Trình Chính phủ dự thảo nghị định thanh toán điện tử trong giao thông

Tại Dự thảo nghị định về thanh toán điện tử giao thông đường bộ, Bộ GTVT đề xuất nhiều điểm mới như mở rộng dịch vụ thanh toán, thêm nhà cung cấp dịch vụ và tài khoản giao thông...

Cho phép áp dụng tại các sân bay, bến cảng, bãi đỗ xe...

Điểm đáng chú ý tại dự thảo nghị định được Bộ GTVT đề xuất là cho phép mở rộng ra các dịch vụ thanh toán khác như sân bay, bến cảng, bãi đỗ xe... trên nền tảng hệ thống thu phí tự động không dừng (ETC) hiện nay.

Theo Bộ GTVT, thực hiện Quyết định 19/2020 của Thủ tướng Chính phủ, hệ thu phí điện tử không dừng đã được triển khai có hiệu quả tại các trạm thu phí trong cả nước.

Bộ GTVT đánh giá, với trên 95% số phương tiện dán thẻ và sử dụng dịch vụ ETC là cơ sở để mở rộng dịch vụ thanh toán điện tử trong giao thông đường bộ (Ảnh minh họa).

Bộ GTVT đánh giá, với trên 95% số phương tiện dán thẻ và sử dụng dịch vụ ETC là cơ sở để mở rộng dịch vụ thanh toán điện tử trong giao thông đường bộ (Ảnh minh họa).

96% tổng số lượng phương tiện trên cả nước dán thẻ, mở tài khoản thu phí tham gia dịch vụ. Từ khi triển khai đến nay đã có trên 1 tỷ lượt xe giao dịch thông qua hệ thống thu phí điện tử không dừng.

Tuy vậy, hệ thống thu phí điện tử không dừng mới chỉ phục vụ việc thanh toán phí đường bộ nên chưa tạo được sự thuận lợi tối đa cho người sử dụng, chưa phát huy được hết hiệu quả của tài khoản thu phí và hiệu quả đầu tư của hệ thống.

Khẳng định việc ứng dụng giao thông thông minh đang là xu thế, Bộ GTVT cho biết, nhiều doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước đã đề xuất mở rộng dịch vụ trung gian thanh toán trên nền tảng hệ thống thu phí điện tử không dừng đã đầu tư như: thu phí tại các cảng hàng không, thu phí cảng biển, thu phí bãi đỗ xe, thu phí điểm đỗ xe lòng đường, phí kiểm định.

Khi đó, người dân, chủ phương tiện chỉ cần sử dụng duy nhất một tài khoản thu phí để chi trả cho nhiều dịch vụ qua đó tăng tiện ích, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, chủ phương tiện giao thông, tiết kiệm chi phí.

Dự thảo nghị định gồm 4 chương, 37 điều quy định về nhà cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử; tài khoản giao thông; thanh toán điện tử giao thông đường bộ và bảo mật, an toàn thông tin, bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Tuy nhiên, Quyết định 19 chỉ cho phép tài khoản thu phí chỉ cho phép thanh toán dịch vụ thu phí đường bộ tại các trạm thu phí đường bộ, không hướng dẫn thanh toán cho các loại dịch vụ khác.

Thêm nữa, việc thanh toán phí sử dụng đường bộ qua tài khoản thu phí là một loại dịch vụ thanh toán điện tử đặc thù chỉ phục vụ thu phí đường bộ nên không thuộc phạm vi quản lý của Ngân hàng nhà nước. Trường hợp mở rộng dịch vụ thanh toán cần thiết phải có tham gia quản lý của Ngân hàng nhà nước tương tự như các hình thức thanh toán điện tử khác.

Từ phân tích trên, Bộ GTVT khẳng định, việc xây dựng và ban hành nghị định quy định về thanh toán điện tử giao thông đường bộ là cần thiết.

Dẫn quy định tại Luật Đường bộ về thanh toán điện tử giao thông đường bộ, Bộ GTVT cho biết, đây là hình thức thanh toán các loại phí, giá, tiền dịch vụ liên quan đến hoạt động giao thông của phương tiện giao thông đường bộ thông qua tài khoản giao thông.

Quy định mở rộng dịch vụ thanh toán nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho chủ phương tiện khi thanh toán các dịch vụ liên quan đến hoạt động của phương tiện là một trong những điểm mới nhằm khắc phục những bất cập trong thời gian qua.

"Tận dụng và nâng cao hiệu quả của hệ thống thu phí điện tử không dừng sẵn có, tiết kiệm cho người dân, chi phí xã hội. Phù hợp với chủ trương của Nhà nước về hạn chế sử dụng tiền mặt", Bộ GTVT cho biết.

