Trợ giúp pháp lý đồng hành cùng người nghèo và đối tượng chính sách

Những năm qua, hoạt động trợ giúp pháp lý (TGPL) trên địa bàn tỉnh ngày càng được quan tâm; chất lượng, hiệu quả các vụ việc TGPL dần được cải thiện và nâng cao, góp phần bảo đảm tốt quyền và lợi ích hợp pháp cho các đối tượng được trợ giúp.

Cán bộ Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh Thanh Hóa tiếp công dân tại trụ sở.

Đơn cử như trường hợp bà Nguyễn Thị Đ. ở xã Thành Lộc (Hậu Lộc) là nạn nhân của vụ án hình sự cố ý đánh người gây thương tích. Bà Đ. thuộc hộ nghèo, lại bị khuyết tật về trí tuệ nên hầu như không có nhận thức về mọi việc xung quanh và rất khó có khả năng để tự bảo vệ mình trước pháp luật. Nắm bắt được thông tin, hồ sơ về vụ việc của bà Đ., Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh đã phân công trợ giúp viên pháp lý (TGVPL) chủ động đến gặp gỡ nạn nhân, thu thập chứng cứ, tham gia vào các khâu trong quá trình tố tụng để bảo vệ quyền, lợi hợp pháp cho bà Đ. Với sự trợ giúp của TGVPL, vụ việc đã được đưa ra xét xử đúng người, đúng tội, bảo đảm lợi ích chính đáng của người bị hại.

Vụ việc bảo vệ, bào chữa cho các đối tượng TGPL như bà Đ. nằm trong số rất nhiều vụ việc TGPL mà Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện trong những năm qua. Tính từ khi thành lập đến năm 2017 (trước khi Luật TGPL được ban hành), Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện TGPL gần 24.500 vụ việc cho 24.502 đối tượng. Sau khi Luật TGPL có hiệu lực (từ năm 2018 đến nay), trung tâm đã thực hiện gần 4.000 vụ việc, trong đó có rất nhiều vụ việc đối tượng trợ giúp là người nghèo, đối tượng chính sách.

Đặc biệt, những năm gần đây, với việc thực hiện đề án đổi mới công tác TGPL, số vụ việc tham gia tố tụng do các TGVPL thực hiện đã tăng lên đáng kể. Trung bình mỗi năm trung tâm thực hiện từ 700 - 800 vụ việc tham gia tố tụng. Riêng từ đầu năm 2023 đến cuối tháng 10/2023, trung tâm thực hiện hoàn thành 716 vụ việc. Số lượng các vụ việc tăng, chất lượng vụ việc TGPL ngày càng nâng lên, nhiều vụ việc hiệu quả, người được TGPL được tuyên mức án nhẹ hơn so với mức đề nghị, được chuyển khung hình phạt nhẹ hơn hoặc được miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt. “Với tinh thần, trách nhiệm trong công việc, TGVPL đã và đang dùng kiến thức, kỹ năng, tâm huyết, đạo đức nghề nghiệp của mình, khắc phục khó khăn để bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích chính đáng cho người được TGPL trong các vụ án hình sự, dân sự, hành chính, được người dân tin tưởng”, bà Hoàng Thị Thủy, Phó trưởng Phòng Nghiệp vụ 1, Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh Thanh Hóa chia sẻ.

Hoạt động TGPL miễn phí là chủ trương, chính sách của Nhà nước đã được thực hiện từ nhiều năm nay nhằm bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Các đối tượng được trợ giúp gồm: Người nghèo, người có công với cách mạng, người già cô đơn, người tàn tật và trẻ em không nơi nương tựa, người dân tộc thiểu số thường trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn... Hiện nay, Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh Thanh Hóa có 24 TGVPL hoạt động tại 2 phòng chuyên môn nghiệp vụ đặt tại trung tâm và 6 chi nhánh trực thuộc đặt tại các huyện: Quan Hóa, Ngọc Lặc, Nghi Sơn, Như Thanh, Thạch Thành, Thường Xuân. Các chi nhánh TGPL đặt tại các địa bàn các huyện có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn hoặc cách xa trung tâm để đảm bảo công tác TGPL đến người được TGPL một cách nhanh chóng và kịp thời. Trung bình mỗi năm, mỗi chi nhánh thuộc trung tâm thực hiện từ 60 - 80 vụ việc cho các đối tượng được TGPL, đồng thời phối hợp với phòng tư pháp các huyện tổ chức nhiều đợt truyền thông về TGPL tại cơ sở...

Bà Nguyễn Thị Ngà, Trưởng Phòng Hành chính - Tổ chức, Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh Thanh Hóa, cho biết: Trung tâm đẩy mạnh hoạt động bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp cho các TGVPL để nâng cao chất lượng dịch vụ TGPL. Tăng cường công tác phối hợp giữa các ngành thành viên của hội đồng phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng của tỉnh nhằm nâng cao hơn nữa số lượng, chất lượng dịch vụ TGPL trên địa bàn. Hiện nay, hoạt động của các chi nhánh trực thuộc ngày càng hiệu quả, đảm bảo công tác tham gia tố tụng được thực hiện kịp thời. Khó khăn hiện nay là tinh giản về bộ máy, giảm số lượng chi nhánh theo chủ trương của Luật TGPL, dẫn đến việc tiếp cận các dịch vụ TGPL của bà con, đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn là một trở ngại lớn cả về mặt không gian lẫn thời gian do địa bàn tỉnh rộng, giao thông đi lại khó khăn, nhận thức pháp luật còn hạn chế. Việc chưa thể bố trí trụ sở độc lập cho các chi nhánh, chủ yếu là đi thuê hoặc mượn của UBND cấp huyện nên khá chật chội, không có tính ổn định cũng ảnh hưởng đến hoạt động của các chi nhánh.

Bài và ảnh: Việt Hương

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/van-ban-phap-luat/tro-giup-phap-ly-dong-hanh-cung-nguoi-ngheo-va-doi-tuong-chinh-sach/200821.htm