Trinh sát bất đắc dĩ trước trò gian của thương lái
Sau khi bị thương lái trộm tôm, chủ đầm tôm thường báo công an nhưng không chứng cứ, thế là họ tự trở thành những trinh sát bất đắc dĩ.
Đầu tháng 7-2020, sau khi vụ án trộm tôm ở Đầm Dơi được phát hiện, các nạn nhân đã tìm đến nhau và chúng tôi không ngờ có rất nhiều “trinh sát” bất đắc dĩ.
Họ là những người nuôi tôm công nghiệp, tôm siêu thâm canh, sau khi thu hoạch thì biết mình bị trộm tôm, đã tự làm “trinh sát”, có cả những phụ nữ.
Sau khi mất tôm thì thành “trinh sát”
Anh Nguyễn Văn Nhanh ở xã Phong Lạc, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau nói: Không giấu gì nhà báo, những lần trước nhà báo hỏi tôi không phát biểu vì lúc đó tôi đang kết hợp với nhiều anh em khác phục kích nhóm từng trộm tôm của tôi. “Tôi hy vọng bắt được họ, buộc họ phải đền số tôm đã trộm cắp của tôi hôm 27-3 vừa rồi” - anh nói.
Theo anh Nhanh, hai tháng liền anh cùng với nhiều người khác săn lùng thông tin của các nhóm thương lái khả nghi. Nhóm anh đã lên kế hoạch chi tiết vây bắt tại trận nhưng vừa thu thập được một số thông tin thì vụ án trộm tôm Đầm Dơi xảy ra.
Vào tháng 4-2020, nhóm của Trần Huy Hoàng ở Đầm Dơi cùng gần chục người khác đã đến thị trấn Cái Đôi Vàm, huyện Phú Tân xin chủ ao tôm sắp thu hoạch “đánh án”. Tuy nhiên, chủ ao tôm không hợp tác nên nhóm anh đã thất bại. “Hôm đó, tôi đem theo cả dao, nếu bắt được họ trộm tôm, tôi sẽ liều mạng vì quá uất ức” - anh Hoàng kể (và rất may cho cả nhóm của anh là chủ ao tôm không hợp tác - PV).
Còn chị Lê Thị Lắc ở phường 8, TP Cà Mau, sau khi bán hai đầm tôm, ước tính bị mất khoảng 10 tấn, chị lên kế hoạch trà trộn vào nhóm thương lái đã trộm tôm của mình để tìm ra toàn bộ mánh khóe, lấy được bằng chứng, tố giác đến công an.
Chị bắt đầu bằng việc kết bạn với nhóm thương lái đã từng trộm tôm của chị. Chị xin đi theo chơi, học nghề và ngỏ ý muốn cùng hùn hạp đi mua tôm.
Chị đi cùng nhóm thương lái vào mua tôm của một người dân ở xã Tạ An Khương Nam, huyện Đầm Dơi nhưng chủ nhóm thương lái rất cảnh giác, giám sát chị chặt chẽ, không cho ra nơi kéo và cân tôm…
Người báo tin bí ẩn
Trong câu chuyện kể của những “trinh sát” bất đắc dĩ xuất hiện một người báo tin bí ẩn. Ông Hồ Văn Lực ở xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước, Cà Mau kể: Sau khi nhóm thương lái rút đi, có người gọi điện thoại cho con trai tôi, báo là tôm bị mất do nhóm thương lái đã trộm cắp. “Họ chỉ rõ các chiêu trò giống hệt như cách mà họ trộm tôm của anh Châu được đăng trên báo” - ông Lục nói.
Còn anh Hoàng cũng xác nhận từng được báo tin như vậy ngay khi bị mất tôm. Sau khi nghe người bí ẩn gọi điện thoại, anh ra đầm tôm kiểm tra lại, các dấu vết thể hiện đúng như người báo tin chỉ ra: Nhóm thương lái bố trí hai thùng phuy, dùng người che mắt chủ nhà, một nhóm lén kéo trộm tôm lên mang đi.
Còn anh Nguyễn Văn Nhanh cũng cho hay là đã nhận được những cuộc điện thoại tương tự và anh tự biến thành “trinh sát” bất đắc dĩ.
Người bí ẩn nói với anh Nhanh là: “Chỉ cần bắt được quả tang thì họ sẽ trả lại tiền, đền bù số tôm đã mất vì họ sợ báo với công an, chủ đầm tôm” - anh Nhanh kể.
Các chiêu trò ăn cắp của thương lái
Nhóm “biệt đội phòng, chống trộm tôm” đúc kết các trò ăn gian của thương lái.
Thành viên Nguyễn Huy Hoàng nói: “Tôi đã nhìn thấy tận mắt cái giỏ hai đáy còn sót lại dưới một đầm tôm vừa thu hoạch ở Đầm Dơi. Họ dùng cái giỏ này đưa xuống đầm tôm, cho tôm vào cả hai đáy. Khi đưa tôm lên họ đổ ra để chủ nhà cân nhưng thực ra vẫn còn hơn chục ký tôm nằm ở tầng thứ hai của cái giỏ. Cái giỏ này sau đó dùng để chuyển tôm đã cân đưa ra xe. Họ đã gian cả chục cân tôm dưới đáy giỏ sau mỗi lần như vậy”.
Nhóm trưởng Tư Lắc nói tiếp: “Còn có các trò như kê nhíp cân, đổ giỏ tôm chưa cân vào số tôm đã cân xong và nhiều trò ăn gian khác mà chúng tôi phải hợp tác, giám sát mới mong ngăn ngừa rủi ro cho chủ ao tôm và cho chính chúng tôi”.
“Biệt đội phòng, chống trộm tôm”
Tại Cà Mau đang hình thành một nhóm tự phát mà dân nuôi tôm gọi vui là “biệt đội phòng, chống trộm tôm”. Họ kết thân chỉ vì bị mất quá nhiều tôm mà kêu trời không thấu vì không có bằng chứng.
Họ giúp một số bà con khác bị mất tôm tấn làm đơn từ, gửi đúng cơ quan thẩm quyền và hỗ trợ, phòng ngừa rủi ro lúc thu hoạch tôm.
Bà Lê Thị Lắc, người được phong là nhóm trưởng, nói: “Giờ tôi hú một tiếng là anh em tập trung trợ giúp cho người thu hoạch tôm không bị thương lái ăn gian. Gọi là có ngay, nhanh chóng, miễn phí và tôi cam đoan khi có anh em tụi tôi trông coi thì đừng hòng ra tay nhám nhúa vì chúng tôi đã quá rõ các chiêu trò ăn gian của thương lái xấu”.
Nguồn PLO: https://plo.vn/thoi-su/trinh-sat-bat-dac-di-truoc-tro-gian-cua-thuong-lai-931326.html