Trình Quốc hội cho lùi thời hạn xem xét dự án Luật Đất đai (sửa đổi)
Sáng 16-4, tiếp tục chương trình phiên họp thứ mười, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022.
Về đề nghị điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, tại kỳ họp thứ ba, Chính phủ đề nghị bổ sung vào chương trình 3 dự án, dự thảo để trình Quốc hội cho ý kiến, thông qua theo quy trình một kỳ họp, gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu và Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa.
Bên cạnh đó, bổ sung vào chương trình cho ý kiến 3 dự án, gồm: Luật Đường bộ; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Đáng chú ý, Chính phủ đề nghị lùi thời hạn trình dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đến sau thời điểm Trung ương có chủ trương, định hướng, chỉ đạo về đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai làm cơ sở chính trị cho việc sửa đổi dự án Luật. Thời điểm đó, Chính phủ sẽ hoàn thiện dự án Luật để trình Quốc hội.
Thẩm tra nội dung trên, liên quan đến việc Chính phủ đề nghị lùi thời hạn trình Quốc hội dự án Luật Đất đai (sửa đổi) nhưng không đề xuất thời hạn lùi cụ thể, Ủy ban Pháp luật và Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, đây là dự án Luật rất cấp thiết, cần ban hành sớm và đã được đưa vào chương trình từ kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XIV (tháng 5-2019), sau đó phải điều chỉnh nhiều lần, lần này là đề nghị điều chỉnh lần thứ tư.
“Lý do của Chính phủ đề nghị lùi thời hạn trình là đợi Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương xem xét tổng kết Nghị quyết số 19-NQ/TƯ (khóa XI) không phải là vấn đề mới, khi Quốc hội xem xét đưa dự án vào chương trình cũng đã cân nhắc vấn đề này. Do đó, các cơ quan của Quốc hội đề nghị chỉ nên lùi một kỳ họp để trình Quốc hội cho ý kiến về dự án luật này tại kỳ họp thứ tư và vẫn xem xét, thông qua theo quy trình tại ba kỳ họp như Quốc hội đã quyết định”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng nói.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cũng cho rằng, trong mối quan hệ giữa Luật Đất đai và Luật Đấu thầu thì việc đấu thầu, đấu giá các dự án sử dụng đất trong Luật Đất đai có liên quan chặt chẽ với Luật Đấu thầu. Do đó, khi lùi sửa đổi Luật Đất đai thì cũng xin lùi sửa đổi Luật Đấu thầu để bảo đảm tính chặt chẽ.
Báo cáo thêm về việc lùi dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho biết, Bộ được phân công chủ trì phối hợp cùng các bộ, ngành, địa phương xây dựng Luật Đất đai (sửa đổi) từ năm 2021. Đến nay, cơ bản đã xây dựng và hoàn thiện các dự thảo luật, tờ trình, rà soát các văn bản pháp luật có liên quan, báo cáo tổng kết thi hành Luật Đất đai năm 2013, báo cáo đánh giá tác động các chính sách dự kiến sửa đổi, bổ sung.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, cần thiết có nghị quyết của Trung ương tổng kết Nghị quyết số 19-NQ/TƯ (khóa XI) làm cơ sở chính trị cho việc sửa đổi dự án luật và là căn cứ quan trọng trong công tác lấy ý kiến, thẩm định và trình Quốc hội.
Thảo luận về vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, Luật Đất đai (sửa đổi) là dự án rất cấp thiết, vì vậy, chỉ nên lùi dự án luật này một kỳ họp, vì tháng 5-2022, dự kiến Trung ương Đảng cho ý kiến, ban hành Nghị quyết nên đến tháng 10-2022, Chính phủ phải trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu; tháng 5-2023, Quốc hội thảo luận lần thứ hai.
“Phải bố trí xem xét, thảo luận, thông qua dự án luật này tại 3 kỳ họp vì đây là luật quan trọng, mà luật này có thể còn phải lấy kiến nhân dân”, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nói.
Phát biểu tại phiên họp, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đồng tình lùi dự án Luật Đất đai (sửa đổi) một kỳ họp, trình Quốc hội về việc này ở kỳ họp thứ tư như đề xuất của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, về xây dựng dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Đảng đoàn Quốc hội đã làm việc với Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết số 19-NQ/TƯ của Trung ương. Sau kỳ họp thứ nhất, Đảng đoàn Quốc hội cũng đã làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường đối với lĩnh vực này. “Cho nên lần này phải quyết tâm, không thể nào lùi được nữa”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất trình Quốc hội xem xét việc lùi dự án Luật Đất đai (sửa đổi) một kỳ họp, từ kỳ họp thứ ba sang kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV.