Trợ giúp pháp lý hiện thực hóa đạo lý 'uống nước nhớ nguồn'
Chính sách trợ giúp pháp lý (TGPL) cho người có công với cách mạng là một chính sách nhân văn thể hiện đạo lý 'uống nước nhớ nguồn' của dân tộc. Thấm nhuần đạo lý này, những năm qua Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Cà Mau đã làm tốt công tác tư vấn, tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng… nhằm giúp đỡ đối tượng người có công đòi lại công bằng trước pháp luật.
Ở tuổi 80 nhưng ông Trần Văn Tới, Ấp 1, xã Khánh An, huyện U Minh vẫn còn cầm đơn đi gõ cửa các ngành có liên quan để đòi lại quyền lợi của mình. Từng tham cách mạng, mang trong người thương tật 2/4 và ảnh hưởng nặng chất độc da cam do các cuộc chiến tranh để lại. Hàng tháng ông Tới đều nhận được khoảng lương hưu và tiền hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam.
Ông Tới bộc bạch: “Tuổi già rồi không muốn sau này bệnh hoạn làm gánh nặng cho con cháu nên tôi tích góp tiền để chơi vài chưn hụi nhằm dưỡng già. Lỡ khi bệnh hoạn có tiền chữa trị, giảm bớt lo phiền cho con cháu sau này”.
Xuất phát từ suy nghĩ đó, từ năm 2017, biết vợ chồng bà Lưu Kim Tiên và ông lê Tấn Phong, Ấp 13, ngụ cùng xã có mở dây hụi nên ông Tới đã tham gia với số tiền 500 ngàn đồng/ tháng. Thời gian đầu, đôi bên làm ăn với nhau rất hòa thuận.
Ông Tới cho biết: “Tôi đóng hụi đúng ngày và khi hốt vợ chồng cháu Tiên cũng giao đúng thời gian cam kết. Nên đến năm 2020 tôi bắt đầu chơi nhiều chưn hơn với số tiền mỗi tháng 1 triệu đồng/chưng. Tôi tham gia 4 dây, mỗi dây 3 chưn. Bình quân mỗi tháng tôi đóng cho vợ chồng cháu Tiên gần 10 triệu đồng. Thế nhưng đến tháng 11/2021, vợ chồng cháu Tiên tuyên bố bể hụi và có viết giấy ghi nợ cho tôi là 92 triệu đồng”.
Được biết trước đó, vợ chồng bà Tiên có vay nợ của ông Tới 80 triệu đồng, với cam kết trả lãi cho ông Tới 5%/ tháng. Nhưng rất nhiều tháng vợ chồng bà Tiên không tuân thủ cam kết và không có nhã ý trả lại tiền cho ông Tới. Cùng với tiền hụi và tiền vay (cả tiền lãi) thì vợ chồng bà Tiên phải trả cho ông Tới là 278.500.000 đồng (trong đó, 182 triệu tiền gốc và 96.500.000 đồng tiền lãi).
“Tôi đã làm đơn khởi kiện vì sức khỏe và tuổi tác của tôi không còn nhiều thời gian để chờ đợi nữa. Tại tòa án, tôi được trợ giúp viên pháp lý (TGVPL) hướng dẫn tận tình, lo toàn bộ giấy tờ, thủ tục cho tôi để hoàn tất thủ tục đúng với quy định của pháp luật. Ngày 1/11/2023, tôi gửi đơn khởi kiện, tới ngày 14/3/2024 Tòa án Nhân dân huyện U Minh đã đưa ra xét xử. Tôi mừng lắm. Tôi thấy công tác TGPL rất nhân văn, không chỉ cho riêng tôi mà cho hầu hết những người có công với đất nước”, ông Tới chia sẻ.
Là TGVPL được phân công thực hiện nhiệm vụ trên địa bàn huyện U Minh, bà Nguyễn Thị Cẩm Hường cho biết: “Chú Tới là người có công với cách mạng thuộc nhóm đối tượng được TGPL để bảo vệ quyền lợi hợp pháp. Khi nhận đơn của chú Tới, tôi đã đi xác minh và hướng dẫn, hỗ trợ chú ngay từ khâu ban đầu. Nhưng số tiền chú Tới đòi bồi hoàn là 278.500.000 đồng là không được vì trong đó có tiền chú cho vay lãi suất 5%/ tháng. Theo quy định của pháp luật, hình thức cho vay chỉ được tính theo lãi suất của Nhà nước hiện hành. Nên số tiền vợ chồng bà Tiên phải trả cho chú Tới là 214.629.000 đồng (trong đó, tiền gốc là 168 triệu, tiền lãi 46 triệu đồng”.
