Trình tự phát triển các dự án bất động sản du lịch phải chịu hàng nghìn tiêu chuẩn

Phân khúc bất động sản du lịch nghỉ dưỡng mới chỉ phát triển mạnh trong vài năm gần đây, thế nên chính sách, pháp luật về kinh doanh bất động sản du lịch chưa đầy đủ, thống nhất, đồng bộ.

Các dự án bất động sản du lịch phải chịu hàng nghìn tiêu chuẩn

Trong 2 năm qua, phân khúc bất động sản du lịch nghỉ dưỡng gần như rơi vào tình cảnh “đóng băng”. Khối lượng giao dịch, cùng nguồn cung chạm đáy.

Nhận định về điều này, TS Đoàn Trung Kiên, Hiệu trưởng trường Đại học Luật cho biết: Phân khúc bất động sản du lịch nghỉ dưỡng mới chỉ phát triển mạnh trong vài năm gần đây, thế nên chính sách, pháp luật về kinh doanh bất động sản du lịch chưa đầy đủ, thống nhất, đồng bộ đã.

Trình tự phát triển các dự án bất động sản du lịch phải chịu hàng nghìn tiêu chuẩn.

Vì vậy, công tác quản lý nhà nước về thị trường bất động sản ở các địa phương đang trở thành “điểm nghẽn” cho hoạt động đầu tư kinh doanh ở phân khúc bất động sản này.

Theo TS Đoàn Trung Kiên, để giúp các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh bất động sản “gượng dậy”, phát triển sau đại dịch COVID-19, điều cần thiết là phải tháo gỡ các “điểm nghẽn”, bằng cách bổ sung hoàn thiện chính sách, pháp luật về kinh doanh bất động sản du lịch là rất cần thiết.

Tại Hội thảo Khoa học quốc tế: "Chính sách, pháp luật về BĐS du lịch - Những vấn đề đặt ra cho Việt Nam", diễn ra vào sáng 16/11, ông Đoàn Văn Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam phân tích: Liên quan tới vấn đề pháp lý, phân khúc bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng có 2 “điểm nghẽn” chính.

Thứ nhất là “điểm nghẽn” chung. Hiện nay, tất cả các dự án đầu tư có sử dụng đất phải trải qua nhiều bước trình tự thực hiện.

Thống kê cho thấy, trình tự thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất hiện được quy định trong khoảng 19 luật, bộ luật, 52 nghị định, 42 thông tư, 102 quy chuẩn và 936 tiêu chuẩn.

Tùy từng loại dự án, chủ đầu tư sẽ phải thực hiện thủ tục gồm từ 30 đến 54 bước với 38 đến 159 con dấu và thời gian quy định hoàn tất thủ tục khoảng 1 năm đến 1,5 năm. Thậm chí có thể kéo dài đến 5 năm, hoặc lâu hơn.

Thứ hai là điểm nghẽn riêng của các dự án bất động sản du lịch nghỉ dưỡng. Ông Bình cho biết, hiện chưa có chính sách thật sự phù hợp nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành du lịch và phân khúc bất động sản du lịch. Đồng thời, pháp luật về đầu tư, kinh doanh bất động sản du lịch còn nhiều khoảng trống

Một số hạn chế lớn trong pháp luật về đầu tư, kinh doanh bất động sản có thể kể tới, như pháp luật chưa có quy định cụ thể về cơ chế quản lý, sử dụng đất vào mục đích hỗn hợp.

Đơn cử như vừa sử dụng làm đất ở, vừa sử dụng vào mục đích thương mại, dịch vụ và văn phòng. Bên cạnh đó, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (“Giấy chứng nhận”) đối với loại hình bất động sản này.

Ông Bình nhấn mạnh: Chính sách nhằm thu hút đầu tư nước ngoài vào bất động sản du lịch hiện chưa có. Từ góc độ pháp luật đất đai, mặc dù người nước ngoài được phép mua nhà ở theo Luật Nhà ở nhưng Luật Đất đai năm 2013 không ghi nhận quyền sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất của người nước ngoài thuộc đối tượng được sở hữu nhà ở.

“Vì vậy, cá nhân nước ngoài không phải là người sử dụng đất và không thuộc trường hợp được nhà nước giao đất có thu tiền theo Điều 5, Điều 55 Luật Đất đai năm 2013 cũng như không được ghi nhận quyền sử dụng đất theo Điều 186 của Luật Đất đai”, ông Bình cho biết.

Ngoài ra, bất động sản du lịch còn vướng mắc một số quy định pháp luật nhằm kiểm soát tình trạng không rõ ràng trong cam kết lợi nhuận, huy động vốn và điều chỉnh đối với một số loại hình giao dịch, cho thuê sở hữu kỳ nghỉ.

Cần hoàn thiện chính sách cho bất động sản du lịch

Trước những bất cập nêu trên, ông Nguyễn Văn Khôi, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Bất động sản Việt Nam kiến nghị cơ quan chức năng cần có khung pháp lý cho thị trường bất động sản du lịch cần thống nhất định danh cụ thể hình thức đất xây dựng bất động sản du lịch, quy mô và vai trò của thị trường này.

Hội thảo Khoa học quốc tế: "Chính sách, pháp luật về BĐS du lịch - Những vấn đề đặt ra cho Việt Nam"

Đặc biệt, những vấn đề liên quan đến Chính sách ưu đãi đặc thù; pháp luật về đầu tư, kinh doanh; cơ chế quản lý, sử dụng đất, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản cho người mua; vấn đề thu hút, huy động đa dạng các nguồn vốn đầu tư,... đều cần phải có.

Thứ hai, khung pháp lý cho thị trường bất động sản du lịch cần được thiết kế và hoàn thiện dựa trên việc tham khảo kinh nghiệm quốc tế, phù hợp với thực tiễn Việt Nam.

Thứ ba, cần khẩn trương tạo lập hành lang pháp lý chính thức cho thị trường bất động sản du lịch; cần hoàn thiện các quy định pháp luật về đất đai, pháp luật kinh doanh bất động sản và thủ tục đầu tư, sự thống nhất quản lý của nhà nước trong các Luật liên quan và các văn bản hướng dẫn thi hành nhằm giảm thời gian, giảm chi phí cho doanh nghiệp,....

Việt Vũ

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/trinh-tu-phat-trien-cac-du-an-bat-dong-san-du-lich-phai-chiu-hang-nghin-tieu-chuan-post167117.html