Tro bay của nhà máy đốt rác phát điện Cần Thơ được xử lý ra sao?
Chủ tịch UBND TP Cần Thơ vừa có ý kiến thống nhất thực hiện dự án xử lý chôn lấp chất thải tro bay của nhà máy xử lý chất thải rắn (rác sinh hoạt) Cần Thơ theo đề nghị của Sở TN&MT.
Theo Sở TN&MT Cần Thơ, có hai phương án thực hiện. Theo phương án 1, để chuyển trách nhiệm xử lý chôn lấp tro bay của nhà máy rác cho Công ty TNHH Năng lượng môi trường EB Cần Thơ (Cty EB, chủ đầu tư nhà máy) thì phải phù hợp với quy định của bộ tiêu chí và hợp đồng đã ký kết giữa TP và Cty EB trước đây.
Còn phương án 2, dự án xử lý chôn lấp chất thải tro bay của nhà máy xử lý rác sinh hoạt Cần Thơ thuộc danh mục dự án đầu tư có sử dụng đất theo quy định tại Nghị định 25/2020/NĐ-CP và phải tổ chức đấu thầu theo quy định pháp luật về xã hội hóa.
Để phù hợp về Luật Đầu tư, Sở TN&MT đề xuất chọn phương án 2 và kiến nghị UBND TP giao Sở TN&MT xây dựng bộ tiêu chí mời gọi nhà đầu tư… UBND TP thống nhất đề xuất phương án này và giao Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với các sở ngành, đơn vị liên quan khẩn trương xây dựng bộ tiêu chí mời gọi đầu tư dự án, trình UBND trong tháng 9/2020.
Trước đó, Sở KH&ĐT Cần Thơ cũng đưa ra hai phương án như trên, tuy nhiên sở này đề xuất ưu tiên chọn phương án 1. Đó là thực hiện theo Nghị định 38/2015/NĐ-CP của Chính phủ (quản lý chất thải nguy hại thì trách nhiệm chủ nguồn thải phải xử lý chất thải nguy hại phát sinh từ quá trình hoạt động), thống nhất chuyển trách nhiệm xử lý chôn lấp tro bay của nhà máy rác cho Cty EB xử lý. Về giá xử lý sẽ được Sở Tài chính thẩm tra, thẩm định theo quy định và rà soát tính phù hợp, đảm bảo tiết kiệm, khả thi.
Nhà đầu tư xin rót 80 tỷ đồng xây dựng
Trong phương án đề xuất xây dựng bãi chôn lấp tro bay, Cty EB cho biết dự án này xử lý lượng tro bay phát sinh (khoảng 8 tấn/ngày) của nhà máy đốt rác phát điện Cần Thơ. Công nghệ xử lý chôn lấp theo tiêu chuẩn chất thải nguy hại. Sau khi các hố chôn đầy, tiến hành phủ đất trồng cây tạo cảnh quan.
Tổng diện tích đất xây dựng khoảng 1,04ha, trong đó khu chôn lấp dự kiến 0,95ha, đường dẫn 0,09ha. Tổng mức đầu tư khoảng 80 tỷ đồng từ nguồn vốn của nhà đầu tư. Nhà đầu tư thực hiện dự án bằng hình thức đầu tư – quản lý – khai thác. Thời gian hoạt động ít nhất 15 năm.
Giá dịch vụ xử lý là 7.850.000 đồng/tấn tro bay chưa bao gồm thuế VAT (10%). Thanh toán bằng cách dựa trên hợp đồng dịch vụ xử lý rác thải sinh hoạt đã ký với TP, tiến hành ký bổ sung phụ lục hợp đồng.
Nhà đầu tư cũng cam kết thực hiện các thủ tục báo cáo đánh giá tác động môi trường, giấy phép xây dựng, đúng tiến độ, chất lượng, tuân thủ theo đúng các quy định có liên quan của pháp luật Việt Nam trong công tác xây dựng, nghiệm thu và vận hành, nếu không sẽ chấp thuận bị thu hồi dự án và không được bồi thường các chi phí đã đầu tư…
Nhà máy xử lý chất thải rắn Cần Thơ đặt tại ấp Trường Thọ, xã Trường Xuân, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ. Dự án thuộc Công ty Everbright International (Trung Quốc), đơn vị pháp nhân đại diện là Cty EB. Đây là dự án sử dụng kỹ thuật đốt rác phát điện để xử lý rác sinh hoạt đầu tiên ở Việt Nam.
Dự án được khởi công ngày 30/6/2017, tổng vốn đầu tư khoảng 1.050 tỷ đồng, thời gian vận hành 20 năm, mỗi ngày có thể xử lý 400 tấn rác thải sinh hoạt và phát 150.000 kWh điện. Nhà máy vận hành thử nghiệm ngày 15/10/2018 và hoạt động chính thức ngày 8/12/2018.
Từ khi hoạt động đến nay, nhà máy tiếp nhận trung bình hơn 453 tấn rác/ngày (chiếm khoảng 70% lượng rác sinh hoạt thải ra hàng ngày của TP Cần Thơ). Tổng lượng rác xử lý đến cuối tháng 8/2020 là hơn 317.000 tấn, tạo ra gần 103 triệu kWh điện.
Sau gần 2 năm hoạt động, ngày 1/9 mới đây, Bộ TN&MT cấp Giấy xác nhận dự án này hoàn thành công trình bảo vệ môi trường (BVMT) như: công trình thu gom và xử lý nước thải; công trình xử lý bụi, khí thải; công trình lưu giữ, xử lý chất thải rắn thông thường; công trình, thiết bị lưu giữ chất thải nguy hại...