Trình Quốc hội việc thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá
Chiều ngày 11/10, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, cho ý kiến dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí cho rằng, Chính phủ đã nghiên cứu, tiếp thu nghiêm túc ý kiến các cơ quan của Quốc hội. Hồ sơ cơ bản đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến, thông qua tại Kỳ họp thứ 4 tới đây.
Tạo nguồn thu cho ngân sách Nhà nước từ đấu giá quyền lựa chọn biển số
Thừa ủy quyền của Chính phủ, trình bày Tờ trình của Chính phủ Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá, Thiếu tướng Nguyễn Văn Long - Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, Dự thảo Nghị quyết gồm 07 điều quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng; biển số đưa ra đấu giá, lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản, hình thức đấu giá, phương thức đấu giá; quyền và nghĩa vụ của người trúng đấu giá, người nhận chuyển nhượng, người được cho tặng, thừa kế biển số trúng đấu giá theo xe; giá khởi điểm, tiền đặt trước; đấu giá trong trường hợp chỉ có một người đăng ký tham gia đấu giá, một người tham gia đấu giá, một người trả giá...
Việc xây dựng dự thảo nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá nhằm nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về đăng ký, quản lý phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; góp phần đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân song hành với hệ thống đăng ký xe bằng hình thức ngẫu nhiên hiện nay đảm bảo công khai, minh bạch, nhanh chóng, đúng quy định của pháp luật và mọi người dân đều có quyền bình đẳng trong việc lựa chọn biển số để tham gia đấu giá.
Đồng thời, việc đưa biển số xe vào đấu giá sẽ khai thác có hiệu quả tài sản công là kho biển số, tạo nguồn thu cho ngân sách Nhà nước từ đấu giá quyền lựa chọn biển số; đầu tư hệ thống cơ sở vật chất cho công tác đăng ký, cấp biển số hiện nay để có thể số hóa hoàn toàn trong lĩnh vực đăng ký, cấp biển số phục vụ công tác quản lý nhà nước; cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhân dân.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết tại kỳ họp thứ 4
Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới nêu rõ, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhất trí với sự cần thiết ban hành Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá với các lý do như đã được nêu trong Tờ trình của Chính phủ, bảo đảm chặt chẽ, hiệu quả công tác quản lý phương tiện giao thông đường bộ; tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước.
Trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm một số nước cũng đã triển khai đấu giá biển số xe hoặc tự chọn biển số xe theo sở thích, dự thảo Nghị quyết này có một số chính sách mới, khác với quy định của một số luật hiện hành, nên cần trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về thực hiện thí điểm là phù hợp với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 về thẩm quyền, hình thức văn bản.
Về phạm vi thí điểm, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhất trí thực hiện thí điểm trên phạm vi toàn quốc việc cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số xe ô tô thông qua đấu giá để đáp ứng nhu cầu của người dân tất cả các địa phương; đồng thời, cũng là để khai thác hiệu quả tài sản công là kho số đăng ký xe ô tô, tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước từ đấu giá và là cơ sở để tổng kết, đánh giá, kiến nghị Quốc hội sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan khi kết thúc thí điểm để thực hiện ổn định, lâu dài.
Về loại biển số xe ô tô đưa ra đấu giá, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhất trí với việc giới hạn thí điểm chỉ đấu giá đối với biển số ô tô nền trắng, mà không thí điểm đấu giá đối với biển số xe ô tô nền vàng chữ đen, biển số xe mô tô, xe gắn máy, vì cho rằng: Đối với loại hình xe hoạt động kinh doanh vận tải thì nhu cầu của người dân muốn sở hữu “biển số đẹp”, biển số theo sở thích là rất ít; đối với mô tô, xe gắn máy là phương tiện giao thông đường bộ phổ biến nhất tại Việt Nam hiện nay, nếu mở rộng để thí điểm thì số lượng mô tô, xe gắn máy trong toàn quốc là quá lớn, dẫn đến thiếu tập trung, ảnh hưởng đến việc thực hiện thí điểm.
Về hình thức, phương thức đấu giá biển số xe ô tô, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhất trí chỉ thí điểm hình thức đấu giá trực tuyến; đồng thời cho rằng, số lượng biển số xe ô tô đưa ra đấu giá là rất nhiều (hàng nghìn biển số) và số lượng người tham gia đấu giá cũng rất đông và cư trú trên phạm vi toàn quốc nên các hình thức đấu giá khác sẽ không bảo đảm tính khả thi và gây tốn kém cho người tham gia đấu giá.
Cho ý kiến về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, trước đây, Chính phủ quan tâm chỉ đạo thực hiện nội dung này từ sớm, một số địa phương đã thí điểm thực hiện. Đây là nội dung nhằm thực hiện Luật Tài sản công, đáp ứng nhu cầu có thật và của không ít người dân, chủ sở hữu phương tiện xe cơ giới. Do đó, Chủ tịch Quốc hội nhất trí với chủ trương thí điểm thực hiện.
Tuy nhiên, từ nay đến Kỳ họp thứ 4 của Quốc hội thời gian không còn nhiều nên phạm vi thí điểm thực hiện Chính phủ chủ động cân nhắc lựa chọn, và sau này trong quá trình thực hiện có rà soát cân nhắc thêm, không nhất thiết phải mở rộng phạm vi toàn diện ngay từ đầu. Đồng thời nêu rõ thí điểm về chính sách không hạn chế về không gian.
Cơ bản tán thành với báo cáo thẩm tra, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, đến nay Hồ sơ đã đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét quyết định; đồng thời hội đề nghị Chính phủ nghiên cứu tiếp thu để tiếp tục hoàn thiện Tờ trình bảo đảm chặt chẽ.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, nếu quy định giá khởi điểm quá cao chưa chắc đã thu hút được người tham gia. Bởi mục tiêu là khai thác hiệu quả kho số, đáp ứng nhu cầu nguyện vọng chính đáng của người dân mà không phải chỉ để thu ngân sách. Về trình tự thủ tục, Chủ tịch Quốc hội đề nghị rà soát để tạo thuận lợi nhất cho người dân, bảo đảm cao nhất quyền lợi cho người dân từ đó tạo hấp dẫn cho người dân tham gia đấu giá.
Phát biểu kết thúc nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, qua ý kiến của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đặc biệt là ý kiến của đồng chí Chủ tịch Quốc hội, ý kiến tiếp thu của đại diện Bộ Công an, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí sự cần thiết ban hành và tên gọi của dự thảo nghị quyết, đồng thời giao Ban soạn thảo sửa chữa về mặt kỹ thuật để cho phù hợp với bố cục văn bản trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 tới đây.