Trở lại Cà Mau

Gọi là trở lại Cà Mau vì tôi cũng đã vài lần được đến Cà Mau, đến đất Mũi. Lần đầu tiên tôi biết đến đất phương Nam là qua những trang sách của Đoàn Giỏi. Đất rừng phương Nam khi đó hiện lên như một miền cổ tích đẹp kì ảo.

Và, dù tuổi thơ đã trôi qua rất lâu nhưng tới giờ, miền đất ấy vẫn cứ lung linh trong tâm trí: “Chim líu lo. Nắng biếc, hương hoa tràm thơm ngất ngây. Gió đưa mùi hương ngọt lan xa, phảng phất khắp khu rừng. Những con kì nhông nằm vươn mình phơi lưng trên gốc cây mục, sắc da lưng luôn biến đổi từ xanh hóa vàng, từ vàng hóa đỏ, từ đỏ hóa tím xanh".

Trong rừng đước đất mũi. Ảnh: Hoàng Thao

Trong rừng đước đất mũi. Ảnh: Hoàng Thao

Tuy nhiên, lần đầu tiên thực sự tôi đến vùng đất cực Nam này là khi tham gia đoàn công tác của UBND tỉnh Ninh Bình thăm bà con quê hương Ninh Bình đi vùng kinh tế mới ở tỉnh Minh Hải, cách nay tròn 30 năm. Khi đó, đến đất mũi từ Năm Căn, chúng tôi ngồi trên chiếc vỏ lãi lướt trên kênh, hai bên bờ bạt ngàn cây cối xum xuê, thi thoảng mới có vài ba ngôi nhà. Khung cảnh vẫn còn khá hoang sơ, kì thú. Những ấn tượng đầu tiên ấy về miền đất cổ tích của tuổi thơ thật khó phai mờ.

Rồi cũng có vài lần sau này tôi được về đất mũi, cũng đi từ Năm Căn bằng vỏ lãi. Nhưng lần này lại khác, từ TP Cà Mau chúng tôi đi ô tô trên tuyến đường Hồ Chí Minh nay đã chạm điểm cực Nam của Tổ quốc ở cột mốc km2436, tính từ Pác Bó, Cao Bằng. Xe bon bon về khu du lịch Quốc gia đất mũi, hai bên đường vẫn là bạt ngàn rừng cây đước, cây mắm, xanh tươi. Lại một trải nghiệm mới, nhưng lần này là một cảm giác về sự phát triển của vùng đất mở.

Vườn Quốc gia U Minh Hạ.

Vườn Quốc gia U Minh Hạ.

Đi cùng đoàn nguyên học viên lớp cử nhân chính trị B59, khóa VII, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, anh Nguyễn Tiến Hải UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Cà Mau, cũng là học viên của lớp đưa chúng tôi thăm điểm đầu tiên của khu du lịch là Đền thờ cha Lạc Long Quân và tượng mẹ Âu Cơ bồng con.

Có lẽ, không có nhiều địa điểm có ý nghĩa như nơi này để xây dựng đền thờ Thủy tổ Lạc Long Quân và tượng mẹ Âu Cơ. 50 người con theo cha xuống biển, 50 người con theo mẹ lên rừng, nay đã hiện diện nơi đây, chứng kiến các thế hệ con dân nước Việt mở mang bờ cõi, dựng xây nên một nước Việt Nam hùng cường như ngày hôm nay.

Tượng mẹ Âu Cơ bồng con tại đất Mũi. Ảnh: Hoàng Thao.

Tượng mẹ Âu Cơ bồng con tại đất Mũi. Ảnh: Hoàng Thao.

Du lịch là một thế mạnh của Cà Mau. Được một lần đến đất Mũi, cực Nam của Tổ quốc, có lẽ là mong muốn của nhiều người. Đây là nơi duy nhất trên đất liền ngắm được mặt trời mọc ở biển Đông và ngắm được mặt trời lặn ở biển Tây. Khi ngồi trong xuồng cao tốc xuyên rừng đước với các tay lái lụa của Khu du lịch Quốc gia mũi Cà Mau ra biển mênh mang, đậm đặc phù sa, ngày đêm đắp bồi cho vùng đất mở, mới thật thấm, thật hiểu thêm câu văn tài hoa của Nguyễn Tuân khi viết về đất mũi: “Ngón chân cái chưa khô bùn vạn dặm”.

