Trình Quốc hội xem xét gia hạn khoản vay 4 nghìn tỷ đồng 'giải cứu' Vietnam Airlines

Do tình hình tài chính khó khăn, Chính phủ đề xuất Quốc hội cho gia hạn trả nợ khoản vay tái cấp vốn với quy mô 4 nghìn tỷ đồng 'giải cứu' Vietnam Airlines, nhằm giúp hãng hàng không quốc gia tránh rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán trong năm 2024, không xảy ra các hệ lụy nghiêm trọng.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long trình bày Tờ trình. (Ảnh: DUY LINH)

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long trình bày Tờ trình. (Ảnh: DUY LINH)

Cần gia hạn khoản vay thêm tối đa 3 năm

Chiều 25/6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội nghe Tờ trình và báo cáo thẩm tra về phương án gia hạn trả nợ đối với khoản vay tái cấp vốn theo Nghị quyết số 135/2020/QH14 ngày 17/11/2020 của Quốc hội.

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long trình bày Tờ trình về phương án gia hạn trả nợ đối với khoản vay tái cấp vốn theo Nghị quyết số 135/2020/QH14.

Theo đó, trong giai đoạn 2020-2022, Tổng công ty Hàng không Việt Nam - CTCP (VNA) đã triển khai và hoàn thành gói hỗ trợ về thanh khoản quy mô 12 nghìn tỷ đồng (vay tái cấp vốn với quy mô 4 nghìn tỷ đồng và phát hành cổ phiếu tăng vốn 8 nghìn tỷ đồng), đạt được các kết quả tích cực.

VNA đã nỗ lực triển khai đồng bộ các giải pháp tự thân để xử lý giảm lỗ, thực hiện có hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh và quan tâm đến quyền lợi người lao động.

Theo Nghị quyết của Quốc hội, khoản vay tái cấp vốn đã được VNA triển khai vào năm 2021 và từ tháng 7-12/2024 VNA phải trả khoản vay này.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng các đại biểu Quốc hội tham dự phiên họp. (Ảnh: DUY LINH)

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng các đại biểu Quốc hội tham dự phiên họp. (Ảnh: DUY LINH)

Tuy nhiên, diễn biến dịch bệnh khó lường và tác động đến VNA nặng nề hơn so với các dự báo tại thời điểm xây dựng Nghị quyết Quốc hội. Thêm vào đó, các giải pháp tái cơ cấu của VNA đến nay chưa hoàn thành do gặp nhiều vướng mắc pháp lý.

Vì vậy, VNA cần được các cấp thẩm quyền cho phép gia hạn trả nợ khoản vay tái cấp vốn để hỗ trợ VNA có thời gian triển khai tái cơ cấu thành công, giúp VNA tránh rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán trong năm 2024, không xảy ra các hệ lụy nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến uy tín của Chính phủ, hãng hàng không quốc gia, góp phần bảo đảm ổn định chính trị, an ninh quốc phòng, duy trì việc làm cho hàng nghìn người lao động, tạo hiệu ứng kích cầu sử dụng lao động trong các ngành khác như du lịch, dịch vụ… góp phần bảo đảm an sinh xã hội.

Phó Thủ tướng nêu rõ, trường hợp VNA không được gia hạn khoản vay tái cấp vốn, VNA sẽ phải đối mặt với rủi ro mất khả năng thanh toán từ tháng 7/2024, có nguy cơ không thực hiện được các cam kết của VNA với các bên cho thuê tàu bay, các đối tác cung cấp dịch vụ dẫn đến VNA có thể bị kiện, giảm uy tín với các đối tác, phát sinh các chi phí tài chính do không thể hoàn trả các khoản nợ và tiếp tục đơn phương giãn hoãn nợ với quy mô lớn, dẫn đến nguy cơ phá sản, gây nhiều hệ lụy nghiêm trọng.

Phó Thủ tướng Lê Thành Long cho biết, theo tính toán, VNA cần được gia hạn khoản vay tái cấp vốn thêm tối đa 3 năm (đến ngày 31/12/2027). Thời gian gia hạn mỗi lần bằng thời hạn tái cấp vốn lần đầu, tổng thời gian các lần gia hạn tái cấp vốn tối đa không quá 5 năm (bao gồm 2 lần đã được gia hạn theo Nghị quyết số 135/2020/QH14); lãi suất 0%/năm; không tài sản bảo đảm để giảm áp lực dòng tiền, bảo đảm thanh khoản, duy trì các hoạt động sản xuất kinh doanh và thực hiện các giải pháp tái cơ cấu.

Phó Thủ tướng cũng thông tin, 3 ngân hàng MSB, SeaBank và SHB đều phản hồi tích cực về việc tiếp tục cho VNA vay tái cấp vốn trong trường hợp các cấp thẩm quyền chấp thuận. VNA cam kết bảo đảm có đủ tài sản để thế chấp các ngân hàng trong giai đoạn gia hạn khoản vay tái cấp vốn.

Cần tính toán kỹ lưỡng các giải pháp hỗ trợ cho VNA

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra. (Ảnh: DUY LINH)

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra. (Ảnh: DUY LINH)

Báo cáo thẩm tra do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày nêu rõ, Ủy ban Kinh tế cơ bản nhất trí với sự cần thiết phải gia hạn trả nợ đối với khoản vay tái cấp vốn theo Nghị quyết số 135/2020/QH14 như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn cho VNA.