Một trường hợp được TGPL khác là ông Lê Chí Dũng, Ấp 2, xã Khánh Lâm, huyện U Minh. Tháng 9/2022, ông Dũng có nhận làm nhà cho vợ chồng bà Đặng Thị Hồng, Ấp 16, xã Nguyễn Phích. Căn nhà sau dài 6 m, ngang 7,6 m, cuốn nền 6 tấc, cột bằng cây gỗ địa phương, mái lợp tol, hành lang dài 15 m, ngang 3 m, cuốn nền 3 tấc, cột kẽm, mái tol, tiền công là 10 triệu đồng. Hai bên chỉ giao kèo miệng, không có lập hợp đồng.
“Khi tôi đang làm thì phát sinh thêm việc xây 3 vách tường nhà sau lên 1m và đổ vỉ sắt lót gạch nền nhà. Tôi nói không có dụng cụ đổ nền nên phải kêu thợ thì vợ chồng bà Hồng đồng ý. Tôi kêu 3 thợ hồ, chở cối, dụng cụ lại làm, thợ hồ tính công xây vách, bẻ vỉ sắt, lăm le đá mỗi mét vuông 150.000 đồng, tổng số tiền là 10.500.000 đồng. Do vợ chồng bà Hồng kêu bớt nên tôi cũng bàn bạc với thợ hồ đồng ý bớt 500 ngàn đồng, còn lại 10 triệu đồng. Đến khi bàn giao nhà, vợ chồng bà Hồng chỉ trả tiền làm cho thợ hồ chứ không trả 10 triệu đồng tiền công làm nhà cho tôi như thỏa thuận”, ông Dũng bày tỏ.
Ngày 18/9/2023, ông Dũng làm đơn khởi kiện vợ chồng bà Hồng. Vì là người từng tham gia kháng chiến nên ông Dũng được TGVPL hỗ trợ trong vụ kiện lần này. Ông Dũng cho biết: “Khi được TGVPL hướng dẫn, tôi hiểu mình phải cần bổ sung những giấy tờ gì, chỉ làm một lần không phải mất thời gian đi lại nhiều lần. Khi có lịch ra tòa, tôi cũng được TGVPL thông báo, có đình xét xử tôi cũng được cho hay. Hiện tại, tôi đã lấy lại được phần tiền công, vô cùng biết ơn TGVPL đã hỗ trợ cho tôi, nhưng tôi cũng buồn vì tình làng nghĩa xóm không còn nữa”.
Trong năm 2023, Trung tâm TGPL tiếp nhận, thụ lý thực hiện TGPL cho 1.620 vụ việc, 1.620 lượt người, tăng 254 vụ so với năm 2022. Trong đó, tham gia tố tụng 705 vụ việc gồm: trợ giúp viên pháp lý 497 vụ việc, luật sư ký hợp đồng thực hiện TGPL 208 vụ việc, đại diện ngoài tố tụng 2 vụ việc; tư vấn pháp luật 913 vụ việc. Đặc biệt, TGPL thành công 7 vụ liên quan đến người có công với cách mạng.
Ông Ngô Đức Bính, Phó giám đốc Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh, cho biết: “Hiện nay đội ngũ người thực hiện TGPL trên địa bàn tỉnh gồm 14 TGVPL và 21 luật sư ký hợp đồng thực hiện TGPL. Đội ngũ TGVPL được bố trí ở các huyện đảm bảo thực hiệc các nhu cầu nhiệm vụ, được đào tạo kỹ năng, trình độ theo nhu cầu của pháp luật, nhất là kỹ năng tham gia tố tụng đạt được những hiệu quả tích cực, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người cần được TGPL. Công tác TGPL cho người có công với cách mạng là chính sách nhân văn của Đảng và Nhà nước, mang tính đền ơn đáp nghĩa. Phần lớn các cô chú đã lớn tuổi, hiểu biết về pháp luật hạn chế, người TGPL ngoài giải thích, hướng dẫn các vấn đề liên quan đến pháp luật còn phải tuyên truyền cho các cô chú hiểu được những quy định pháp luật hiện nay, tạo sự đồng thuận. Từ đó, công tác TGPL mang lại hiệu quả cao hơn trong các vụ án”.