Trình làng các thiết kế thảm họa - Gucci đang ngày càng xuống cấp?
Giám đốc sáng tạo Alessandro Michele đã kết hợp kiểu váy baby doll cùng quần jeans rách đậm tinh thần Grunge cho bộ sưu tập lần này.
BST mới nhất của Gucci bị chê thảm họa
Tại Tuần lễ thời trang Milan, Gucci là thương hiệu duy nhất tạo ra luồng tranh cãi với BST Thu - Đông 2020 dành cho nam giới. Cụ thể, nhiều người cho rằng thương hiệu Italy ngày càng làm mất đi vẻ sang trọng vốn có với tinh thần cổ điển đậm chất Phục Hưng, thay vào đó là những bộ cánh kết hợp nhàm chán, có phần già dặn. Thậm chí, cách giám đốc sáng tạo Alessandro Michele gây chú ý tới giới mộ điệu đến từ việc cho người mẫu nam diện váy bên ngoài, đi kèm quần jeans rách khó hiểu. Không ít người để lại nhận xét: "Gucci đang hết ý tưởng cho BST lần này, không còn biết sáng tạo điều gì khác nhằm thu hút sự chú ý của người xem nên phải cho mẫu nam mặc váy của nữ".
Ý nghĩa của chữ viết nguệch ngoạc và hình ảnh mẫu nam mặc váy
Alessandro Michele đã đảm nhận vị trí thuyền trưởng "đoàn tàu" mang tên Gucci từ năm 2015 đến nay. Thẩm mỹ về tinh thần cổ điển giúp thương hiệu Italy vực dậy và vượt qua khủng hoảng mà cựu giám đốc sáng tạo Frida Giannini để lại. Trong show diễn kỷ niệm 5 năm, ông dựng một con lắc khổng lồ đung đưa giữa biển cát nhằm gợi nhớ về sự khó khăn hãng phải trải qua rồi từ đó hướng đến tương lai tốt đẹp hơn. Vì thế, Gucci sử dụng chữ viết nguệch ngoạc đánh dấu ngày sinh nhật của cậu bé Michele với loạt thiết kế gợi nhắc tuổi thơ của mỗi người như váy baby doll, cổ áo peter pan, áo len thêu màu sắc hay phụ kiện hộp đựng sữa... Riêng hình ảnh mẫu nam mặc váy chính là hướng đi mới của thương hiệu nhằm tôn vinh Kurt Cobain với tinh thần Grunge cùng trang phục mang dấu ấn đậm nét của rocker huyền thoại. Ngoài ra, hãng cũng muốn sử dụng các thiết kế trong BST Thu - Đông 2020 để ngụ ý rằng: "Sự đa dạng nam tính không ràng buộc khuôn mẫu".
Gucci đang dần đánh mất chất riêng?
Không còn vẻ hào nhoáng của những năm 2015, 2016 hay 2017, khán giả chỉ còn nhìn thấy Gucci là sự chán chường, thể hiện rõ trong từng thiết kế. Vẫn là tinh thần cổ điển nhưng đâu đó người xem cảm nhận được sự thụt lùi. Đánh mất vẻ quyền quý của thời kỳ Phục Hưng, thay vào đó là những bộ cánh quá đỗi bình thường như được mua từ phiên chợ bán hàng cũ. Giữa thời đại khách hàng quay về sự tối giản trong thời trang, Gucci đang loay hoay làm thế nào để giữ được tinh thần Maximalism mà vẫn thu hút khách hàng. Tuy nhiên, điều này khiến thương hiệu Italy chìm trong "đại dương" của mình. Michele giống như vận động viên chạy cự ly ngắn sau khoảng thời gian 5 năm sáng tạo nhiều thứ để vực dậy thương hiệu, về lâu dài sẽ không còn đủ sức bền như các tiền bối. Gucci cố gắng chuyển dần từ điểm cực đại qua phong cách Grunge để mong tìm được lối thoát cho bản thân cùng một sự sáng tạo mới mà vẫn giữ được tinh thần vốn có.