Trịnh Công Sơn với niềm tiên cảm 'sau hòa bình'

Chừng nào nhân loại còn khắc khoải, lo âu trước vấn đề chiến tranh và hòa bình; chừng nào con người còn phấp phỏng trước lằn ranh sinh tử; chừng nào con người còn cần chia sớt niềm vui hay nỗi buồn, niềm hạnh phúc hay nỗi đau thương; chừng nào con người thấy trước sự hữu hạn của đời người, mọi cái như tiền tài, danh vọng đều không mang theo được, duy chỉ có tình người là báu vật truyền đời, chừng đó nhạc Trịnh còn vọng mãi.

Đội kèn Huế biểu diễn các tác phẩm của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn -Ảnh: LINH CHI

Đội kèn Huế biểu diễn các tác phẩm của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn -Ảnh: LINH CHI

Ngày 30/4/1975, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã có mặt ở Đài Phát thanh Sài Gòn để nói lời chào mừng ngày độc lập, thống nhất đất nước và cùng mọi người hát vang bài “Nối vòng tay lớn”: “Hôm nay là cái ngày mơ ước của tất cả chúng ta...Thống nhất và độc lập là những điều chúng ta mơ ước từ mấy chục năm nay...Tôi xin hát một bài. Hiện tại ở trên đài thì không có đàn guitar, tôi xin hát lại cái bài “Nối vòng tay lớn”.

Hôm nay, thật sự cái vòng tay lớn đã được nối kết”. (1) Ông Nguyễn Hữu Thái, cựu Chủ tịch Tổng hội sinh viên Sài Gòn, bạn của Trịnh Công Sơn đã giới thiệu Trịnh Công Sơn lên nói và hát ở Đài Phát thanh Sài Gòn lúc đó, về sau, khi viết sách hồi ức đã bình luận rằng: “Làm một người nghệ sĩ, Trịnh Công Sơn chỉ cần sự kiện sáng tác “Nối vòng tay lớn”, hát“Nối vòng tay lớn” như thế là đã có tên trong bảng đồng bia đá rồi”. (2)

Thật ra, “bảng đồng, bia đá” là điều người đời nghĩ thay cho Trịnh Công Sơn, chứ không phải là điều Trịnh Công Sơn nghĩ và phải nghĩ. Ngay cả danh hiệu người đời tặng cho Trịnh Công Sơn là “người viết ca khúc nổi tiếng”,

Trịnh Công Sơn cũng không hề nghĩ đến: “Tôi không bao giờ có tham vọng trở thành một người viết ca khúc nổi tiếng nhưng đời đã tặng cho tôi món quà ấy thì tôi không thể không nhận. Và khi đã nhận rồi thì mình phải có trách nhiệm đối với mọi người” (3).

Với trách nhiệm dấn thân của một người nghệ sĩ trước “vận nước điêu linh”, “dân mình phận long đong” vì chiến tranh, Trịnh Công Sơn đã tận hiến cho đời một nguồn suối nhạc hòa bình tuôn trào dường như bất tận, một nguồn suối làm dịu mát lòng người trong lửa đỏ chiến tranh, một nguồn suối hòa cùng sông lớn để tưới tắm cho những “Cánh đồng hòa bình” ngày mai.

Để có ngày hòa cùng sông lớn, nguồn suối đó đã phải vượt qua bao ghềnh thác cheo leo, hiểm trở: Trịnh Công Sơn đã phải vượt qua bao chông gai nghiệt ngã trong đời và trong nghệ thuật. Có khi Trịnh Công Sơn phải uống thuốc diamox làm rút bớt nước trong các tế bào đi để giảm cân, tránh phải cầm súng bắn vào “anh em”: “Đời tôi ngốc dại, tự làm khô héo tôi đây” (Chiếc lá thu phai), có khi:“Đường chạy vòng quanh một vòng tiều tụy” (Một cõi đi về), “Tiến thoái lưỡng nan, đi về lận đận, ngày xưa lận đận, không biết về đâu” (Tiến thoái lưỡng nan).

“Nối vòng tay lớn”được Trịnh Công Sơn hát trên Đài Phát thanh Sài Gòn ngày đất nước hòa bình, thống nhất 30/4/1975 là một kiệt tác đã ra đời từ năm 1968, nghĩa là rất sớm. Điều lạ lùng là nhiều ca khúc về hòa bình nổi tiếng của Trịnh Công Sơn đã được sáng tác trong các năm 1967, 1968 như: “Chờ nhìn quê hương sáng chói”, “Cánh đồng hòa bình”, “Đồng dao hòa bình”, “Ta thấy gì đêm nay”, “Dựng lại người dựng lại nhà”...

