Trình Quốc hội sửa đổi Hiến pháp, cần tuyên bố kết thúc hoạt động của cấp huyện

Quốc hội nghe tờ trình dự thảo nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp; trong đó cần quy định việc chỉ định các chức danh khi sắp xếp đơn vị hành chính, tuyên bố kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện.

Thay mặt Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp (Ủy ban), sáng nay, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định trình Quốc hội tờ trình dự thảo nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.

Trên cơ sở phạm vi sửa đổi, bổ sung đã được Quốc hội quyết định, Ủy ban xác định dự thảo nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 gồm 2 điều.

Cụ thể, điều 1 gồm 8 khoản sửa đổi, bổ sung một số quy định của Hiến pháp năm 2013 về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQ) và các tổ chức chính trị - xã hội, về ĐVHC và tổ chức chính quyền địa phương. Điều 2 gồm 3 khoản quy định về hiệu lực thi hành và điều khoản chuyển tiếp.

Để làm rõ vai trò cốt lõi của MTTQ Việt Nam, Ủy ban đề nghị sửa đổi, bổ sung quy định về vị trí, chức năng, nguyên tắc tổ chức và hoạt động của MTTQ Việt Nam tại điều 9. Việc này nhằm xác định vị trí của MTTQ Việt Nam là tổ chức trung tâm của khối đại đoàn kết toàn dân; bảo đảm cơ sở pháp lý cho việc sắp xếp tổ chức bộ máy của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội.

Đồng thời, việc này để bảo đảm phù hợp với mô hình tổ chức mới sau khi sắp xếp các tổ chức chính trị - xã hội trực thuộc MTTQ Việt Nam...

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định trình Quốc hội tờ trình dự thảo nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Ảnh: Quốc hội

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định trình Quốc hội tờ trình dự thảo nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Ảnh: Quốc hội

Với Công đoàn Việt Nam (tại điều 10), Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, trên cơ sở kế thừa hợp lý quy định hiện hành của Hiến pháp về vị trí, vai trò của tổ chức này và bảo đảm thống nhất với nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung tại điều 9 của Hiến pháp, Ủy ban đề nghị sửa đổi, bổ sung điều 10 theo hướng "khẳng định Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp công nhân và của người lao động, trực thuộc MTTQ Việt Nam"; bổ sung nhiệm vụ của Công đoàn Việt Nam là đại diện của người lao động ở cấp quốc gia trong quan hệ lao động và quan hệ quốc tế về công đoàn, để phù hợp với bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.

Liên quan đến tổ chức đơn vị hành chính và một số nội dung khác về chính quyền địa phương (tại chương 9), Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết Ủy ban đề nghị chỉ quy định có tính khái quát về việc phân định các ĐVHC tại điều 110.

Đó là: Tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (Quốc hội thành lập).

Việc xác định các loại ĐVHC dưới tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và trình tự, thủ tục thành lập, giải thể, nhập, chia ĐVHC, điều chỉnh địa giới ĐVHC do Quốc hội quy định, đồng thời, thể chế hóa kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về tổ chức chính quyền địa phương cấp tỉnh, cấp xã có HĐND và UBND.

Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp đề nghị sửa đổi, bổ sung các điều 111, 112, 114 theo hướng quy định tổ chức chính quyền địa phương gồm HĐND và UBND, không sử dụng thuật ngữ "cấp chính quyền địa phương"; không quy định Chánh án TAND, Viện trưởng VKSND thuộc phạm vi đối tượng trả lời chất vấn của đại biểu HĐND tại khoản 2 điều 115 để phù hợp với tính chất và mô hình tổ chức các cơ quan nhà nước ở địa phương sau khi thực hiện sắp xếp.

Ủy ban cũng đề nghị xác định thời điểm có hiệu lực thi hành của nghị quyết là từ ngày 1/7 tới đây.

Nhằm kịp thời thể chế các kết luận, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị và Ban Bí thư, Ủy ban đề nghị trong dự thảo nghị quyết cần có quy định chính thức tuyên bố việc kết thúc hoạt động của ĐVHC cấp huyện; điều khoản chuyển tiếp quy định việc chỉ định các chức danh của HĐND, UBND và trưởng đoàn, phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội khi sắp xếp ĐVHC...

Trần Thường

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/trinh-quoc-hoi-sua-doi-hien-phap-can-tuyen-bo-ket-thuc-hoat-dong-cua-cap-huyen-2398483.html