Trình Quốc hội cơ chế đặc thù thống nhất cho tất cả các dự án đường sắt trước 5-5

Nhấn mạnh thời hạn khởi công 2 dự án đường sắt lớn không đổi, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan sớm hoàn thiện Nghị quyết thống nhất các cơ chế đặc thù cho tất cả dự án đường sắt.

Sáng 26-4, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo các công trình trọng điểm, dự án quan trọng quốc gia lĩnh vực đường sắt, chủ trì phiên họp thứ hai của Ban Chỉ đạo.

 Thủ tướng nhấn mạnh mục tiêu khởi công dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng trong năm 2025 và khởi công tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam trong năm 2026, là không đổi. Ảnh: VGP

Thủ tướng nhấn mạnh mục tiêu khởi công dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng trong năm 2025 và khởi công tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam trong năm 2026, là không đổi. Ảnh: VGP

Các bộ, công ty đường sắt gấp rút xây dựng văn bản

Báo cáo tại phiên họp, cho biết Bộ Xây dựng đã trình Chính phủ ban hành Nghị quyết triển khai Nghị quyết số 172 của Quốc hội và được Chính phủ thông qua; Bộ cũng đã trình Chính phủ dự thảo Nghị quyết triển khai Nghị quyết số 187 của Quốc hội, Văn phòng Chính phủ đang lấy ý kiến của các thành viên Chính phủ.

Bộ NN&MT đang xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156 trong đó bổ sung quy định việc tạm sử dụng rừng và hoàn trả rừng để thực hiện thi công công trình tạm phục vụ dự án.

Bộ KH&CN đang xây dựng Nghị định quy định phát triển khoa học, công nghệ đường sắt và quy định chi tiết về việc nghiên cứu, ứng dụng, nhận chuyển giao công nghệ.

Bộ Tài chính đã hoàn thiện thủ tục, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt đề xuất dự án Tuyến số 3, đoạn ga Hà Nội - Yên Sở (Hoàng Mai) theo đề nghị của UBND TP Hà Nội; đã có ý kiến về việc dừng sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài đối với dự án đường sắt đô thị TP.HCM, Tuyến số 2 đoạn Bến Thành - Tham Lương và điều chỉnh nguồn vốn cho dự án.

Bộ Tài chính đang chỉ đạo, tổ chức lập, hoàn thiện Đề án tái cơ cấu Tổng công ty Đường sắt. Bộ cũng đang thực hiện nhiệm vụ trình Thủ tướng thành lập Hội đồng thẩm định Nhà nước trong tháng 4 để tiến hành thẩm định cùng với lập Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.

Tổng công ty Đường sắt đang lập hồ sơ dự án Tổ hợp công nghiệp đường sắt; có văn bản gửi Bộ Xây dựng đề xuất cơ chế đặc thù, đặc biệt đẩy nhanh tiến độ dự án; UBND TP. Hà Nội nghiên cứu xem xét quyết định theo thẩm quyền hướng dẫn, hoàn thiện các thủ tục giao đất cho Tổng công ty để xây dựng tổ hợp này.

Cũng tại cuộc họp, các đại biểu đã báo cáo về tình hình thực hiện các dự án: 3 tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Lạng Sơn và Hải Phòng - Móng Cái; tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam; các dự án đường sắt đô thị Hà Nội và TP.HCM.

Thời hạn khởi công 2 dự án đường sắt lớn không đổi

Phát biểu kết luận, về nhiệm vụ tổng thể, Thủ tướng yêu cầu, tập trung triển khai đồng bộ các dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, các tuyến đường sắt tại Hà Nội và TP.HCM.

 Thủ tướng yêu cầu huy động đa dạng các nguồn vốn để triển khai các dự án. Ảnh: VGP

Thủ tướng yêu cầu huy động đa dạng các nguồn vốn để triển khai các dự án. Ảnh: VGP

Thủ tướng nêu rõ mục tiêu không thay đổi là phải khởi công dự án Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng trong năm 2025 và khởi công tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam trong năm 2026.

