Trợ giúp pháp lý hướng về người khuyết tật ở cơ sở

Thực hiện kế hoạch của UBND TP Hà Nội về triển khai chương trình trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật có khó khăn về tài chính trên địa bàn TP giai đoạn 2021-2025 và Quyết định số 05/QĐ-STP ngày 09/01/2023 của Sở Tư pháp Hà Nội, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước TP Hà Nội đã triển khai kế hoạch công tác trợ giúp pháp lý năm 2023.

Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước TP Hà Nội:

Cán bộ Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước TP Hà Nội tư vấn páp luật, trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật quận Long Biên.

Cán bộ Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước TP Hà Nội tư vấn páp luật, trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật quận Long Biên.

Đặc biệt, trong tháng 4/2023, hưởng ứng Ngày Người khuyết tật Việt Nam (18/4), Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước TP Hà Nội đã tổ chức nhiều buổi tuyên truyền, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật ở nhiều địa phương trên địa bàn TP. Nhằm nâng cao hiểu biết, nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật cho người khuyết tật. Góp phần bảo vệ tốt quyền và lợi ích hợp pháp cho người được trợ giúp pháp lý…

Theo đó, ngày 17/4, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước TP Hà Nội phối hợp với Hội Người mù quận Tây Hồ tổ chức truyền thông về trợ giúp pháp lý và tư vấn pháp luật tại cơ sở cho các hội viên Hội người mù quận Tây Hồ.

Trợ giúp viên pháp lý Trương Công Đỉnh - Trưởng chi nhánh số 4, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước TP Hà Nội đã tuyên truyền, tư vấn, hướng dẫn, giải đáp các tình huống, vướng mắc cụ thể về pháp luật cho các thành viên Hội Người mù quận Tây Hồ. Đồng thời, chia sẻ với các thành viên Hội người mù quận Tây Hồ về Luật trợ giúp pháp lý và chuyên đề về Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022, có hiệu lực từ ngày 1/7/2023.

Trong đó, có 10 điểm đáng chú ý nhất của Luật đó là Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022 đã bổ sung nhiều định nghĩa, giải thích từ ngữ được sử dụng trong luật này như: Cấm tiếp xúc, nơi tạm lánh, giáo dục hỗ trợ chuyển đổi hành vi bao lực gia đình,... Việc mở rộng đối tượng bạo lực gia đình ngoài hôn nhân. Điều 2 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình quy định 9 hành vi bị xem là bạo lực gia đình nhưng từ ngày 1/7/2023, đã nâng lên 16 hành vi bị coi là bạo lực gia đình.

Ngoài ra, Trợ giúp viên pháp lý Trương Công Đỉnh còn cung cấp các địa chỉ tiếp nhận tin báo, tố giác hành vi bạo lực gia đình cũng như trình tự giải quyết tin báo, tố giác bạo lực gia đình cho các hội viên Hội Người mù quận Tây Hồ.

Ông Đàm Quốc Hiển - Chủ tịch Hội Người mù quận Tây Hồ chia sẻ, người khiếm thị là nhóm người yếu thế trong xã hội và có những hạn chế, khó khăn nhất định trong việc tiếp cận công bằng thông tin. Chính vì vậy, công tác truyền thông về trợ giúp pháp lý là một trong những nhiệm vụ mà Hội cũng như quận hết sức quan tâm.

Hàng năm, hội cũng xây dựng kế hoạch hoạt động và có ít nhất là 2 buổi tuyên truyền về pháp luật, tuyên truyền về những bộ luật mới liên quan đến người khuyết tật, liên quan đến quyền lợi của người khuyết tật,...

Cùng với đó, hội sẽ phối hợp với Chi nhánh số 4, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước TP Hà Nội để tổ chức. Những buổi tuyên truyền này được các hội viên hưởng ứng rất nhiệt tình bởi rất gần gũi, sát với đời sống.

Ngày 18/4, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước TP Hà Nội phối hợp với Hội Người khuyết tật quận Long Biên tổ chức tuyên truyền, trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật tại cơ sở.

Các hội viên được bà Phan Thị Thu Trang - Phó GĐ Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước TP Hà Nội chia sẻ về Luật Người khuyết tật, trong đó nêu rõ các dạng tật và mức độ khuyết tật cũng như cách thức chia theo mức độ khuyết tật. Người khuyết tật được Nhà nước đảm bảo các chính sách về người khuyết tật và đảm bảo các quyền và nghĩa vụ của người khuyết tật…

Bên cạnh đó, Nhà nước cũng quy định trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước với người khuyết tật như được chăm sóc sức khỏe, được học tập, được dạy nghề phù hợp với nhu cầu và khả năng của người khuyết tật. Đồng thời, người khuyết tật còn được Nhà nước đảm bảo về trợ cấp xã hội, hỗ trợ kinh phí chăm sóc hàng tháng,…

Ông Lê Văn Thứ - Chủ tịch Hội Người khuyết tật quận Long Biên cho biết, có những người khuyết tật họ không nắm hết được chế độ đãi ngộ, quyền lợi của mình và chưa hiểu hết được chính sách của Đảng và Nhà nước cho người khuyết tật. Sau khi được Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước TP Hà Nội chia sẻ thì họ hiểu được sâu sắc hơn và nhiều người khuyết tật tự lập đến UBND phường, xã nơi quản lý mình để gặp gỡ và hỏi lại chế độ được đãi ngộ.

Hoạt động tuyên truyền này đã mang lại rất nhiều lợi ích cho người khuyết tật. Họ được hiểu biết về chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người khuyết tật và chế độ chính sách cho người khuyết tật.

Bà Phan Thị Thu Trang - Phó GĐ Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước TP Hà Nội cho biết, trợ giúp pháp lý là việc cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người được trợ giúp pháp lý trong vụ việc trợ giúp pháp lý theo quy định, góp phần bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong tiếp cận công bằng và bình đẳng trước pháp luật.

“Trong các đối tượng được trợ giúp pháp lý miễn phí, có người khuyết tật có khó khăn về tài chính. Người được trợ giúp pháp lý sẽ được trợ giúp pháp lý mà không phải trả tiền, lợi ích vật chất hoặc lợi ích khác. Hình thức trợ giúp pháp lý là tham gia tố tụng, tư vấn pháp luật, đại diện ngoài tố tụng,… Người được trợ giúp pháp lý cần có hồ sơ yêu cầu trợ giúp pháp lý, giấy chứng minh người thuộc diện trợ giúp pháp lý và đến các địa chỉ của Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước TP Hà Nội”, bà Phan Thị Thu Trang - Phó GĐ Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước TP Hà Nội chia sẻ.

Bạch Dương

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/tro-giup-phap-ly-huong-ve-nguoi-khuyet-tat-o-co-so-332986.html