Ủy ban Kinh tế thấy rằng tình thế đối với VNA hiện nay là cấp thiết và cần có những biện pháp hỗ trợ để tháo gỡ khó khăn, tiếp tục khẳng định vai trò chủ đạo của VNA là hãng hàng không quốc gia và bảo toàn nguồn vốn của Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp này.

Có ý kiến cho rằng, thời gian qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã có nhiều giải pháp hỗ trợ ngành hàng không, như giảm thuế đối với nhiên liệu bay, giảm 50% phí cất hạ cánh và điều hành bay đối với các chuyến bay nội địa...

Do đó, cần bổ sung đánh giá về kết quả của những giải pháp này đối với tháo gỡ khó khăn cho ngành hàng không nói chung và VNA nói riêng, những vấn đề còn phải tiếp tục tháo gỡ của ngành hàng không (gồm cả những doanh nghiệp hàng không khác) để có giải pháp tổng thể, phù hợp.

Có ý kiến đề nghị làm rõ thêm về nhận định tại Tờ trình của Chính phủ khi cho rằng đây là giải pháp có tính khả thi và phù hợp nhất với thời điểm hiện tại. Ngoài giải pháp nêu tại Tờ trình, còn có giải pháp nào khác có thể triển khai, tháo gỡ khó khăn cho VNA?

Có ý kiến cho rằng việc quan tâm đến quyền lợi của người lao động theo điểm d khoản 11 Điều 1 Nghị quyết số 135 chưa được phân tích cụ thể, chi tiết, toàn diện trong Tờ trình cũng như Phụ lục kèm theo.

Các đại biểu tham dự phiên họp. (Ảnh: DUY LINH)

Các đại biểu tham dự phiên họp. (Ảnh: DUY LINH)

Chính phủ cần có đánh giá cụ thể việc thực hiện giải pháp này, đồng thời, rút ra bài học để có thể thực hiện tốt hơn việc bảo đảm việc làm, đời sống người lao động cũng như bảo đảm nhân sự cho hoạt động của VNA trong thời gian tới, khi được Quốc hội đồng ý gia hạn trả nợ đối với khoản vay tái cấp vốn.

Về phương án đề xuất gia hạn trả nợ khoản vay tái cấp vốn theo Nghị quyết số 135/2020/QH14, Ủy ban Kinh tế cơ bản đồng tình với đề xuất của Chính phủ cho phép Ngân hàng Nhà nước được tự động gia hạn thêm 3 lần tại thời điểm đến hạn trả nợ đối với dư nợ tái cấp vốn còn lại của các tổ chức tín dụng đang cho VNA vay bổ sung vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh theo điểm a khoản 11 Điều 1 Nghị quyết số 135.

Trong tình thế cấp thiết, cấp bách như Chính phủ báo cáo, việc sử dụng nguồn vốn tín dụng ngân hàng có thể tháo gỡ ngay khó khăn trước mắt cho VNA.

Xét về quan hệ tín dụng, VNA vẫn phải bảo đảm điều kiện để được vay vốn tại tổ chức tín dụng và thực hiện nghĩa vụ trả nợ. Do vậy, phương án này giúp cân đối dòng tiền cũng như hỗ trợ về thời gian để VNA cơ cấu lại hoạt động một cách toàn diện.

Để làm rõ hơn tính khả thi và hiệu quả của phương án, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ phân tích rõ hơn về khả năng trả nợ của VNA.

Theo Phụ lục kèm Tờ trình Chính phủ, dòng tiền mới chỉ dự kiến trong năm 2024, chưa chứng minh được khả năng trả nợ phù hợp với thời gian đề nghị gia hạn trả nợ đối với khoản vay tái cấp vốn. Đồng thời, dự báo về các rủi ro tiềm ẩn, các kịch bản ứng phó, kế hoạch giảm thiểu rủi ro tương ứng đối với hoạt động của VNA.

Bổ sung, đánh giá rõ hơn về khả năng, tính khả thi khi thực hiện một số biện pháp khác kết hợp với phương án gia hạn trả nợ vay tái cấp vốn để bảo đảm tháo gỡ khó khăn, tăng cường năng lực tài chính, bảo đảm hoạt động liên tục của VNA.

Đề nghị báo cáo trường hợp chỉ có biện pháp gia hạn trả nợ vay tái cấp vốn có giúp cho VNA cải thiện được tình hình tài chính và vượt qua khó khăn hay không; đánh giá về khả năng Chính phủ tiếp tục đề nghị Quốc hội có giải pháp hỗ trợ VNA trong thời gian tới.

Chính phủ cần rà soát, tính toán kỹ lưỡng các giải pháp, phương án xử lý, sử dụng hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ cho VNA, bao gồm cả nguồn từ khoản vay tái cấp vốn nếu được Quốc hội đồng ý gia hạn trả nợ đối với khoản vay này.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/trinh-quoc-hoi-xem-xet-gia-han-khoan-vay-4-nghin-ty-dong-giai-cuu-vietnam-airlines-post816047.html