Về vốn, Thủ tướng chỉ đạo huy động đa dạng các nguồn vốn, gồm vốn tự có của Trung ương, địa phương, vốn vay, phát hành trái phiếu của Chính phủ và doanh nghiệp, hợp tác công tư…

Trình Quốc hội các cơ chế đặc thù cho tất cả các dự án đường sắt

Về pháp lý, Thủ tướng giao Bộ Xây dựng, Bộ Tư pháp khẩn trương hoàn thiện Nghị quyết thống nhất các cơ chế đặc thù cho tất cả dự án đường sắt, trình Chính phủ trong tháng 4 và trình Quốc hội trước ngày 5-5.

Với 4 nghị định của Chính phủ, Thủ tướng giao Bộ Xây dựng chủ trì xây dựng Nghị định về thiết kế tổng thể kỹ thuật và các cơ chế đặc thù, đặc biệt; và Nghị định về tiêu chí lựa chọn doanh nghiệp đặt hàng cung cấp dịch vụ, hàng hóa.

Còn Bộ KH&CN chủ trì xây dựng Nghị định về phát triển khoa học công nghệ đường sắt; Bộ NN&MT chủ trì xây dựng Nghị định về tạm sử dụng, hoàn trả rừng. Các nghị định hoàn thành trong tháng 5-2025.

 Thủ tướng yêu cầu hoàn thiện Nghị quyết thống nhất cơ chế đặc thù cho tất cả dự án đường sắt, để trình Chính phủ, trình Quốc hội trước 5-5. Ảnh: VGP

Thủ tướng yêu cầu hoàn thiện Nghị quyết thống nhất cơ chế đặc thù cho tất cả dự án đường sắt, để trình Chính phủ, trình Quốc hội trước 5-5. Ảnh: VGP

Về phát triển công nghiệp đường sắt, phục vụ phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Thủ tướng nêu rõ, phải chuyển giao và làm chủ công nghệ hiện đại; quản trị khoa học, thông minh; đào tạo nhân lực chất lượng cao.

Bộ Xây dựng được giao chủ trì xây dựng Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về danh mục dịch vụ hàng hóa công nghiệp đường sắt, hoàn thành chậm nhất trong nửa đầu tháng 6-2025.

Bộ Công Thương chủ trì xây dựng Đề án về phát triển công nghiệp đường sắt; Bộ GD&ĐT chủ trì xây dựng Đề án về phát triển nguồn nhân lực. Hoàn thành 2 đề án trong quý 2-2025.

Cùng với đó, Thủ tướng yêu cầu phải huy động các tập đoàn, doanh nghiệp Nhà nước và tư nhân có năng lực tham gia các dự án và phát triển công nghiệp đường sắt. Trong đó, Bộ Xây dựng giao các tập đoàn như VNPT, Viettel nghiên cứu tiếp nhận, phát triển hệ thống thông tin, tín hiệu và hệ thống điều khiển của các dự án đường sắt.

Giải phóng mặt bằng cho dự án Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng trong tháng 9

Với dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, tại Nghị quyết số 106 Chính phủ đã chấp thuận kế hoạch, bảo đảm khởi công chậm nhất trong tháng 12-2026, Thủ tướng đề nghị các bộ ngành, địa phương căn cứ các mốc tiến độ để xây dựng kế hoạch.

Với dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục trao đổi, làm việc, thúc đẩy phía Trung Quốc để sớm hoàn thành công tác đàm phán hiệp định vay, đáp ứng tiến độ triển khai Dự án.

Về giải phóng mặt bằng cho các dự án, Thủ tướng nêu rõ, luật, cơ chế, chính sách đã có, các địa phương phải chủ động giải phóng mặt bằng; đặc biệt cần hoàn thành giải phóng mặt bằng cho dự án Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng trong tháng 9 năm nay.

Với các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội, TP.HCM, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu các địa phương vận dụng cơ chế, chính sách đặc thù đã có trong tổ chức thực hiện.

Thủ tướng chỉ đạo UBND TP. Hà Nội và TP.HCM khẩn trương xây dựng kế hoạch chi tiết, tiến độ công việc triển khai các cơ chế chính sách của Nghị quyết số 188 áp dụng cho hai TP và ban hành kế hoạch riêng của mỗi TP.

MINH TRÚC

Nguồn PLO: https://plo.vn/video/trinh-quoc-hoi-co-che-dac-thu-thong-nhat-cho-tat-ca-cac-du-an-duong-sat-truoc-5-5-post846735.html