Trình diễn áp dụng một số giống lúa chất lượng cao

Đây là nội dung hội thảo mô hình do Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bình Thuận tổ chức tại xã Nam Chính, huyện Đức Linh vào ngày 15/4 với sự tham dự của một số đơn vị chuyên môn tại địa phương và 40 hộ nông dân trồng lúa trên địa bàn xã.

Theo đó, mô hình được thực hiện với quy mô 6 ha/4 hộ tham gia. Các giống lúa sử dụng trong mô hình là NVP79, OM 380, Lộc Trời 4 và OM 18, thời gian thực hiện từ tháng 12/2024 đến tháng 4/2025.

Nông dân tham quan tại mô hình.

Nông dân tham quan tại mô hình.

Tham gia mô hình, nông dân được tập huấn các biện pháp kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất lúa như áp dụng gieo sạ bằng bình phun; tưới nước ướt khô xen kẽ. Đồng thời, áp dụng quy trình kỹ thuật “1 phải 6 giảm”: phải sử dụng giống xác nhận, giảm lượng giống, giảm phân bón, giảm thuốc bảo vệ thực vật, giảm lượng nước tưới, giảm thất thoát sau thu hoạch; tăng cường sử dụng phân hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học. Riêng nguồn nước tưới chủ động nên tùy vào tình hình thời tiết, mùa vụ, sinh trưởng của cây, các hộ tiến hành điều tiết nước phù hợp.

Tại hội thảo, nông dân được tham quan mô hình tại hộ ông Lê Văn Hiển, khu vực Cầu Nghìn, thôn 5, xã Nam Chính. Kết quả sản xuất tại mô hình này cho thấy, nhờ áp dụng quy trình điều tiết nước khô ướt xen kẽ cây lúa sinh trưởng phát triển tốt bộ rễ ăn sâu, hạn chế đổ ngã khi gặp điều kiện bất lợi. Mặt khác, việc giữ ruộng khô một số giai đoạn không cần nước cũng góp phần giảm bớt lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, hạn chế biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, do sạ mật độ thưa (12 kg/ sào) so với lượng giống bình quân của bà con trên vùng (25 – 30 kg/ sào), nên mật độ cây thấp hơn nhưng số hạt/ bông cao, hạt to, tỷ lệ chắc cao và khả năng thu hồi gạo cao hơn.

Giống lúa áp dụng trong mô hình đạt hiệu quả.

Giống lúa áp dụng trong mô hình đạt hiệu quả.

Theo đánh giá của Trung tâm Khuyến nông tỉnh, năng suất ước lượng lần lượt của các giống là: OM 380 khoảng 76,49 tạ/ ha; Lộc Trời 4 khoảng 75,44 tạ/ ha và 2 giống còn lại là NVP 79 và OM 18 khoảng 72 tạ/ ha.

Mô hình đã giúp nông dân xã Nam Chính bước đầu áp dụng theo quy trình sản xuất “1 phải 6 giảm”, cách quản lý đồng ruộng, bảo vệ môi trường, từng bước hình thành vùng sản xuất tập trung, góp phần nâng cao thu nhập, ổn định đời sống. Cùng với đó, tiết kiệm 50 - 60% lượng giống so với sản xuất đại trà và bổ sung 2 loại giống lúa mới OM 380 và Lộc Trời 4 vào cơ cấu giống để bà con lựa chọn.

Nông dân tham gia hội thảo.

Nông dân tham gia hội thảo.

Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết, thông qua mô hình nhằm chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới như sạ lan bằng máy, phun thuốc bằng máy bay trong sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, tạo ra sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng; thân thiện với con người, môi trường. Cùng với đó, quy hoạch những vùng sản xuất lúa tập trung, sử dụng những giống lúa chất lượng cao trên một xứ đồng hướng tới hình thành vùng lúa thương phẩm chất lượng cao tập trung, đảm bảo đầu ra ổn định cho người sản xuất thông qua việc ký kết hợp đồng sản xuất.

Cán bộ kỹ thuật giới thiệu mô hình đến nông dân xã Nam Chính.

Cán bộ kỹ thuật giới thiệu mô hình đến nông dân xã Nam Chính.

Được biết, Đức Linh là một trong những huyện trọng điểm canh tác lúa của tỉnh với tổng diện tích canh tác 21.984 ha/năm. Trong đó, Nam Chính là xã có diện tích sản xuất lúa lớn nhất của huyện, với diện tích trên 6.150 ha/năm và năng suất trung bình 63,67 tạ/ ha. Tuy nhiên, từ trước đến nay bà con vẫn còn giữ phương pháp canh tác truyền thống, sử dụng một số loại giống lúa nhiều năm liên tục trên cánh đồng, dẫn đến lúa dễ nhiễm sâu bệnh, năng suất thấp, lượng giống gieo sạ 25 – 35 kg/sào, chưa áp dụng đồng bộ cơ giới hóa vào trong sản xuất nên năng suất, chất lượng chưa đạt được như mong muốn.

KIỀU HẰNG

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/trinh-dien-ap-dung-mot-so-giong-lua-chat-luong-cao-129443.html