sản được UNESCO ghi danh.

 Biểu diễn Dân ca Ví, Giặm trong lễ hội làng Sen. Ảnh: Báo Nghệ An

Biểu diễn Dân ca Ví, Giặm trong lễ hội làng Sen. Ảnh: Báo Nghệ An

Đề án đặt mục tiêu đến năm 2030, phấn đấu khu vực đồng bằng có 90%, khu vực miền núi có 30% đơn vị hành chính cấp xã/phường có thực hành Dân ca Ví, Giặm thành lập câu lạc bộ; thành lập thêm 2 - 3 câu lạc bộ Dân ca Ví, Giặm ở các tỉnh khác và thành lập 1 - 2 câu lạc bộ Dân ca Ví, Giặm ở nước ngoài.

Theo Đề án, tỉnh Nghệ An tiếp tục khai thác, phát huy hình thức sân khấu hóa dân ca Ví, Giặm; xây dựng và tổ chức các chương trình biểu diễn tại Trung tâm Bảo tồn và Phát huy di sản Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh ít nhất 1 tuần/lần và tiến tới hàng ngày để phục vụ khách du lịch và có bán vé, tạo doanh thu; đầu tư vào các hình thức thể hiện mới cho sân khấu nghệ thuật biểu diễn gắn với Dân ca Ví, Giặm; xây dựng các hành trình kết nối di sản gắn với phát triển du lịch…

Thế Vũ

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/trinh-chinh-phu-de-an-bao-ve-va-phat-huy-gia-tri-di-san-dan-ca-vi-giam-post341354.html