TRỢ GIÚP PHÁP LÝ:

Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Tư pháp, do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập, có tư cách pháp nhân, có con dấu, trụ sở và tài khoản riêng.

Hỏi: Gia đình tôi đang có vụ việc liên quan đến tranh chấp đất đai, khi đến UBND xã tôi có đọc Bảng thông tin về trợ giúp pháp lý được niêm yết tại Trụ sở xã, qua nội dung Bảng thông tin thấy Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí. Vậy tôi muốn tìm hiểu Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước là tổ chức gì, được pháp luật quy định như thế nào?

Trả lời: Theo quy định tại Điều 11 Luật Trợ giúp pháp lý và Nghị định 144/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý thì:

1. Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Tư pháp, do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập, có tư cách pháp nhân, có con dấu, trụ sở và tài khoản riêng.

2. Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước có thể có Chi nhánh.

3. Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước có Giám đốc, Phó Giám đốc, Trợ giúp viên pháp lý, viên chức và người lao động khác. Giám đốc, Phó Giám đốc Trung tâm phải là Trợ giúp viên pháp lý.

4. Giám đốc Trung tâm, Phó Giám đốc Trung tâm do Giám đốc Sở Tư pháp bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức. Giám đốc Trung tâm là người đứng đầu Trung tâm và là người đại diện theo pháp luật của Trung tâm, chịu trách nhiệm trước Giám đốc Sở Tư pháp và trước pháp luật về toàn bộ hoạt động của Trung tâm. Phó Giám đốc Trung tâm phụ trách một hoặc một số lĩnh vực công tác do Giám đốc Trung tâm phân công và chịu trách nhiệm trước Giám đốc Trung tâm về kết quả công tác được giao.

5. Trung tâm có thể có các bộ phận chuyên môn thích hợp để thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý và pháp luật về đơn vị sự nghiệp công lập.”

Điều 4, Nghị định 144/2017/NĐ-CP quy định tiêu chuẩn bổ nhiệm, cách chức Giám đốc Trung tâm:

“1. Trợ giúp viên pháp lý có đủ các tiêu chuẩn sau đây thì được đề nghị bổ nhiệm làm Giám đốc Trung tâm:

a) Có ít nhất 03 năm là Trợ giúp viên pháp lý hoặc thẩm phán hoặc kiểm sát viên, điều tra viên trung cấp trở lên hoặc có 05 năm làm công tác quản lý nhà nước về trợ giúp pháp lý trong ngành Tư pháp;

b) Có đủ điều kiện, tiêu chuẩn đối với người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Sở Tư pháp theo quy định của pháp luật.

Theo quy định tại Điều 10, Nghị định 144/2017/NĐ-CP:

“Số lượng người làm việc, cơ sở vật chất của Trung tâm

1. Căn cứ vào khối lượng công việc, tính chất, đặc điểm hoạt động chuyên môn nghiệp vụ, yêu cầu của công tác trợ giúp pháp lý tại địa phương và theo đề xuất của Giám đốc Sở Tư pháp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định số lượng người làm việc của Trung tâm và bảo đảm kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị, điều kiện làm việc thích hợp cho Trung tâm.

2. Việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức, viên chức, người lao động của Trung tâm thực hiện theo quy định của pháp luật về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức, viên chức, người lao động trong các đơn vị sự nghiệp công lập.

3. Trung tâm được sử dụng kinh phí nghiệp vụ để phục vụ việc thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý và các hoạt động nghiệp vụ trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý.

Việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí hoạt động của Trung tâm được thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước”.

(Còn tiếp)

TRUNG TÂM TRỢ GIÚP PHÁP LÝ TỈNH BẮC KẠN

Nguồn Bắc Kạn: https://baobackan.vn/tro-giup-phap-ly-post64872.html