Chúng tôi cũng đã ngồi trên vỏ lãi đi qua những cánh rừng tràm bạt ngàn đầy vẻ hoang sơ của vườn Quốc gia U Minh Hạ. Đây là nơi đang sinh sống của hơn 250 loài thực vật, hơn 190 loài động vật, trong đó có nhiều loài quý hiếm đã được ghi trong sách đỏ.

Trong vườn chim tại trung tâm TP Cà Mau. Ảnh: Hoàng Thao

Trong vườn chim tại trung tâm TP Cà Mau. Ảnh: Hoàng Thao

Cuối chiều, một cơn mưa lớn kéo đến, giúp chúng tôi có thêm nhiều trải nghiệm thú vị khi thưởng thức bữa cơm dân dã giữa rừng với những sản vật đất phương Nam. Còn nhiều lắm những điểm du lịch hấp dẫn của Cà Mau mà du khách đều muốn đến như: Khu du lịch Khai Long, vườn chim ngay tại trung tâm TP Cà Mau,...

Người dân đánh cá tại đất Mũi Cà Mau. Ảnh: Hoàng Thao.

Người dân đánh cá tại đất Mũi Cà Mau. Ảnh: Hoàng Thao.

Phát triển du lịch thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh là một định hướng lớn, đồng thời Cà Mau xác định gắn với bảo tồn bản sắc văn hóa và bảo vệ môi trường. Những gì chúng tôi cảm nhận được ở các khu, điểm du lịch là những định hướng lớn ấy đã được hiện thực hóa từ những việc làm nhỏ nhất. Công tác bảo tồn, gìn giữ môi trường thật sự được chú trọng. Đặc biệt hệ sinh thái rừng ngập mặn đã được quản lý bảo vệ nghiêm ngặt.

Khi đi thăm một số doanh nghiệp, anh Nguyễn Tiến Hải, Bí thư tỉnh ủy Cà Mau có trao đổi với chúng tôi rằng: Một trong những nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế trọng tâm của Cà Mau là phát triển kinh tế biển nhanh và bền vững. Tỉnh tập trung nguồn lực xây dựng Cà Mau trở thành địa phương mạnh về biển. Trong đó, có việc tiếp tục thu hút đầu tư xây dựng, khai thác năng lượng tái tạo khu vực ven biển. Hiện đã có 16 dự án điện gió trong quy hoạch được phê duyệt với tổng công suất 1000 MW.

Đối với ngành thủy sản, tỉnh phấn đấu tổng sản lượng thủy sản 5 năm trong nhiệm kì này đạt 3,3 triệu tấn. Trong 6 tháng đầu năm đã đạt trên 321 nghìn tấn, riêng tôm sú đạt sản lượng trên 126 nghìn tấn. Tôm sú và cua là những loại thủy sản có thương hiệu của Cà Mau. Trên địa bàn Cà Mau có những doanh nghiệp đứng trong tốp đầu xuất khẩu tôm của Việt Nam và thế giới như công ty chế biến thủy sản Cà Mau (CASES).

Cũng trong nhiệm kì này, Cà Mau xác định tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng phát triển cả chiều rộng và chiều sâu, nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh. Phát triển công nghiệp tập trung vào những ngành có thế mạnh như chế biến lâm nghiệp và thủy sản. Phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiệu quả. Tăng cường hợp tác, liên kết phát triển, liên kết vùng… Hi vọng đây là nhiệm kì mà Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân Cà Mau tạo nên bước đột phá mới về sự phát triển.

Có rất nhiều danh xưng về Cà Mau, về đất Mũi, nhưng tôi thích nhất cách Xuân Diệu đặt tên cho vùng đất này: “Tổ quốc tôi như một con tàu, Mũi thuyền ta đó - Mũi Cà Mau".

Cà Mau hôm nay đang chuyển mình cùng đất nước, với tất cả thế mạnh của mình, Cà Mau xứng đáng phát triển để trở thành một điểm sáng, một đầu tàu về kinh tế, văn hóa, đảm bảo an ninh, quốc phòng của khu vực và của đất nước, bởi Cà Mau:

“Như dòng máu nóng ở đầu tay,

Như ở đầu cây dòng nhựa trút,

Như sức cung dồn ở mũi tên,

Như sức bút ở đầu ngọn bút:

Tổ quốc tôi như một con tàu,

Mũi thuyền xé sóng – Mũi Cà Mau.”

Ghi chép của Thế Dũng

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/tro-lai-ca-mau.html