Trinh sát cơ không người lái Tu-141 Strizh xuất phát từ Ukraine đã bay qua không phận Romania và Hungary trước khi rơi xuống ngoại ô thủ đô Zagreb hôm 10/3, giới chức Croatia hôm 12/3 cho hay. Hiện cả Romania, Hungary và Croatia đều là thành viên của NATO.
Chiếc máy bay lao xuống bãi đất gần một ký túc xá sinh viên, gây ra tiếng nổ lớn và khiến khoảng 40 ôtô đậu gần đó bị hư hại, song không ghi nhận thương vong về người.
NATO cho biết, hệ thống phòng không và phòng thủ tên lửa của liên minh đã phát hiện và theo dõi đường bay của trinh sát cơ này.
Tuy nhiên, Thủ tướng Croatia Andrej Plenkovic khẳng định giới chức nước này không nhận được thông báo và NATO chỉ đưa ra phản ứng sau khi bị báo chí đặt câu hỏi.
"Chúng tôi không thể chấp nhận được điều đó và nó đáng lẽ không nên xảy ra. Đây rõ ràng là mối đe dọa và cả NATO, EU lẽ ra đã phải phản ứng", ông nói khi tới thăm hiện trường.
"Chúng tôi sẽ tìm cách nâng mức độ sẵn sàng chiến đấu, không chỉ cho Croatia mà còn với các thành viên khác", Thủ tướng Croatia Andrej Plenkovic nhấn mạnh.
Theo Thủ tướng Plenkovic, chiếc Tu-141 Strizh đã bay hơn 40 phút qua không phận Hungary và bay khoảng 6-7 phút trên bầu trời Croatia trước khi bị rơi.
Giới chức quốc phòng Romania trước đó cho biết, chiếc trinh sát cơ từ Ukraine này bay qua không phận Romania chỉ khoảng ba phút nên rất khó đánh chặn.
Thủ tướng Croatia kêu gọi giới chức Hungary mở cuộc điều tra tìm hiểu nguyên nhân lực lượng phòng không nước này không phát hiện ra chiếc trinh sát cơ bay từ phía Ukraine, trong khi cả Croatia và Romania đều có quá ít thời gian để phản ứng.
Máy bay trinh sát không người lái Tu-141 Swift bay lần đầu vào năm 1974 và đi vào sản xuất năm 1979 và đưa vào phục vụ năm 1983.
Mặc dù được phát triển bởi Phòng thiết kế Tupolev, nhưng nó được sản xuất hàng loạt tại Nhà máy máy bay Kharkiv ở Ukraine.
Trong 10 năm từ 1979 đến 1989, có tổng cộng 152 chiếc Tu-141 đã được sản xuất.
Sau khi Liên Xô giải thể, mặc dù toàn bộ hồ sơ, tài liệu phát triển máy bay trinh sát không người lái Tu-141 được giao hoàn toàn cho Ukraine nhưng có tin quân đội Nga vẫn được trang bị một số chiếc loại này.
Vì nhà sản xuất này được đặt tại Ukraine nên số ít Tu-141 trong quân đội Nga sau khi hết niên hạn sử dụng chỉ được dùng làm máy bay mục tiêu (bia bắn tập).
Trong khi Ukraine vẫn sử dụng Tu-141 Swift cho nhiệm vụ trinh sát.
Tu-141 Swift có sải cánh 3,88 mét, dài 14,33 mét và cao 2,44 mét, nặng 5,3 tấn, sử dụng động cơ phản lực.
Với tốc độ tối đa 1.100 km/h, Tu-141 Swift được phóng từ một bệ được gắn trên rơ-moóc bằng tên lửa đẩy thuốc phóng rắn.
Việt Hùng