Trình Quốc hội dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8 Quốc hội Khóa XIV, sáng ngày 11/11, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành nội dung làm việc.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình bày Tờ trình

Trình bày Tờ trình, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, Luật Phòng, chống thiên tai được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 19 tháng 6 năm 2013 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 5 năm 2014. Luật Đê điều được Quốc hội khóa XI thông qua ngày 29 tháng 11 năm 2006 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2007. Luật Phòng, chống thiên tai, Luật Đê điều và các văn bản hướng dẫn các Luật này đã tạo hành lang pháp lý trong công tác phòng chống thiên tai, công tác quản lý đê điều, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước và từng địa phương. Tuy nhiên, trong quá trình thi hành các Luật đã phát sinh một số bất cập, vướng mắc lớn, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung để phù hợp với tình hình hiện nay, cụ thể:

Đối với Luật Phòng, chống thiên tai, một số loại hình thiên tai chưa được quy định trong Luật; lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai tại cấp xã là những nguồn nhân lực quan trọng đang thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai từ trước tới nay nhưng chưa được xác định trong Luật; Quỹ phòng chống thiên tai đã được thành lập và hoạt động theo Luật Phòng, chống thiên tai, nhưng mới chỉ được tổ chức ở cấp tỉnh, chưa có ở Trung ương để xử lý, hỗ trợ cho các địa phương khi có tình huống thiên tai nghiêm trọng xảy ra, đồng thời để tiếp nhận nguồn hỗ trợ, cứu trợ tự nguyện của tổ chức, cá nhân nước ngoài cho công tác ứng phó, khắc phục nhanh hậu quả thiên tai; chưa có quy định về vật tư, phương tiện, trang thiết bị chuyên dùng cho phòng, chống thiên tai; chưa quy định về điều tra cơ bản, kiểm soát an toàn, khoa học và công nghệ phòng chống thiên tai để tạo cơ sở pháp lý cho việc triển khai thực hiện; chưa quy định nguồn lực hỗ trợ từ quốc tế cho hoạt động cứu trợ khẩn cấp, hỗ trợ trung hạn và hỗ trợ dài hạn; chưa quy định thẩm quyền kêu gọi, tiếp nhận và triển khai các khoản hỗ trợ khẩn cấp nước ngoài trong các tình huống khẩn cấp do thiên tai đối với Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai.

Đối với Luật Đê điều, hoạt động nạo vét luồng lạch trong phạm vi bảo vệ đê điều cần phải có ý kiến chấp thuận bằng văn bản của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tăng cường công tác quản lý nhà nước ở trung ương; chưa có quy định việc sử dụng bãi nổi, cù lao nơi chưa có công trình xây dựng và việc xử lý công trình, nhà ở hiện có ở bãi nổi, cù lao nên tạo ra khoảng trống pháp lý trong quá trình thi hành Luật; việc xây dựng cầu qua sông có đê còn vướng mắc trong quá trình thực hiện (đối với dự án xây mới, cải tạo mở rộng cầu cũ tại những vị trí khoảng cách giữa hai tuyến đê lớn); cần sửa đổi quyền hạn của lực lượng chuyên trách quản lý đê điều trong việc xử lý vi phạm pháp luật về đê điều để phù hợp với pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; tên Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương, Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão các cấp tại một số Điều chưa thống nhất, phù hợp với Luật Phòng, chống thiên tai.

Vì vậy, để khắc phục những bất cập, vướng mắc lớn phát sinh trong thực tiễn thi hành 02 Luật này và đảm bảo phù hợp, thống nhất với một số Luật khác thì việc xây dựng và ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều là cần thiết.

Theo Bộ trưởng, mục đích sửa đổi Luật nhằm, tháo gỡ những bất cập phát sinh trong thực tiễn thi hành Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều và đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành; đáp ứng yêu cầu thực tiễn, đồng thời không để phát sinh khoảng trống về pháp lý trong công tác quản lý nhà nước, thực thi pháp luật về phòng, chống thiên tai, và quản lý đê điều. Đồng thời nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối, chính sách đổi mới của Đảng, nhà nước về phòng, chống thiên tai, đê điều; kế thừa những quy định đã phù hợp trong thực tiễn thi hành các luật; bảo đảm tính phù hợp, thống nhất với Hiến pháp và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành; đáp ứng nhu cầu phát triển, hội nhập quốc tế trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai, đê điều; tập trung chủ yếu sửa đổi, bổ sung một số nội dung trong quá trình thực hiện đã bộc lộ những vướng mắc lớn, được tổng kết đánh giá rõ cần thiết phải sửa đổi, bổ sung.

Toàn cảnh Phiên họp

Toàn cảnh Phiên họp

Bộ trưởng cho biết, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều gồm 03 Điều, trong đó: Điều 1 sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Phòng, chống thiên tai. Điều này gồm 23 khoản, sửa đổi, bổ sung tại 19 Điều, bổ sung 03 Điều và sửa tên Chương IV của Luật Phòng, chống thiên tai; Điều 2 sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Đê điều. Điều này gồm 8 khoản, trong đó sửa đổi, bổ sung tại 8 Điều của Luật Đê điều; Điều 3 quy định về Điều khoản thi hành.

Đối với sửa đổi quy định về điều khoản thi hành, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nêu rõ, Dự luật sửa tên “Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai” thành “Ban chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai” để phù hợp với mô hình các nước trong khu vực, thuận lợi trong hợp tác, hội nhập quốc tế tại Luật Phòng, chống thiên tai; Sửa tên “Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn” thành “Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn đề phù hợp với Quyết định 2050/QĐ-TTg ngày 20 tháng 12 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ tại Luật Phòng, chống thiên tai, Luật Tài nguyên, môi trưởng biển và hải đảo; Sửa tên “Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn” thành “Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai, ứng phó sự cố và tìm kiếm cứu nạn” để phù hợp, thống nhất tên gọi từ trung ương xuống địa phương tại Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Thủy sản; Sửa tên “Ban chỉ đạo phòng chống lụt, bão trung ương” thành “Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai” tại Luật Đê điều; Sửa tên “Ban chỉ huy phòng chống lụt, bão” thành “Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai, ứng phó sự cố và tìm kiếm cứu nạn” tại Luật Đê điều./.

Hồ Hương- Nghĩa Đức

Nguồn Quốc Hội: http://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=42811