Trợ giúp pháp lý hướng đến đối tượng cần được trợ giúp

Bằng nhiều hoạt động cụ thể, thời gian qua Trung tâm Trợ giúp pháp lý (TGPL) Nhà nước tỉnh (Trung tâm) đã thực hiện có hiệu quả công tác TGPL trên địa bàn tỉnh, góp phần nâng cao nhận thức pháp lý của người dân, bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp cho các đối tượng được trợ giúp.

Ký kết Chương trình phối hợp trực TGPL trong điều tra hình sự với Công an tỉnh

Ký kết Chương trình phối hợp trực TGPL trong điều tra hình sự với Công an tỉnh

Với phương châm hoạt động luôn hướng về cơ sở, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân được tiếp cận với các hoạt động TGPL, đồng thời xác định đối tượng thuộc diện TGPL là nhóm yếu thế trong xã hội. Thời gian qua Trung tâm và các Chi nhánh của trung tâm thường xuyên phối hợp với các cấp, ngành đẩy mạnh thực hiện nhiều hoạt động thông qua các hình thức tư vấn, đại diện ngoài tố tụng, tham gia tố tụng, đáp ứng yêu cầu TGPL của người dân kịp thời, nhanh chóng, đúng quy định.

Trợ giúp viên pháp lý phát tờ rơi tuyên truyền trợ giúp pháp lý cho người được trợ giúp.

Trợ giúp viên pháp lý phát tờ rơi tuyên truyền trợ giúp pháp lý cho người được trợ giúp.

Cụ thể, trong hoạt động tố tụng, Trung tâm thường xuyên tăng cường mối quan hệ phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng. Tổ chức các đợt kiểm tra liên ngành về huyện Tuy Phong và Bắc Bình để tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, phát hiện và giới thiệu người được TGPL đến với Trung tâm; ký kết Chương trình phối hợp trực TGPL trong điều tra hình sự với Công an tỉnh nhằm giúp người dân tiếp cận sớm với TGPL. Ngoài ra, Trung tâm còn phối hợp với các sở, ngành, tổ chức xã hội có liên quan như Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Hội LHPN, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân tỉnh, Ban Dân tộc và các địa phương triển khai hoạt động TGPL cho người có công, người khuyết tật, trẻ em vị thành niên và người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số... Chính vì vậy, Trung tâm đã trở thành địa chỉ tin cậy để những đối tượng yếu thế trong xã hội tìm đến khi có những vấn đề liên quan đến pháp luật, cần được TGPL thông qua các hình thức tư vấn, tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng.

Nhờ làm tốt hoạt động phối hợp, trong nửa đầu năm 2024, Trung tâm tiếp nhận mới 113 vụ việc, tăng 112% vụ việc so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, các vụ việc hình sự có 104 vụ việc; dân sự, hôn nhân gia đình 8 vụ việc và hành chính 1 vụ việc...

Ngoài các hoạt động nêu trên, Trung tâm đã đa dạng hóa các hoạt động truyền thông về TGPL nhằm lan tỏa quyền được TGPL trong cộng đồng dân cư. Phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh xây dựng, phát sóng các tiểu phẩm liên quan TGPL, chuyên mục “Pháp luật và cuộc sống” chuyên mục “Trợ giúp pháp lý luôn đồng hành cùng dân”; viết tin, bài đăng tải trên Trang thông tin điện tử của Sở; truyền thông về quyền được TGPL đối với người cao tuổi có khó khăn về tài chính bảo đảm người cao tuổi thuộc diện được trợ giúp được cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí theo quy định của pháp luật. Xây dựng các kế hoạch phối hợp với UBND huyện Phú Quý và Phòng Tư pháp huyện tổ chức 3 đợt truyền thông về TGPL ở 3 xã Tam Thanh, Ngũ Phụng, Long Hải. Ngoài ra còn thành lập trang mạng xã hội của trung tâm cập nhật các tin tức về hoạt động TGPL để giúp người dân dễ dàng tiếp cận.

Tuy nhiên, quá trình triển khai các hoạt động này, trung tâm gặp nhiều khó khăn do nhận thức về công tác TGPL của các cơ quan phối hợp chưa cao. Nhân lực phục vụ công tác này thiếu và không ổn định, kiêm nhiệm nhiều công việc… Bà Nguyễn Thị Kiều Châu – Giám đốc Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh cho biết: "TGPL miễn phí là chủ trương, chính sách của Nhà nước đã được triển khai thực hiện từ nhiều năm nay nhằm bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Các đối tượng được TGPL gồm: Người nghèo, người có công với cách mạng, người già cô đơn, người tàn tật và trẻ em không nơi nương tựa, người dân tộc thiểu số thường trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn... Họ đều là những đối tượng yếu thế, nên trong các buổi tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, chúng tôi dành nhiều thời gian giải đáp thắc mắc với từng sự việc cụ thể, giúp bà con hiểu tường tận hơn các quy định của pháp luật. Trong các vụ án có trợ giúp viên pháp lý hoặc luật sư cộng tác viên được phân công tham gia đều thực hiện nghiêm túc, có tinh thần trách nhiệm, đồng hành cùng người dân và vận dụng pháp lý để bào chữa, bảo vệ cho rất nhiều người thuộc diện được TGPL trong quá trình tố tụng, đặc biệt là tại các phiên tòa. Họ đều là những người vì hoàn cảnh, nhận thức pháp lý thấp, trẻ vị thành niên vô tình phạm tội hoặc những bị hại là trẻ em bị xâm hại…Ngoài ra còn nhiều trường hợp tranh chấp pháp lý khác chưa tìm được hướng tháo gỡ đều được Trung tâm tận tình giúp đỡ và bảo vệ đạt kết quả. Hầu hết người được TGPL đều hài lòng về kết quả mà tổ chức TGPL miễn phí của Nhà nước mang lại”.

Hoạt động TGPL có vai trò quan trọng trong việc giúp đỡ người yếu thế, kém may mắn bị vướng mắc pháp lý cần được tháo gỡ, bảo vệ, hỗ trợ đồng hành giúp họ giảm thiểu khó khăn. Thực hiện tốt công tác này cũng là làm tốt chính sách đền ơn đáp nghĩa đối với người có công, thực hiện chính sách xóa đói, giảm nghèo về mặt pháp luật, giúp người dân tiếp cận với quy định của pháp luật, nâng cao hiểu biết pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho họ. Ngoài ra còn hỗ trợ các cơ quan Nhà nước triển khai các nhiệm vụ đồng bộ hơn, tránh những việc khiếu nại, khiếu kiện kéo dài, không có cơ sở hoặc khiếu kiện trái pháp luật. Do đó, các cấp, ngành cần tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi để người dân trên địa bàn tỉnh tiếp cận gần hơn dịch vụ TGPL miễn phí.

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/tro-giup-phap-ly-huong-den-doi-tuong-can-duoc-tro-giup-120242.html