Từ năm 1968, với ca khúc “Nối vòng tay lớn”, Trịnh Công Sơn đã cảm nhận:“Từ Bắc vô Nam nối liền nắm tay”, với ca khúc “Ta thấy gì đêm nay”, Trịnh Công Sơn đã tỏ nghe: “Rừng núi loan tin đến mọi miền, gió hòa bình bay về muôn hướng, ngày vui con nước trôi nhanh”. Rõ ràng, đấy là những ca khúc đầy tiên cảm về hòa bình.

Vì sao nhạc Trịnh có niềm tiên cảm sâu xa này? Vì nhạc Trịnh bén rễ sâu vào nguồn mạch dân tộc. Vì lời ca đó bắt nguồn từ “Ca dao mẹ”, từ “Lời mẹ ru”: “Ru con khôn lớn (í... a... ), con Rồng Rồng Tiên”. Vì lời ca đó bắt nguồn từ niềm tự hào về linh khí Tiên Rồng, về truyền thống nước Việt, một “quê hương thần thoại”. Linh khí đó, truyền thống đó được bảo bọc, được truyền đời từ thế hệ này sang thế hệ khác, qua trái tim lớn lao của người mẹ: “Mẹ dạy cho con tiếng nói quê hương” (Ca dao mẹ).

Vì lời ca đó thấu rõ sức mạnh đoàn kết bất diệt của dân tộc mà không một thế lực nào, đạn bom, khí giới, lòng tham nào tiêu diệt nổi. Sức mạnh đó là sức mạnh di truyền trong màu da, trong dòng máu. Sức mạnh đó truyền đi trên màu Da Vàng nắng rọi:“Hôm nay nắng lạ lùng rọi ấm trên da vàng trên da thơm” (Đồng dao hòa bình). Sức mạnh đó trào sôi trong máu: “Dòng máu nối con tim đồng loại” (Nối vòng tay lớn), “Dòng máu anh em đã nhuộm mặt trời” (Ta thấy gì đêm nay). Sức mạnh đó kết nối trong tay: “Bàn tay ta nắm, nối tròn một vòng Việt Nam”(Nối vòng tay lớn). Bao nhiêu ý nghĩa chất chứa trong chữ nắm này: “nắm” để xóa chia cắt, “nắm” để không phân ly, “nắm” để nối lòng người thống nhất.

Những cội nguồn cảm hứng trên đây là cơ sở của niềm tin chắc chắn về tương lai hòa bình trong nhạc Trịnh. Trong ca khúc “Ngày trở về” của Phạm Duy, có hình ảnh người mẹ lòa đôi mắt vì khắc khoải đợi chờ người con thương binh trở về: “Mẹ lần mò, ra trước ao, nắm áo người xưa, ngỡ trong giấc mơ, tiếc rằng ta đôi mắt đã lòa vì quá đợi chờ”.

Còn người mẹ trong nhạc Trịnh đợi chờ với đôi mắt không mờ mà được thắp sáng bởi niềm tin hòa bình: “Chờ nhìn quê hương sáng chói mắt mẹ ngày nay chưa mờ” (ca khúc “Chờ nhìn quê hương sáng chói”, sáng tác năm 1967). Không chỉ tiên cảm về hòa bình, nhạc Trịnh còn tiên cảm về những vấn đề “sau hòa bình”, thể hiện một cái nhìn sâu xa, dài hạn, vượt trước hiện thực.

“Sau hòa bình” là việc phải lo hàn gắn vết thương chiến tranh, vết thương trên mặt đất, vết thương trong thịt da và cả vết thương trong lòng người: “Những ngón tay thơm nối tật nguyền, nối cuộc tình, nối lòng đổ nát, bàn tay đi nối anh em” (Ta thấy gì đêm nay).

“Sau hòa bình” là chuyện dựng xây lại Việt Nam, dựng xây đời mới, dựng lại người, dựng lại nhà: “Dựng nhà mới trên đổ nát này, dựng đời mới trong nụ cười... Người đi lên bàn tay hăng, nhà lớp lớp lớn trên Việt Nam”(Dựng lại người dựng lại nhà), “Dựng tình người trong ngày mới” (Nối vòng tay lớn). Dựng lại người, dựng lại nhà là hai việc lớn phải làm cùng lúc, nhưng không phải ngẫu nhiên mà Trịnh Công Sơn đặt việc “dựng lại người” lên trước việc “dựng lại nhà” (như tên ca khúc “Dựng lại người dựng lại nhà” đã thể hiện điều đó).

