Tro bếp

Anh họ tôi ở quê, cứ đến cuối năm là trang hoàng nhà cửa. Đấy cũng là lúc anh tôi mang bộ lư đồng để trên bàn thờ ra lau chùi. Đối với anh điều đó thiêng liêng lắm.

Chậu nước ấm pha vừa đủ, một miếng vải sạch, anh lau chùi lư hương bằng nước tro bếp với những cử chỉ gượng nhẹ và khéo léo, cọ rửa thật tỉ mẩn. Ngày nay khi nhà nhà dùng bếp ga thì nhiều người lau chùi lư hương bằng trái chanh. Quan sát anh họ nhiều lần như thế, tôi buột miệng hỏi tại sao anh không đem bộ lư đồng ra dịch vụ đánh bóng cho đẹp, cho khỏe?

Theo quan niệm của anh, tự tay lau chùi lư đồng nhằm thể hiện lòng biết ơn của con cháu đối với cha ông và tổ tiên dòng họ. Hàng năm, anh vẫn tận tụy với cái nhiệm vụ thiêng liêng ấy, vừa kính cẩn, vừa tự hào. Ngộ ra điều ấy, tôi thấy lòng mình ấm áp lạ lùng. Nước tro bếp anh chùi lư hương không phải là tro bếp bình thường, mà đã được anh chế biến. Không chỉ dùng để chùi lư hương, mà anh còn dùng nước tro bếp đã chế biến để giặt quần áo, rửa chén đũa, lau chùi mọi thứ, vừa đỡ tốn tiền vừa bảo vệ môi trường, khiến tôi ngạc nhiên lắm lắm.

Để làm được một chai nước tro bếp giặt rửa đã qua chế biến, anh họ làm như sau: Chuẩn bị một cái vợt và tro bếp, nước sạch và một cái thùng có nắp, một cái gậy dài. Đổ tro vào thùng chứa đầy nước sạch, lấy gậy khuấy đều, vớt bỏ rác nổi trên bề mặt, đậy nắp lại. Để trong ba ngày, lắng trong, tách lớp, nhúng ngón tay cái và tay trỏ vào thùng nước, xoa hai ngón vào nhau thấy nhớt là được. Cho vào chai dùng dần, mỗi lần dùng phải pha loãng, dùng để giặt đồ, rửa chén đũa hoặc tẩy rửa.

Nhiều người bảo thời đại nào rồi mà anh còn dùng nước tro bếp giặt đồ, rửa chén đũa, sao không dùng bột giặt, nước rửa chén cho nhanh. Anh bảo quan trọng là những hóa chất vương vấn trên quần áo, chén đũa... đi vào cơ thể cả gia đình. Nhiều người xầm xì bảo: có đáng tiền là bao. Đúng là không đáng bao nhiêu tiền, nhưng với thiên nhiên thì ô nhiễm môi trường nặng nề. Muốn tạo ra những bột giặt, nước xả, nước rửa chén thì cần rất nhiều hóa chất. Chất thải của những nhà máy đó chảy ra môi trường, tàn phá thiên nhiên.

Trên thế giới mọi người đều dùng hóa chất, những người như anh họ quá hiếm. Anh bảo trước tiên phải có trách nhiệm mang sự bình an đến cho gia đình, cho môi trường xung quanh. Anh tự tạo cho mình một không gian sống, cách thức sống mà ở đó được an toàn.

Anh họ bảo: Hàng ngày số lượng hóa chất thải ra môi trường thật đáng sợ. Chỉ cần đi một vòng bất cứ nơi đâu, dễ dàng bắt gặp những thùng nước thải có hóa chất đổ ra đường.

Hàng năm gia đình anh họ vẫn giữ thói quen làm một số bánh mứt truyền thống bằng cây nhà lá vườn. Những cây quất mua chưng tết năm trước, năm nay vì trong nhà không ai có kỹ thuật chăm bón nên trái chín trước tết. Vậy là mọi người bắt tay vào làm mứt quất truyền thống, từ chà vỏ xử lý tinh dầu đến sên đường.

Những ngày cuối năm chủ đề được gia đình anh bàn tán nhiều nhất là kinh nghiệm gói bánh chưng, bánh tét thế nào cho đẹp; muối thịt, muối hành, muối củ kiệu thế nào cho ngon. Tôi bảo, ăn bao nhiêu mà gói bánh cho mệt nhưng anh họ vẫn còn giữ truyền thống gói và nấu bánh chưng, bánh tét ngày tết. Bởi vì theo quan niệm của anh, tự tay gói bánh nhằm thể hiện lòng biết ơn của con cháu đối với cha ông.

Trong mâm cỗ ngày tết của người miền Trung không bao giờ thiếu bánh chưng, bánh tét ăn kèm với củ kiệu, ngoài ra còn có món thịt giầm nước mắm. Vị béo thơm của miếng thịt hòa quyện cùng vị sánh của nước mắm mang lại cảm giác ngon miệng. Vị mặn vừa, nồng đượm làm cho bát cơm thêm đẫy đà, ngoài ra còn có món thông dụng ngày tết là thịt cuốn với rau và bánh tráng. Món ăn ngày tết được chuẩn bị khá cầu kỳ với nhiều nguyên liệu.

Không ai tới thăm nhà ngày tết mà từ chối ly rượu gia chủ mời. Vì thế, chỉ cần đi dạo hàng xóm một vòng là say khướt, thể hiện sự chan hòa và thấm đẫm tình cảm láng giềng.

NGUYỄN THỊ THU HIỀN

Quận Liên Chiểu – thành phố Đà Nẵng

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/tro-bep-post724680.html