Trò chuyện cùng Giám đốc Sở VH-TT về trùng tu Thành Điện Hải
LTS: Năm 2018, TP Đà Nẵng sẽ tổ chức nhiều hoạt động nhân Kỷ niệm 160 năm ngày Đà Nẵng kháng chiến chống thực dân Pháp (1858 - 2018), trong đó trọng tâm là Lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt Thành Điện Hải (TĐH) và khởi công trùng tu thành này, dự kiến diễn ra vào ngày 29-3-2018. Có thể nói đây là sự kiện hết sức đặc biệt đối với Đà Nẵng bởi từ đây, di tích quốc gia đặc biệt này sẽ được trả về đúng vị trí lịch sử sau bao nhiêu năm nổi chìm khuất lấp. Những câu chuyện của quá khứ, hiện tại và tương lai của TĐH sẽ được đề cập chi tiết qua cuộc trao đổi dưới đây giữa nhà báo Nguyễn Đức Nam - Phó Tổng Biên tập Báo Công an TP Đà Nẵng và ông Huỳnh Văn Hùng (H.V.H), Thành ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao (VH-TT) TP Đà Nẵng.
P.V: Xin chào Ông Huỳnh Văn Hùng. TĐH được xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt và sắp được trùng tu tôn tạo, đây là niềm vui rất lớn lao của người dân Đà Nẵng và cả nước. Dịp này, tôi nhớ hình ảnh của ông ở các kỳ họp HĐND TP. Trong các vấn đề ông đề cập, dường như ông chưa bao giờ quên câu chuyện trùng tu TĐH. Thậm chí có lúc ông bị "nhắc nhở" vì quá thời gian cho phép...
Ông H.V.H: Đúng vậy! Từ rất lâu rồi, tôi luôn đau đáu, trăn trở về TĐH. Khi nhận nhiệm vụ Giám đốc Sở VHTT, tôi sợ TĐH sẽ không được quan tâm trùng tu như thời gian trước nên tại các diễn đàn ở Thành ủy, HĐND, tôi luôn trình bày việc này rất mạnh mẽ và quyết liệt. Nhớ có lần trả lời chất vấn của đại biểu HĐND về các khu di tích, tôi nói ngắn gọn về các di tích khác và tập trung nói nhiều về TĐH. Thực tình là tôi cố tình "lạc đề" để hướng trọng tâm về TĐH với mong mỏi nhận được sự quan tâm của lãnh đạo và nhân dân TP về việc này.
P.V: Có phải đến khi ông làm Giám đốc Sở VT-TT TP Đà Nẵng, câu chuyện về TĐH mới được đem ra bàn luận và quyết định trùng tu?
Ông H.V.H: Trước tôi, anh em ngành VH-TT TP cũng đã từng trăn trở với TĐH như anh Hà Phước Mai, Nguyễn Đức Tuấn, Hồ Tấn Tuấn, Huỳnh Đình Quốc Thiện... Đối với Đà Nẵng và cả nước, TĐH mang ý nghĩa rất quan trọng: Đây là chứng tích, chứng nhân về một giai đoạn lịch sử bi hùng của dân tộc. Khi liên quân Pháp - Tây Ban Nha nổ súng xâm lấn đất nước, quân dân Đà Nẵng đại diện cho cả nước mở đầu cuộc kháng chiến chống quân xâm lược. Dưới sự chỉ đạo của Triều đình nhà Nguyễn, đứng đầu là vua Tự Đức, bằng sự mưu trí sáng tạo của các tướng lĩnh chỉ huy như Lê Đình Lý, Nguyễn Tri Phương và đặc biệt là sự xả thân của tuyệt đại đa số người dân và nghĩa sĩ Đà Nẵng, liên quân xâm lược đã chịu thất bại. Vì vậy, TĐH là biểu tượng của lòng yêu nước và đức hy sinh của người Đà Nẵng.
Tuy nhiên trước đây, các ý kiến về việc trùng tu TĐH chưa được lãnh đạo TP quan tâm. Trong một thời gian dài, di tích TĐH đã bị xâm hại biến dạng trông rất đau lòng. Chính vì vậy, việc TP quyết định trùng tu tôn tạo TĐH đã thỏa nguyện ước của người dân TP. Tôi nghĩ mình may mắn hơn những người tiền nhiệm khi các ý kiến tham mưu của tôi và anh em lãnh đạo Sở VH-TT hiện nay được lãnh đạo TP lắng nghe, đồng tình và ủng hộ.
P.V: Sắp tới, TĐH sẽ được trùng tu tôn tạo như thế nào, thưa ông?
