Chuyên gia bàn về vấn đề bồi thường thiệt hại khi xảy ra sự cố hạt nhân, bức xạ
Hiện nay khi xảy ra sự cố hạt nhân sẽ có hai loại bồi thường cần xem xét tới là thiệt hại về bức xạ và thiệt hại về hạt nhân.
Chiều 18-4, Viện pháp luật Quốc tế và So sánh, Trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG TP.HCM, tổ chức tọa đàm "Hoàn thiện khung pháp luật về bồi thường thiệt hại trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử".
Ông Đinh Ngọc Quang, Trưởng Phòng Pháp chế và Hợp tác quốc tế, Cục An toàn bức xạ và hạt nhân, Bộ Khoa học và Công nghệ, cho biết tại Việt Nam hiện nay có lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt do Hoa Kỳ tài trợ. Tính từ mốc thời gian 1984 đến nay lò phản ứng này vẫn hoạt động an toàn, hiệu quả phục vụ nghiên cứu và sản xuất đồng vị phóng xạ cung cấp cho y học hạt nhân.
Mới đây nhất, ngày 19-2-2025, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 174 về một số cơ chế, chính sách đặc biệt đầu tư xây dựng dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận.
Cũng theo ông Quang ở Việt Nam hiện tại có khoảng 3.700 nguồn phóng xạ; 4.000 thiết bị phát bức xạ và hơn 9.000 máy phát tia X đang được sử dụng trong nhiều lĩnh vực.

Các chuyên gia đề xuất Việt Nam sớm tham gia các công ước Quốc tế để thể hiện trách nhiệm với cộng đồng quốc tế trong lĩnh vực hạt nhân nguyên tử. Ảnh: MINH TRÍ
Về các văn bản pháp luật trong lĩnh vực này, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 30 quyết định các loại. Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành 45 Thông tư về nhiều vấn đề như: An toàn bức xạ; an toàn hạt nhân; an toàn vận chuyển vật liệu phóng xạ;...
Một trong những vấn đề được các chuyên gia quan tâm trao đổi, thảo luận đó là vấn đề bồi thường thiệt hại hạt nhân.
TS Đào Gia Phúc, Viện trưởng Viện Pháp luật Quốc tế và So sánh, Trường Đại học Kinh tế - Luật, cho biết trên thế giới hiện nay có ba loại công ước là Vienna, Paris và CSC. Tùy định hướng, chiến lược phát triển năng lượng hạt nhân của từng quốc gia mà sẽ tham gia một hoặc nhiều công ước. Hiện Việt Nam vẫn chưa tham gia công ước nào trong ba công ước nêu trên.
Về các loại thiệt hại được bồi thường có hai loại đó là thiệt hại về bức xạ và thiệt hại về hạt nhân.

Tọa đàm thu hút được đông đảo sinh viên, nghiên cứu sinh tham dự. Ảnh: MINH TRÍ
Theo PGS.TS. Đoàn Thị Phương Diệp, Trưởng Phòng Phòng Thanh tra Pháp chế, Trường Đại học Kinh tế - Luật, hiện nay Luật Năng lượng nguyên tử năm 2008 quy định: Thiệt hại bức xạ/hạt nhân là tổn thất đối với con người, tài sản, môi trường do sự cố bức xạ/sự cố hạt nhân gây ra, bao gồm cả chi phí cho khắc phục hậu quả.
Mức bồi thường xác định trên cơ sở thỏa thuận của các bên, theo quy định của pháp luật về dân sự. Tổng mức bồi thường thiệt hại đối với mỗi sự cố hạt nhân xảy ra tại nhà máy điện hạt nhân không vượt quá 150 triệu SDR, đối với sự cố xảy ra tại các cơ sở hạt nhân khác và sự cố do vận chuyển vật liệu hạt nhân không vượt quá 10 triệu SDR.
Trong đó, SDR là đơn vị tiền tệ do Quỹ tiền tệ quốc tế xác định, là quyền rút vốn đặc biệt, được quy đổi thành tiền Việt Nam theo tỷ giá tại thời điểm thanh toán bồi thường
Tuy nhiên, dự thảo Luật năng lượng nguyên tử mới nhất đã quy định mức bồi thường thiệt hại hạt nhân phù hợp với quy định tại điều ước quốc tế về trách nhiệm dân sự đối với thiệt hại hạt nhân mà Việt Nam tham gia.
Từ đề xuất mới này trong dự thảo, TS Đào Gia Phúc cho rằng Việt Nam cần sớm tham gia công ước quốc tế về năng lượng nguyên tử để thể hiện trách nhiệm quốc tế cũng như vai trò tiên phong, trở thành quốc gia đầu tiên trong ASEAN có nhà máy điện hạt nhân. Đồng thời để cụ thể hóa mức bồi thường tối thiểu theo chuẩn quốc tế.
PGS.TS. Đoàn Thị Phương Diệp cũng băn khoăn về việc áp dụng các quy định của bộ luật dân sự để xác định bồi thường thiệt hại trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân sẽ có nhiều điểm cần phải quan tâm. Ví dụ như thiệt hại mà sự cố bức xạ, hạt nhân khi xảy ra ảnh hưởng tới sức khỏe của con người nhưng thiệt hại về sức khỏe này có thể kéo dài âm ỉ hàng chục năm gây khó khăn trong việc chứng minh mức độ thiệt hại xảy ra. Hay như bộ luật dân sự có quy định về việc loại trừ trách nhiệm bồi thường trong trường hợp bất khả kháng, thiên tai, chiến tranh... thì vấn đề bồi thường thiệt hại hạt nhân/bức xạ cũng cần quy định các trường hợp loại trừ trách nhiệm.
Về chủ thể phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, TS Lê Chí Dũng, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, cho rằng theo thông lệ quốc tế thì tổ chức được cấp phép vận hành cơ sở hạt nhân sẽ là chủ thể đứng ra chịu trách nhiệm bồi thường khi xảy ra sự cố hạt nhân. Hoặc tổ chức được cấp phép đủ điều kiện vận chuyển năng lượng hạt nhân sẽ là đơn vị đứng ra chịu trách nhiệm bồi thường.
Về thẩm quyền giải quyết các yêu cầu bồi thường, theo các chuyên gia, dự thảo hiện nay quy định TAND cấp tỉnh nơi xảy ra sự cố hạt nhân là nơi tiếp nhận và xử lý hồ sơ khởi kiện bồi thường thiệt hại hạt nhân theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự và pháp luật năng lượng nguyên tử. Với quy định này được thông qua thì tương lai TAND Tối cao cũng cần có kế hoạch để nâng cao trình độ, chuyên môn cho đội ngũ thẩm phán để giải quyết các vấn đề liên quan đến bồi thường thiệt hại trong lĩnh vực hạt nhân.
Trong bối cảnh Việt Nam cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050, điện hạt nhân được xem là một giải pháp quan trọng nhờ vào khả năng cung cấp năng lượng ổn định, hiệu suất cao và không phát thải khí CO2.
Tuy nhiên, để phát triển ngành năng lượng nguyên tử phát triển một cách bền vững, việc xây dựng một hành lang pháp lý toàn diện về an toàn hạt nhân và chế định bồi thường thiệt hại khi có sự cố do năng lượng nguyên tử gây ra là điều cần thiết.