Trợ giúp viên pháp lý bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự tại tòa
Nhận được yêu cầu của đương sự, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước TP Hà Nội đã cử trợ giúp viên pháp lý bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự từ quá trình điều tra, truy tố, xét xử.
Ngày 27/12, TAND huyện Phúc Thọ, TP Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm về vụ án tổ chức đánh bạc và đánh bạc xảy ra trên địa bàn.
Các bị cáo đều trú tại xã Tam Hiệp, huyện Phúc Thọ, Hà Nội gồm: T.Q.H, SN 1968, bị truy tố về tội Tổ chức đánh bạc quy định tại khoản 2 Điều 322 Bộ luật Hình sự; T.Q.H, SN 1972; Đ.Đ.C, SN 1958; T.Q.H, SN 1971 đều bị truy tố về tội Đánh bạc quy định tại khoản 2 Điều 321 Bộ luật Hình sự.
Cáo trạng nêu rõ, vào khoảng đầu tháng 12/2022, T.Q.H đã ghi bán các số lô, số đề dưới hình thức nhắn tin, gọi điện thoại cho người khác.
Quá trình điều tra xác định có: T.Q.H, Đ.Đ.C, T.Q.H,... H ghi bán số lô, đề cho người khác nhưng không bán, chuyển lại tiền bán số lô, số đề cho ai mà bản thân H tự thanh toán tiền thắng thua với khách mua, đối với người quen thì vẫn có thể cho khách chơi nợ tiền, còn với người chơi lạ thì yêu cầu phải thanh toán bằng tiền mặt luôn.
Sau khi có kết quả xổ số kiến thiết miền Bắc, H đối chiếu tính tiền thắng thua và thanh toán ngay hoặc vài ngày sau mới thanh toán. H thanh toán với khách chơi trực tiếp bằng tiền mặt, chỉ riêng có T.Q.H trả tiền đánh bạc cho H thông qua hình thức chuyển qua tài khoản mở tại ngân hàng.
Trong các ngày từ 1/12/2022 đến 12/12/2022, T.Q.H đã nhiều lần tổ chức đánh bạc dưới hình thức ghi bán số lô, số đề cho T.Q.H, Đ.Đ.C, T.Q.H,..., với tổng số tiền đánh bạc là 529.000.000 đồng, số tiền đánh bạc trong ngày nhiều nhất là 104.875.000 đồng. Tổng số tiền thu lợi bất chính là 85.800.000 đồng, số tiền thu lợi bất chính trong ngày nhiều nhất là 59.475.000 đồng.
Trong 4 bị cáo, có T.Q.H bị truy tố về tội Tổ chức đánh bạc có kết luận giám định pháp ly tâm số 134/KLGĐ của Viện pháp y tâm thần Trung ương- Bộ Y tế.
Theo kết luận, trước, trong khi thực hiện hành vi phạm tội và tại thời điểm giám định, T.Q.H bị bệnh tâm thần phân liệt thể không biệt định. Theo phân loại bệnh quốc tế lần thứ 10 năm 1992, bệnh có mã F20.3, bệnh ở giai đoạn ổn định. Tại các thời điểm trên, đối tượng đủ khả năng nhận thức và điều khiển hành vi.
Cùng với đó, T.Q.H có giấy chứng nhận là người khuyết tật trên địa bàn xã Tam Hiệp và thuộc diện đối tượng được Trợ giúp pháp lý miễn phí theo Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017.
Tại phiên tòa, đại diện VKSND huyện Phúc Thọ đã đề nghị HĐXX tuyên bị cáo T.Q.H mức án 4 năm tù.
Chia sẻ với PV, anh Nguyễn Danh Sơn - Trưởng Chi nhánh số 1, Trung tâm Trợ giúp Pháp lý Nhà nước TP Hà Nội, người bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị cáo T.Q.H cho biết, bị cáo T.Q.H là người có bệnh bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi, là người khuyết tật trên địa bàn nhưng hành vi của bị cáo đã vi phạm điều cấm của pháp luật. Bị cáo bị truy tố là không sai và tại phiên tòa bị cáo cũng thừa nhận về hành vi phạm tội của mình.
Trình bày quan điểm tại tòa, anh Nguyễn Danh Sơn nêu quan điểm, bị cáo T.Q.H có tình tiết giảm nhẹ tại vụ án là quá trình điều tra, truy tố, bị cáo đều có thái độ khai báo thành khẩn, là người có bệnh bị hạn chế khả năng nhận thức và có giấy chứng nhận là người khuyết tật tại địa phương. Tại phiên tòa, bị cáo nhận ra sai lầm của mình và hứa sẽ không tái phạm. Đề nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.
Sau khi nghe các bên trình bày cũng như ý kiến của Trợ giúp viên pháp lý, HĐXX đã tuyên phạt bị cáo T.Q.H 3 năm tù, giảm 1 năm tù so với đề nghị của đại diện VKSND huyện Phúc Thọ.