Ông H.V.H: Năm 1988, TĐH được công nhận là Di tích Quốc gia. Sau một thời gian làm lại hồ sơ, đến cuối năm 2017 Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định công nhận TĐH là Di tích Quốc gia đặc biệt duy nhất tại Đà Nẵng, tính đến thời điểm này. TĐH được xếp hạng này bởi được đánh giá là sự kiện quan trọng làm thay đổi mang tính bước ngoặt của lịch sử dân tộc. Có thể nói đây là một sự kiện có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với Đà Nẵng và của cả nước.
Về quá trình trùng tu, trên cơ sở đề án do ngành VH-TT xác lập, UBNDTP đã phê duyệt đề án phục hồi, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích TĐH. Công tác giải phóng mặt bằng trả lại không gian cho TĐH cả vùng lõi lẫn vùng đệm được tiến hành hết sức khẩn trương.
Giai đoạn 1: lãnh đạo TP đã có văn bản đồng ý di dời Bảo tàng Đà Nẵng đến vị trí 42-Bạch Đằng; giải tỏa 80 hộ dân xây nhà ở vật kiến trúc xâm phạm phía tây thành; dừng hẳn việc thi công công trình Trung tâm lưu trữ TP (tại vị trí Trung tâm Thể thao người lớn tuổi trước đây). Tiếp đó sẽ tiến hành phục hồi tôn tạo thành quách và hồ nước theo đúng nguyên trạng. Công trình này sẽ khởi công vào ngày 29-3 sắp tới đây. Sau đó sẽ để xuất TP cử đoàn công tác đi Pháp để sưu tầm nghiên cứu các tài liệu, hiện vật liên quan đến TĐH. Giai đoạn 2: Sẽ tính toán chọn lọc để tiến hành tôn tạo các công trình trong vùng lõi như nhà chỉ huy, kỳ đài, nơi bố trí súng đại bác, dự kiến xây dựng một nơi để thờ tự, hương khói các nghĩa sĩ và các công trình phụ trợ khác.
Bên cạnh đó, TP sẽ tổ chức các Hội thảo khoa học, mời các chuyên gia, nhà nghiên cứu để góp ý kiến nên phục dựng bên trong TĐH như thế nào là hợp lý. Tuyệt đối tránh việc nhân danh trùng tu di tích để làm biến dạng di tích. Ngành VH-TT nhận thấy rằng TĐH đang ở một vị trí rất đẹp nên đề nghị TP có kế hoạch thiết kế quy hoạch quảng trường ở khu vực này và lấy TĐH làm trung tâm. Theo đó, cần xem xét một số công trình hiện có đang làm ảnh hưởng đến không gian chung của TĐH như: bến du thuyền và nhà hàng; trạm điện của Trung tâm Công nghệ phần mềm; Nhà văn hóa P. Thạch Thang...
Tôi xin nhấn mạnh rằng: trên thế giới nhiều nước đã đầu tư lớn để bảo vệ, phục dựng các lâu đài, thành quách gắn với lịch sử. Nếu các di tích được gìn giữ và tôn tạo sẽ trở thành tâm điểm nghiên cứu, giáo dục truyền thống và đặc biệt là phục vụ khách đến tham quan.
P.V: Thưa ông! Khi rời vị trí Giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình Đà Nẵng, tôi được biết ông cũng nhiều trăn trở. Ông có thể chia sẻ những ý nghĩ của mình sau thời gian làm Giám đốc Sở VH-TT TP?
Ông H. V.H: Hồi ở bên đó tôi vừa làm quản lý vừa làm đạo diễn truyền hình và làm được nhiều phim về Danh nhân văn hóa lịch sử đất Quảng. Rời vị trí này, tôi cũng có nuối tiếc vì sẽ không trực tiếp làm công việc ưa thích. Giữa năm 2016, tôi không khỏi lo lắng khi nhận nhiệm vụ mới nhưng rồi mọi việc đã ổn. Sau một thời gian ngắn lao vào công việc, tôi rất tâm huyết với di sản, trong đó đặc biệt quan tâm đến TĐH và Hải Vân Quan. TĐH được trùng tu tôn tạo là niềm vui rất lớn của tôi, còn Hải Vân Quan, chúng tôi cũng đã tham mưu để lãnh đạo hai địa phương là Đà Nẵng và TT-Huế kết nối với nhau, từng bước có kế hoạch trùng tu tôn tạo.
P.V: Còn niềm đam mê đạo diễn truyền hình của ông thì sao ạ?
Ông H.V.H: À, vẫn nguyên vẹn thôi. Phim tài liệu "Sóng Cửa Hàn" của tôi nói về giai đoạn lịch sử hào hùng 1858-1860 của Đà Nẵng cũng vừa lên sóng...
P.V: Xin cảm ơn Ông!
Nguyễn Đức Nam (thực hiện)