Trợ cấp giáo viên mầm non giúp giáo dục vùng khó bớt khó
Việc phê duyệt Chương trình 'Hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn giai đoạn 2022 - 2030' đã tạo luồng gió mới cho giáo dục vùng khó...
Quyết định số 1609/QĐ-TTg ngày 26/12/2022 phê duyệt Chương trình “Hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn giai đoạn 2022 - 2030”, đã tạo luồng gió mới cho giáo dục vùng khó, đặc biệt các thầy cô đang công tác vùng núi, hải đảo yên tâm công tác.
Quan tâm sâu sắc
Theo TS Cù Thị Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non (GDMN), Bộ GD&ĐT: Đây là chủ trương đầy tính nhân văn của Chính phủ nhằm hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn. Tăng cơ hội cho trẻ em được tiếp cận giáo dục mầm non có chất lượng, trên cơ sở phấn đấu bảo đảm các điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất trường, lớp học.
Để hiện thực hóa mục tiêu, phấn đấu đến năm 2025, đối với trẻ em, có ít nhất 20% trong độ tuổi nhà trẻ, 90% trong độ tuổi mẫu giáo vùng khó được đến cơ sở GDMN, trong đó có 30% trẻ em trong các cơ sở GDMN được tăng cường tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ của trẻ phù hợp theo độ tuổi.
Mặt khác, bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục, rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các vùng miền; xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế, xã hội; bảo tồn và phát huy bền vững các giá trị văn hóa cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Cùng đó, có ít nhất 50% các tỉnh tập trung đông trẻ em người dân tộc có mô hình về tăng cường tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ. Đến năm 2030, có ít nhất 25% trẻ em trong độ tuổi nhà trẻ và 95% trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo vùng khó khăn được đến cơ sở GDMN.
“Chính phủ cũng hết sức quan tâm đến đời sống của giáo viên, mục tiêu của Chương trình cũng có kế hoạch, lộ trình, giải pháp xây dựng nhà công vụ cho giáo viên, xóa phòng học nhờ, phòng học tạm, bổ sung phòng học còn thiếu, mua sắm thêm đồ dùng học tập tại vùng khó khăn đáp ứng nhu cầu tới trường, lớp của trẻ em, quan tâm đến đối tượng trẻ em nhà trẻ, mẫu giáo bé; bổ sung tài liệu, học liệu phục vụ việc tăng cường tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ của trẻ và nâng chất lượng giáo dục mầm non vùng khó khăn. Đây là sự động viên, động lực to lớn để các nhà giáo thêm yêu nghề, bám trường, núi, vượt biển...” - TS Cù Thị Thủy khẳng định.
Mong đỡ khó
Mù Cang Chải - huyện vùng cao tỉnh Yên Bái, đồng bào dân tộc chiếm đa số. Ông Nguyễn Anh Thủy, Trưởng phòng GD&ĐT huyện chia sẻ: Tổng số giáo viên mầm non của huyện là 391 người. Tỷ lệ đội ngũ hiện có so với nhu cầu theo định mức Thông tư số 06/2015/TTLT-BGDĐT-BNV 391/517 đạt 75,6%.
Chế độ chính sách luôn được các cấp quan tâm đầy đủ từ lương và phụ cấp theo lương gồm khu vực, ưu đãi, hưởng 5 năm thu hút nếu được phân công tại 13 xã với mức 70%. Được quan tâm hỗ trợ nhiều, nhưng vùng khó vẫn mong đỡ khó.
Khó khăn khác là thiếu về đội ngũ. Ở những đơn vị như Trường Mầm non Hoa Hồng, Chế Tạo của Mù Cang Chải vì thiếu giáo viên nên các cô phải dạy thêm giờ, nhưng định mức chi thêm giờ theo Thông tư 48 mỗi giáo viên được thanh toán không quá 40 giờ/tháng và 200 giờ/năm. Do đó, kinh phí dù cấp về nhưng cũng không chi trả được là thực tế đang diễn ra.
Nằm ở thôn Khe Lọng, xã Thanh Sơn, huyện miền núi Ba Chẽ (Quảng Ninh), Trường Mầm non Thanh Sơn có đa số học sinh dân tộc Sán Chỉ, Dao. Cô Trần Thị Thuận, Hiệu trưởng chia sẻ: Trường có 20 cán bộ giáo viên. Hàng ngày, giáo viên đi dạy phải qua đèo, núi, xa nhà, gia đình, giao thông cách trở, sáng đi tối về. Các cô đứng lớp 9 - 10 giờ/ngày theo chế độ hiện nay cộng khu vực 0,5, đứng lớp 50% nhưng tổng lương có những cô chỉ trên dưới 5 triệu đồng/tháng.
Xã đạt nông thôn mới là niềm vui lớn, nhưng các cô giáo lại “buồn”, khi chính sách 70% thu hút không được hưởng, giảm hỗ trợ đứng lớp từ 70% xuống 50%, và không được trợ cấp ban đầu. Với thu nhập như vậy, nhiều giáo viên không đảm bảo chi phí ổn định cuộc sống nên nhiều người có ý định bỏ việc hoặc phải kiếm thêm nghề tay trái, sự chuyên tâm cho công việc chính ít nhiều bị ảnh hưởng.
Từ những khó khăn, bất cập thực tế, theo TS Đặng Lộc Thọ, thành viên Tiểu ban GDMN, Hội đồng Quốc gia Giáo dục và phát triển nhân lực cho rằng: “Đảng, Nhà nước và Bộ GD&ĐT đã có nhiều quan tâm đến phát triển GDMN, trong đó có những hỗ trợ cho giáo viên mầm non vùng khó khăn, giúp các thầy cô bớt đi nhọc nhằn để bám trường, bám lớp nuôi dạy trẻ.
Mới đây, Bộ GD&ĐT cũng đã ban hành Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT sửa đổi chùm Thông tư 01-04/TT-BGDĐT về việc chuyển hạng xếp lương giáo viên các cấp. Thông tư quy định, với giáo viên mầm non, thời gian thăng từ hạng 3 lên hạng 2 giảm từ đủ 9 năm xuống còn từ đủ 3 năm; Giáo viên mầm non từ hạng 2 lên hạng 1, tăng từ đủ 6 năm lên từ đủ 9 năm. Cùng với sự hỗ trợ của các địa phương (cho dù chưa nhiều), thì với thầy cô giáo vùng khó sẽ giúp họ có thêm động lực để yêu và gắn bó với nghề...”.
“Giáo viên mầm non là ngành rất vất vả. Các cô giáo phải rời nhà từ sớm để đến trường đón học sinh và chỉ xong việc khi trẻ được cha mẹ đón hết mới kết thúc ngày lên lớp. Ở miền núi, đặc thù phụ huynh làm nương rẫy nên việc đón trẻ càng diễn ra muộn, vì thế giáo viên mầm non càng phải hy sinh nhiều hơn cả về thời gian tâm sức để hoàn thành nhiệm vụ...”, ông Nguyễn Anh Thủy, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) chia sẻ.