Trình độ học vấn cao hơn giúp bảo vệ sức khỏe đường ruột

Nghiên cứu mới cho thấy những lợi ích của giáo dục cũng có thể bảo vệ sức khỏe đường ruột.

 Các rối loạn đường ruột phổ biến bao gồm hội chứng ruột kích thích, bệnh viêm ruột và bệnh trào ngược dạ dày thực quản. Ảnh: Familymedicineaustin.

Các rối loạn đường ruột phổ biến bao gồm hội chứng ruột kích thích, bệnh viêm ruột và bệnh trào ngược dạ dày thực quản. Ảnh: Familymedicineaustin.

Trước đây, Trung tâm Y học của ĐH Edith Cowan (Australia) đã phát hiện ra mối quan hệ di truyền giữa sức khỏe đường ruột và bệnh Alzheimer.

Nghiên cứu này đã tạo ra một bước tiến mới, bằng cách phát hiện ra người trình độ học vấn cao hơn giúp bảo vệ chống lại các bệnh về rối loạn đường ruột, theo SciTechDaily.

Giáo sư Simon Laws, giám sát nghiên cứu, cho biết những phát hiện này dựa trên nghiên cứu trước đây của trung tâm nhằm cung cấp thêm bằng chứng về mối liên hệ chặt chẽ giữa ruột và não.

“Rối loạn đường ruột và bệnh Alzheimer's không chỉ có chung khuynh hướng di truyền, nó có thể chịu ảnh hưởng tương tự từ các biến thể di truyền làm nền tảng cho trình độ học vấn", giáo sư Laws cho biết.

Nghiên cứu quy mô lớn này đã kiểm tra thông tin di truyền của hơn 766.000 cá nhân, tập trung vào AD, đặc điểm nhận thức và rối loạn đường ruột, bao gồm bệnh loét dạ dày tá tràng, bệnh trào ngược dạ dày thực quản, hội chứng ruột kích thích, viêm túi thừa và viêm ruột.

Nghiên cứu cho thấy chức năng nhận thức và trình độ học vấn cao hơn sẽ làm giảm nguy cơ rối loạn đường ruột.

Tiến sĩ Emmanuel Adewuyi, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết nỗ lực trong giáo dục, bao gồm nâng cao trình độ học vấn hoặc tăng thời gian đi học, có thể giúp giảm nguy cơ rối loạn đường ruột.

Những chính sách nhằm nâng cao trình độ học vấn hoặc đào tạo nhận thức có thể góp phần nâng cao mức độ thông minh. Điều này có thể dẫn đến kết quả sức khỏe tốt hơn, bao gồm giảm nguy cơ rối loạn đường ruột.

Mối liên hệ giữa ruột và não

Ruột và não có mối liên kết về nội tiết tố, miễn dịch và thần kinh. Chúng thông qua hệ thần kinh trung ương và hệ thần kinh ruột chi phối chức năng của ruột. Nói chung, chúng được gọi bằng thuật ngữ “hệ trục não-ruột”.

GERD có thể là yếu tố nguy cơ gây suy giảm nhận thức. Ảnh: BBC.

GERD có thể là yếu tố nguy cơ gây suy giảm nhận thức. Ảnh: BBC.

Nghiên cứu của ĐH Edith Cowan tiết lộ thêm ruột cũng có thể ảnh hưởng đến não. Bằng chứng cho thấy bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD) gây ra sự suy giảm chức năng nhận thức thông qua một số đặc điểm được đánh giá trong nghiên cứu, chẳng hạn trí thông minh, hiệu suất nhận thức và trình độ học vấn.

Đây là nghiên cứu đầu tiên báo cáo phát hiện này, nhưng kết quả hỗ trợ nghiên cứu gần đây báo cáo tỷ lệ mắc chứng mất trí nhớ và GERD gia tăng.

GERD có thể là yếu tố nguy cơ gây suy giảm nhận thức. Vì vậy, điều quan trọng đối với nhân viên y tế là tìm kiếm các dấu hiệu hoặc triệu chứng của rối loạn chức năng nhận thức ở những bệnh nhân mắc chứng rối loạn đường ruột. Điều này có thể sớm phát hiện tình trạng bệnh và có các biện pháp can thiệp kịp thời.

Trường hợp của IBD

Dù các nhà nghiên cứu đã chứng minh được học vấn càng cao càng ít bị rối loạn đường ruột, họ khám phá ra rằng học vấn cao lại không thể làm giảm bệnh viêm ruột (IBD).

Phân tích sâu hơn cho thấy các tác động khác nhau của IBD đối với các đặc điểm nhận thức và AD ở các vị trí bộ gen khác nhau, cho thấy mối quan hệ của nó phụ thuộc vào các tác động tại các vị trí cụ thể trên bộ gen.

Hiểu biết mới này có thể giải thích sự thiếu tương quan di truyền đáng kể của IBD với các đặc điểm nhận thức và AD, cũng như sự không nhất quán được báo cáo trong các nghiên cứu quan sát trước đây.

Tiến sĩ Adewuyi cho biết phát hiện này cũng rất quan trọng vì nó mang lại cái nhìn sâu sắc mới về mối quan hệ của IBD với các đặc điểm nhận thức (và AD), điều này có thể định hình hướng nghiên cứu trong tương lai.

"Ví dụ, một số gene nguy cơ đối với AD có thể bảo vệ chống lại IBD và ngược lại", ông Adewuyi nói.

Lan Anh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/trinh-do-hoc-van-cao-hon-giup-bao-ve-suc-khoe-duong-ruot-post1401959.html