Trợ giúp và phục hồi chức năng cho người tâm thần, rối nhiễu tâm trí: Cần cộng đồng chung tay
Từ tháng 7-2011, thực hiện Quyết định số 1215/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh ta đã có nhiều hoạt động quan tâm, chăm lo giúp người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí phục hồi chức năng, hòa nhập cộng đồng. Gia Lai là địa phương có nhiều người bị tâm thần, rối nhiễu tâm trí nên cùng với chế độ, chính sách của Nhà nước thì sự chung tay của cộng đồng là điều rất cần thiết.
Ngày 22-7-2011, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1215/QĐ-TTg phê duyệt đề án “Trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2011-2020”. Sau đó, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện đề án, mục tiêu đặt ra đến năm 2020 là có 90% số bệnh nhân tâm thần có hành vi nguy hiểm đến gia đình, cộng đồng và bệnh nhân tâm thần lang thang được phục hồi chức năng luân phiên tại các cơ sở bảo trợ xã hội; 90% số người rối nhiễu tâm trí có nguy cơ cao bị tâm thần, người bệnh tâm thần được tư vấn, trị liệu tâm lý và sử dụng các dịch vụ công tác xã hội khác; 100% gia đình có người tâm thần và 70% gia đình người rối nhiễu tâm trí có nguy cơ cao bị tâm thần được nâng cao nhận thức về trợ giúp và phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng. Bên cạnh đó là hình thành các nhóm cán bộ, nhân viên và cộng tác viên công tác xã hội kết hợp với nhân viên y tế trợ giúp phục hồi chức năng cho người bệnh tâm thần tại xã, phường, thị trấn có đông đối tượng.
Mới đây, tại lớp tập huấn hướng dẫn triển khai các chính sách trợ giúp đối tượng bảo trợ xã hội, ông Nguyễn Ngọc Toản-Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho hay: “Cán bộ, viên chức công tác xã hội làm việc ở xã, phường, thị trấn hiện nay phần lớn kiêm nhiệm nhiều việc nên việc quan tâm đến các đối tượng tâm thần, rối nhiễu tâm trí phần nào còn hạn chế. Chế độ cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí cũng gặp những rào cản nhất định. Để hoàn tất thủ tục giấy tờ liên quan, đưa ra Hội đồng xét duyệt nhanh, đúng, đủ đòi hỏi mỗi cán bộ công tác xã hội phải thực thi nhiệm vụ bằng cả trái tim”.
Ông Lê Văn Thành-Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội-cho biết: Để đảm bảo mục tiêu đề ra, hàng năm, Sở phối hợp với các địa phương tổ chức tập huấn cho các gia đình có người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí nâng cao kiến thức, kỹ năng, phương pháp trị liệu, chăm sóc và phục hồi chức năng cho đối tượng. Bên cạnh đó, các sở, ban, ngành liên quan chủ động tuyên truyền nâng cao nhận thức trách nhiệm của gia đình, cộng đồng và toàn xã hội thông qua các phương tiện thông tin đại chúng; nêu gương điển hình về trợ giúp và khả năng vươn lên của người tâm thần, rối nhiễu tâm trí...
Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, hiện toàn tỉnh có 1.900 người bị bệnh tâm thần, 69 gia đình có 2 người tâm thần trở lên. Trong số này, mới chỉ có 412 người đang hưởng trợ cấp xã hội tại cộng đồng. Chưa có số liệu thống kê chính thức về số người rối nhiễu tâm trí. Hiện nay, với người bị tâm thần, rối nhiễu tâm trí, nơi điều trị duy nhất là Bệnh viện Tâm thần kinh tỉnh. Theo bác sĩ Võ Đình Hiệp-Giám đốc Bệnh viện, thời gian gần đây, số bệnh nhân tâm thần nhập viện có chiều hướng gia tăng và chủ yếu điều trị ở các dạng bệnh: tâm thần phân liệt, động kinh, trầm cảm, thiểu năng trí tuệ, khuyết tật thần kinh, tổn thương não, lạm dụng rượu, nghiện ma túy… “Tuy nhiên, bệnh viện mới chỉ điều trị nội trú với những bệnh nhân ở trạng thái cấp tính và nặng, khi ổn định sẽ cho ra viện để điều trị ngoại trú”-bác sĩ Hiệp nói.
Việc điều trị ngoại trú cho bệnh nhân tâm thần, rối nhiễu tâm trí hiện còn gặp nhiều khó khăn. Phần lớn các gia đình có người tâm thần đều ở vùng sâu, vùng xa, hàng tháng về bệnh viện lấy thuốc điều trị bệnh cũng đã là một trở ngại lớn. Nhiều người tâm thần khi bệnh tái phát thì gia đình mới đưa đi chữa trị, còn bình thường thì để ở nhà hoặc nhốt, xích chân tay. Ông Puih Minh (xã Ia Kly, huyện Chư Prông) tâm sự: “Con gái tôi bị tâm thần 7 năm nay, đi viện điều trị 2 lần nhưng không khỏi. Cháu bệnh nặng nên có khi phải xích lại, tới bữa mang cơm cho ăn. Để cháu đi lang thang thì sợ ảnh hưởng đến người dân xung quanh”.
Ngoài ra, mục tiêu của đề án “Trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2011-2020” là đến năm 2020 có 90% số bệnh nhân tâm thần có hành vi nguy hiểm đến gia đình, cộng đồng và bệnh nhân tâm thần lang thang được phục hồi chức năng luân phiên tại các cơ sở bảo trợ xã hội. Song đến nay, tỉnh ta vẫn chưa thành lập được cơ sở bảo trợ chăm sóc, phục hồi chức năng cho người tâm thần, rối nhiễu tâm trí. Nhiều cán bộ, nhân viên chưa được đào tạo nghề công tác xã hội nên việc quan tâm thực hiện chế độ cho đối tượng đặc biệt trên cũng gặp không ít khó khăn.
Vì vậy, cùng với đẩy mạnh tuyên truyền kêu gọi sự tham gia của xã hội như trợ giúp về vật chất, tinh thần cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống, theo Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, Sở sẽ tham mưu với tỉnh thành lập cơ sở bảo trợ chăm sóc, nuôi dưỡng người tâm thần; hình thành mạng lưới cộng tác viên công tác xã hội để góp phần phục hồi chức năng cho người tâm thần, giúp ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng, bảo đảm an sinh xã hội. Ngoài ra, chỉ đạo các địa phương rà soát thực hiện chế độ trợ cấp xã hội theo quy định cho các đối tượng tâm thần.