Bởi vì người là nhân tố quyết định, bởi vì người mới sẽ làm nên nhà mới, đời mới và nước mới. Bởi vì dựng nhà trên đổ nát là khó, nhưng dựng người qua đau thương, cắt chia càng khó hơn. Với thời gian, những vết thương trên mặt đất đã lành lặn dần nhờ công cuộc tái thiết, những vết thương trong thịt da đã thành sẹo nhờ băng bó thương đau, nhưng còn những vết thương chiến tranh trong lòng người đang gọi đời hóa giải? “Sau hòa bình” là chuyện “dựng tình người”, lấy tình thương để hòa hợp, hòa giải dân tộc: “Ta cùng lên đường, đi xây lại tình thương, lòng mẹ ta xưa kia bao la như Thái Bình Dương, những đứa con là sông, mừng hôm nay xóa hết căm hờn”(Dựng lại người dựng lại nhà).

Hòa giải, hòa hợp dân tộc là chuyện dân tộc ta đã làm có hiệu quả trong thời chiến. Nhạc Trịnh đã cất cao tiếng ca thống thiết, thúc giục điều này. Và ngày 30/4/1975 không có chuyện “Sài Gòn tử thủ” mà chỉ có tiếng gọi hòa hợp, hòa giải dân tộc được truyền đi trên Đài Phát thanh Sài Gòn. Qua đài này, người ta nghe Tổng thống Dương Văn Minh nói lời đầu hàng và sau đó, nghe giọng Trịnh Công Sơn cùng nhiều người hòa ca, gõ nhịp hát “Nối vòng tay lớn”: “Mặt đất bao la anh em ta về gặp nhau mừng như bão cát quay cuồng trời rộng”.

“Hậu” 30/4/1975 không có chuyện “Sài Gòn tắm máu”. Vậy việc hóa giải những tang thương, đổ vỡ do chiến tranh gây nên trong lòng người rất cần được tiếp tục, không được lãng xao, không để đứt gãy. Phép hóa giải đó đâu cần đến phép thần thông siêu nhiên nào mà rất đơn giản và gần gũi như nhạc Trịnh đã hát: “Bàn tay ta nắm”, “nối liền nắm tay”.

“Sau hòa bình” là tự do, điều đó nằm trong mạch nghĩ lô gíc, xuyên suốt của nhạc Trịnh: “Chờ nghe từ đất dậy tiếng ca tự do” (Chờ nhìn quê hương sáng chói). Nhưng hòa bình chỉ mới là điều kiện cần, điều kiện đủ là để có tự do thì phải chủ động, đồng lòng, đồng sức xây nền: “Ta cùng lên đường, đi xây lại tự do”(Dựng lại người dựng lại nhà). Và để có nền hòa bình, tự do bền vững, phải có trái tim và khát vọng dựng nước mạnh giàu, thoát khỏi thân phận nhược tiểu: “Dựng người mới như cây sang mùa, người vượt tới những trời xa” (Dựng lại người dựng lại nhà), “Hai mươi năm chờ đợi đã lâu, nay sức sống tràn về mạch máu, nuôi tim mẹ nuôi tim cha, nuôi tim nhau nuôi đất nước thật giàu” (Đồng dao hòa bình). “Sau hòa bình”, ngoài niềm tiên cảm về việc xây lại tự do, xây lại tình thương, dựng người mới, xây “nhà lớp lớp lớn trên Việt Nam”, điều đặc biệt là Trịnh Công Sơn đã sớm tiên cảm đến lạ lùng về cái điều mà giờ đây gọi là “hội nhập quốc tế”:“Trên cánh đồng hòa bình này, mặt trời yên vui lên đỏ chói, ngày Việt Nam đã qua cơn đau dài, triệu trái tim người cùng nhịp vui với con tim nhân loại” (Cánh đồng hòa bình). Hội nhập với “nhịp vui”, tức là hội nhập với một tâm thế chủ động, vững vàng, lạc quan. Và hội nhập sâu, tức là “cùng nhịp” với nhân loại vậy, khi đã vượt lên rào cản, vượt qua lộ trình.

...................................................

(1) Nguyễn Hữu Thái, Chuyện ít biết về ngày giải phóng Sài Gòn 30/4/1975, NXB Lao Động, Hà Nội, 2013, tr. 128, 129.

(2) Nguyễn Hữu Thái, sđd, tr. 130.

(3) Một cõi Trịnh Công Sơn, NXB Thuận Hóa, Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông Tây, 2002, tr. 518, 519.

Nguyễn Hoàn

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/trinh-cong-son-voi-niem-tien-cam-sau-hoa-binh-185790.htm