Việc ban hành nghị định nhằm tạo hành lang pháp lý cho việc thanh toán điện tử giao thông đường bộ (Ảnh minh họa).

Việc ban hành nghị định nhằm tạo hành lang pháp lý cho việc thanh toán điện tử giao thông đường bộ (Ảnh minh họa).

Tài khoản thu phí thành tài khoản giao thông

Một điểm mới đáng chú ý tại dự thảo nghị định được Bộ GTVT đề xuất sẽ tách tài khoản thu phí ETC thành tài khoản giao thông và phương tiện thanh toán.

Bộ GTVT cho biết, Quyết định số 19 quy định tài khoản thu phí là tài khoản của chủ phương tiện mở tại nhà cung cấp dịch vụ thu phí ngay lần đầu gắn thẻ để trả phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử không dừng. Do tài khoản thu phí chỉ để trả phí dịch vụ sử dụng đường bộ nên được coi là công cụ thanh toán nội bộ của Bộ GTVT và Bộ có thẩm quyền quản lý tài khoản này.

Trong khi đó, Luật Đường bộ 2024 quy định: “Thanh toán điện tử giao thông đường bộ là việc thanh toán các loại phí, giá, tiền dịch vụ liên quan đến hoạt động giao thông của phương tiện giao thông đường bộ thông qua tài khoản giao thông. Tài khoản giao thông là tài khoản mở cho chủ phương tiện giao thông đường bộ và kết nối với phương tiện thanh toán hợp pháp để thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt theo quy định của pháp luật về ngân hàng”.

Theo quy định này, tài khoản giao thông là tài khoản không có tiền, chỉ bao gồm các thông tin để xác định đối tượng thanh toán, xác định số tiền phải thanh toán. Để thực hiện thanh toán, tài khoản giao thông phải được kết nối với phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt.

"Tài khoản thu phí theo Quyết định số 19 được tách thành tài khoản giao thông và phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt theo quy định của pháp luật ngân hàng kết nối với tài khoản giao thông", Bộ GTVT cho biết.

Từ đây, Bộ GTVT đề xuất: Tài khoản giao thông do nhà cung cấp dịch vụ thanh toán tiền sử dụng đường bộ (là nhà cung cấp dịch vụ thu phí theo Quyết định số 19/2020) mở. Tài khoản giao thông phải được kết nối với một phương tiện thanh toán hợp pháp của chủ phương tiện theo quy định của pháp luật ngân hàng về thanh toán không dùng tiền mặt để thực hiện thanh toán điện tử giao thông đường bộ.

Tài khoản giao thông được đồng bộ với cơ sở dữ liệu thanh toán điện tử giao thông đường bộ của Bộ GTVT để chia sẻ cho nhà cung cấp dịch vụ thanh toán giao thông đường bộ.

"Quy định này sẽ kế thừa được trách nhiệm của nhà cung cấp dịch vụ ETC để dán thẻ, mở tài khoản giao thông và quản lý tài khoản. Đồng thời, chủ tài khoản giao thông được linh hoạt trong việc kết nối tài khoản giao thông với phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt để thanh toán điện tử giao thông", Bộ GTVT cho hay.

Thay vì chỉ có 2 nhà cung cấp dịch vụ hiện nay là Công ty TNHH Thu phí tự động VETC và Công ty cổ phần Giao thông số VN, tại dự thảo nghị định, Bộ GTVT đề xuất 2 hình thức nhà cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử.
Thứ nhất là nhà cung cấp dịch vụ thanh toán tiền sử dụng đường bộ trên cơ sở kế thừa quy định về nhà cung cấp dịch vụ thu phí theo Quyết định 19/2020 và cho phép cung cấp thêm một số dịch vụ trên cơ sở được Bộ GTVT chấp thuận. Thứ hai là nhà cung cấp dịch vụ thanh toán giao thông đường bộ là đơn vị mới, chỉ cung cấp các dịch vụ không do Bộ GTVT quản lý.
Việc bổ sung nhà cung cấp dịch vụ thanh toán giao thông đường bộ để cung cấp các dịch vụ thu mới nên tăng được sự cạnh tranh, không tạo ra sự độc quyền trong cung cấp dịch vụ thanh toán.
Nhà cung cấp dịch vụ thanh toán tiền sử dụng đường bộ vẫn kế thừa vẫn đảm bảo quyền lợi theo quy định tại Quyết định số 19. Đồng thời, phân định rõ phạm vi quản lý của Bộ GTVT với các đơn vị khác trong việc quản lý cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử.

Trần Duy

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/trinh-chinh-phu-du-thao-nghi-dinh-thanh-toan-dien-tu-trong-giao-thong-192240820214921845.htm